Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật

Việt Nam hiện có hơn 20 triệu trẻ em, trong đó gần 700.000 trẻ em khuyết tật. Nhóm đối tượng này luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước với nhiều chính sách, chương trình và các cam kết quốc tế. Tuy nhiên trong quá trình thực thi các chính sách vẫn còn nhiều khoảng trống cần được bổ sung, hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật.

Chú thích ảnh
Một giờ học của các em khiếm thính tại Trường Trẻ em khuyết tật huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em (năm 1989), đồng thời là thành viên thứ 118 tham gia ký Công ước quốc tế về Quyền của Người khuyết tật (năm 2007). Kể từ đó, vị trí, vai trò của người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi; luật pháp của Việt Nam cũng tiến đến gần với chuẩn mực chung của pháp luật quốc tế về quyền của trẻ em khuyết tật.

Trong thời gian qua, hàng loạt chính sách, đề án, chương trình được Đảng và Nhà nước ban hành, sửa đổi nhằm xây dựng hành lang pháp lý, làm cơ sở cho việc đảm bảo và thúc đẩy thực thi có hiệu quả các quyền của trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng trên thực tế.

Theo đó, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có hẳn một chương quy định về quyền con người và các điều khoản cụ thể về quyền trẻ em, trong đó có trẻ em khuyết tật. Luật Trẻ em năm 2016 đã đưa ra một khung pháp lý nền tảng nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền cho mọi trẻ em với các điều khoản phù hợp hơn với Công ước về Quyền trẻ em. Các bộ luật, luật khác (Luật Hình sự, Tố tụng hình sự, Xử lý vi phạm hành chính, Lao động, Hôn nhân và gia đình, Tổ chức tòa án nhân dân…) trong quá trình sửa đổi, bổ sung cũng luôn cập nhật cho phù hợp, đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn các thông lệ và chuẩn mực quốc tế có liên quan đến quyền trẻ em nói chung và quyền trẻ em khuyết tật nói riêng.

Đặc biệt, sự ra đời của Luật Người khuyết tật năm 2010 đánh dấu bước ngoặt quan trọng về địa vị của trẻ em khuyết tật trong xã hội; thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em khuyết tật hoà nhập với cộng đồng. Các chính sách, chế độ trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế, giáo dục, học nghề, giải quyết việc làm, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao… cũng được Đảng, Nhà nước quan tâm ban hành để hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng.

Triển khai các chính sách, Đề án đối với trẻ em khuyết tật, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan hữu quan đã ban hành hàng trăm công văn, quyết định, kế hoạch hướng dẫn các địa phương, cơ sở, tổ chức cách thực thi các chính sách; giải quyết những khó khăn, vướng mắc… trong quá trình thực hiện. Công tác tổng hợp, thống kê, khảo sát, đánh giá thực trạng trẻ em khuyết tật và tình hình thực hiện các chính sách được quan tâm thực hiện để tạo cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách đối với trẻ em khuyết tật.

Những cam kết chính trị cùng sự lãnh đạo mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban ngành từ cơ sở tới Trung ương đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng. Trẻ em khuyết tật ngày càng được pháp luật bảo vệ; được sống; được chăm sóc; được tạo điều kiện để sớm phát hiện và chữa bệnh, phục hồi chức năng; được ưu tiên hưởng các chính sách phúc lợi, học tập; được giúp đỡ học văn hoá, học nghề giải quyết việc làm và tham gia các hoạt động xã hội...

Cần triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ

Bên cạnh những hiệu quả thiết thực mang lại, công tác thực hiện chính sách với trẻ em khuyết tật ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như một số chính sách chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta; tiến độ thực hiện một số chính sách với trẻ em khuyết tật còn chậm; nhiều chính sách không được thực hiện đồng bộ; thiếu sự phối hợp chặt chẽ, hài hoà giữa các bộ, ngành và giữa Trung ương với địa phương trong thực hiện chính sách với trẻ em khuyết tật nên hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu chưa đạt. Bên cạnh đó, việc xác định mức độ khuyết tật còn chưa chính xác và cụ thể đối với một số dạng tật nên khiến nhiều trẻ khuyết tật gặp khó khăn, thậm chí không được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Một số chính sách hỗ trợ chưa được triển khai đến đúng đối tượng, nhất là với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa…

Ngày 29/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1438/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025. Mục tiêu chung của Đề án là phấn đấu đến năm 2025, trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng để được hòa nhập cộng đồng và có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em khuyết tật. Đề án đang bước sang giai đoạn thứ 2 (2021-2025) với nhiều mục tiêu cụ thể.

Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận của trẻ em khuyết tật còn rất nhiều hạn chế, nguyên nhân một phần do nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao nên còn có sự kỳ thị với người khuyết tật; bản thân người khuyết tật vẫn còn mặc cảm, chưa đủ tự tin để hoà nhập. Bên cạnh đó, ở nước ta hiện nay chưa có nhiều trường chuyên biệt về chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật; các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật còn ít và thiếu trang thiết bị. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dậy chưa được trang bị đầy đủ để nâng cao chất lượng học tập của trẻ…

Từ nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng, để công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em khuyết tật đạt được hiệu quả cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để hỗ trợ trẻ em khuyết tật; nâng cao năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các nhà cung cấp dịch vụ có liên quan đến trẻ em khuyết tật về hỗ trợ trẻ khuyết tật tiếp cận các dịch vụ; hoàn thiện mạng lưới dịch vụ và xây dựng mạng lưới kết nối các dịch vụ; thí điểm triển khai các mô hình hỗ trợ…

Công tác quản lý nhà nước về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ cần được đẩy mạnh, tăng cường. Trong đó, chú trọng tăng cường sự phối hợp giữa các ngành trong việc cung cấp các dịch vụ toàn diện về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách nhằm hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ tại cộng đồng. Xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá hỗ trợ trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ…

Cùng với các giải pháp nói trên, công tác hỗ trợ trẻ em khuyết tật cần nhận được sự quan tâm, trợ giúp nhiều hơn nữa từ cộng đồng, xã hội để cho trẻ khuyết tật, đặc biệt là đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có được cuộc sống tốt hơn, tự tin hòa nhập cộng đồng.

M.H (TTXVN)
Bàn giao 'Ngôi nhà chung' hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật ở Cần Thơ
Bàn giao 'Ngôi nhà chung' hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật ở Cần Thơ

Ngày 18/1, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ tổ chức Lễ bàn giao công trình “Ngôi nhà chung” cho Trung tâm Công tác xã hội thành phố Cần Thơ. Đây là công trình do Công ty Cổ phần Xi măng Tây Đô tài trợ, nhằm mở rộng khu nhà nuôi dưỡng nhóm trẻ sơ sinh và trẻ khuyết tật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN