Tổng vốn đầu tư cho chương trình này trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là trên 192 tỷ đồng. Trong đó, trên 37 tỷ đồng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hơn 22,3 tỷ đồng quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư những nơi cần thiết; trên 91,4 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực dân tộc; hơn 12,2 tỷ đồng đầu tư phát triển giáo dục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; gần 26 tỷ đồng bảo tồn phát huy truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; trên 3,5 tỷ đồng truyền thông tuyên tuyền vận động trong vùng đồng bào dân thiểu số và miền núi, kiểm tra giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện các dự án.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Trị có hơn 192.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, với gần 95.000 người, phần lớn tập trung ở hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông. Số còn lại sinh sống ở một số xã vùng miền núi các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Trị là 49,51% (chuẩn nghèo mới theo Nghị định 07/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ).
Giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị là gần 1.479 tỷ đồng để thực hiện các dự án ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Quảng Trị thực hiện nhiều dự án, như: Đầu tư trên 217 tỷ đồng để xây dựng mới trên 3.000 nhà ở cho hộ nghèo, phần lớn tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho 30.400 lao động nông thôn, trong đó ưu tiên đào tạo cho lao động vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Tỉnh Quảng Trị đã và đang lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình như: xây dựng nông thôn, giảm nghèo bền vững, xóa nhà tạm; huy động nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp… để đầu tư đường giao thông, hỗ trợ người dân kỹ thuật, giống, vốn để xây dựng các mô hình kinh tế từ rừng, chăn nuôi; di dời tái định cư cho những hộ dân sinh sống ở vùng nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét lũ ống.