Xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là xã có khởi đầu tương đối thuận lợi về mọi mặt khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện chương trình, xã mới đạt 9/19 tiêu chí, thấp hơn nhiều so với con số trung bình 16,54 tiêu chí của tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong số 10 tiêu chí chưa đạt thì môi trường vẫn là tiêu chí khó thực hiện nhất bởi theo như trao đổi với của ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến: Tuy cơ bản các hộ dân trên địa bàn xã đều được sử dụng nước hợp vệ sinh, song tình trạng xả rác, nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý, thải tràn ra đường gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra hàng ngày.
Được biết, trên địa bàn xã có 3 thôn nhưng mới chỉ quy hoạch một điểm tập kết rác thải, nhưng việc tập trung rác thải vẫn chưa thực hiện được. Việc quy hoạch bãi rác tập trung cũng khó khăn bởi quỹ đất không có, động vào chỗ nào cũng là ruộng của nhân dân, ruộng thì đã được giao khoán từ lâu, người dân không chịu nhận đền bù di dời.
Do đó, 2 thôn còn lại chưa có bãi rác tập trung, nên xã Tân Tiến đành thuê tạm bãi đất trống dọc Quốc lộ 2 và sông Phan để làm nơi chứa rác tạm thời. Tình trạng này đã diễn ra được vài năm gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Cũng như xã Tân Tiến, tiêu chí môi trường là một trong những bài toán khó trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Hiện nay, trên địa bàn xã mới xây dựng được một bãi rác thải tập trung tại thôn Vĩnh Lại với diện tích trên 1.000 m2 nhưng bãi rác này chỉ đáp ứng được nhu cầu của các hộ dân của 2 thôn, 5 thôn còn lại, rác được đổ tập trung tại bãi rác tạm khu vực Đồng Cơi.
Tuy nhiên, bãi rác này nằm khá sát khu dân cư, gần Quốc lộ 2 và cạnh kênh dẫn nước, được xử lý phương pháp đốt thủ công, khử mùi bằng cách rắc chế phẩm EM 1 lần/tháng. Phương pháp này không thể giải quyết triệt để do đó lâu ngày rác đổ tràn ra mặt đường, gây ô nhiễm môi trường.
Xã Chấn Hưng đã quy hoạch 2 bãi rác thải tập trung ở thôn Nội và thôn Xuôi, quy mô trên 1.000m2/ bãi, song đến nay chưa giải phóng được mặt bằng do mức giá đền bù mà các hộ dân đòi hỏi cao và nhiều hộ dân không đồng tình để bãi rác thuộc địa phận thôn mình. Bên cạnh đó, đường giao thông nội đồng chưa được xây dựng nên khó khăn cho việc vận chuyển rác.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Chấn Hưng cho biết: Theo kế hoạch đến hết năm 2017, xã Chấn Hưng sẽ phải hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Để hoàn thành 19 tiêu chí theo quy định cần khoảng trên 170 tỷ đồng. Tuy nhiên, xã không có khả năng về nguồn tài chính, chủ yếu là chông chờ vào phần hỗ trợ của cấp trên, vận động nhân dân.
Đối với một xã miền núi như xã Tam Quan, huyện Tam Đảo thì khó khăn nhất khi thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới là việc xử lý nước thải từ các hộ chăn nuôi. Việc phát triển mạnh về chăn nuôi và các dịch vụ từ chăn nuôi nên kéo theo nhiều vấn đề về môi trường. Nhiều hộ chăn nuôi do chưa làm được hầm xử lý bioga nên xả trực tiếp chất thải ra cánh đồng, ra mương thoát nước.
Cùng với đó, Tam Quan chưa có bãi rác tập trung. Với những rác thải khó phân huỷ như túi nilon, bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật... người dân vứt xuống các ao gần nhà, lâu dần ao được lấp đầy bằng các loại rác, nước thải. Đến mùa mưa, nước tràn vào sân nhà vừa gây khó khăn cho việc đi lại, gây ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, lượng rác thải sinh hoạt ở nông thôn hiện nay khoảng 585 tấn/ngày, trong đó mới thu gom, xử lý được trên 403 tấn/ngày. Hiện nay mới có 105/137 xã, phường, thị trấn đã có bãi xử lý rác thải.
Tuy nhiên, hầu hết các bãi rác đều chưa được quy hoạch mà chỉ xây dựng tạm thời, không đảm bảo vệ sinh và phương pháp xử lý, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở mức chôn lấp hoặc đốt tự do nên không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường cho khu vực xung quanh.
Chăn nuôi phát triển kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường vì chất thải. Đa phần các hộ chăn nuôi chưa được đầu tư quy mô mà chủ yếu nằm xen kẽ trong khu dân cư, có quỹ đất nhỏ, hẹp, không đủ diện tích để xây các công trình xử lý chất thải. Với khoảng 970.000 tấn chất thải mỗi năm, trong đó chỉ có khoảng 56% được xử lý còn lại thải trực tiếp ra ao, hồ gây tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn.
Thêm vào đó là ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, với 22 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, 14 cụm công nghiệp sản xuất tập trung và trên 19.300 cơ sở tái chế, sản xuất, chế biến lương thực… tại hộ gia đình nằm xen kẽ khu dân cư vẫn là những thách thức lớn đối với các xã nông thôn ở Vĩnh Phúc.
Việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại các địa phương, nhất là tại các vùng quê đang là một trong những vấn đề cấp bách.
Để hoàn thành được tiêu chí môi trường này, chính quyền địa phương các cấp ở Vĩnh Phúc cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đầu tư ngân sách để xây dựng hệ thống xử lý rác thải tập trung, đầu tư nguồn nước sạch hợp vệ sinh cho nhân dân, vận động nhân dân cùng tham gia bảo đảm vệ sinh môi trường gắn với thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư" để môi trường ngày càng trong sạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống ở vùng nông thôn.
Chỉ có sự vào cuộc đồng bộ, nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội thì mới có hy vọng tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới đạt được như mong muốn.