Năm 2013 ngành dệt may phấn đấu tăng trưởng 10%

Năm 2013, ngành dệt may sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến của thị trường xuất khẩu chính chưa có gì khả quan. Nhưng theo ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ngành vẫn sẽ phấn đấu nâng mục tiêu xuất khẩu lên ngưỡng 18,5 - 19 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng khoảng 10% so với năm ngoái.

Dây chuyền là sản phẩm may xuất khẩu tại Xí nghiệp may xuất khẩu Hà Quảng (Tổng công ty may 10) tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình.
Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Thực tế ngành dệt may Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội và nội lực để có thể tăng thêm từ 1,5 - 2 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu trong năm 2013. Bởi xét trên tổng cầu về sản phẩm dệt may của thế giới, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam còn rất khiêm tốn. Hơn nữa, cùng với các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, các doanh nghiệp dệt may vẫn có thể khai thác tốt các thị trường ngách như: Nga, Bêlarút, Ucraina, Trung Cận Đông… Cùng với đó, các doanh nghiệp còn có nhiều khả năng gia tăng sản lượng thông qua việc cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy năng suất lao động bởi năng suất lao động của ngành hiện chỉ ở mức trung bình so với các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới. Tỷ lệ nội địa hóa của ngành cũng ngày một khởi sắc khi năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2010 đạt 46%, năm 2011 đạt 48% và năm 2012 đạt 50%). Khâu thiết kế mẫu mã đã bắt đầu phát triển thể hiện qua các đơn hàng FOB ngày một tăng… sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh.


Tuy vậy, ngành dệt may Việt Nam đang tồn tại một hạn chế lớn, đó là thiếu đi những chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu đủ tầm. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới sự phụ thuộc về nguyên phụ liệu, giảm sức cạnh tranh về giá của ngành. Nguyên do là gần 20 năm qua, ngành dệt may lấy khâu sau (may) là trung tâm phát triển, nên khâu thượng nguồn (nguyên, phụ liệu) không được chú trọng đầu tư ở mức cần thiết. Đến nay, khi ngành dệt may Việt Nam đã phát triển lên một ngưỡng cao hơn thì yêu cầu về việc có được những chuỗi cung ứng đủ mạnh phục vụ cho sự phát triển của ngành là yêu cầu cấp thiết, đây cũng chính là quá trình dịch chuyển cần thiết nhằm đưa ngành dệt may Việt Nam lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị của dệt may toàn cầu.


Để xây dựng được chuỗi cung ứng, ngành dệt may phải có sự đầu tư xứng đáng cho khâu thượng và trung nguồn. Theo đó, cần phải mở rộng được số lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu bông tự nhiên, xơ nhân tạo, đặc biệt là phải phát triển được khâu dệt, nhuộm hoàn tất và vấn đề này không thể “một sớm một chiều” có thể hoàn thành được. Trong Đề án tái cơ cấu của Vinatex, Tập đoàn đưa ra một giải pháp khá quan trọng nhằm xâu chuỗi cung ứng nhanh và bền vững cho ngành, là liên kết các doanh nghiệp hoạt động tại các khâu khác nhau trong chuỗi giá trị của dệt may tạo thành một công ty hoặc nhóm công ty mạnh, những công ty này sản xuất hoàn toàn khép kín từ nguyên liệu đến sản phẩm.


Ông Trường cho biết thêm: Với nguồn vốn đầu tư dự kiến khoảng 20.000 tỷ đồng, các dự án về dệt, nhuộm hoàn tất sẽ là trọng điểm đầu tư của ngành dệt may đến năm 2015. Đây là nỗ lực lớn nhằm nhanh chóng xây nên chuỗi cung ứng cũng đồng thời nâng tầm cho ngành dệt may Việt Nam trong tương lai.


Uyên Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN