Mường Nhé - vùng cực tây Tổ quốc đang vươn mình đổi mới- bài 1

Những ngày cuối năm 2021, trời Mường Nhé chớm đông, gió lạnh. Chúng tôi ngược ngàn lên huyện biên giới nơi cực tây của tỉnh Điện Biên quanh co qua những dãy núi điệp trùng ẩn hiện trong mây mù.

Ít ai biết rằng, 10 năm về trước, chính nơi này, hàng ngàn đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu và xa hơn nữa là tận Đắk Lắk,  Đắc Nông… nghe theo lời kẻ xấu kéo về đây tụ tập để cầu nguyện, xưng đón "Vua Mông".

Do làm tốt công tác vận động quần chúng, tranh thủ người có uy tín, chức sắc trong tôn giáo và phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu, đồng bào Mông đã trở về quê hương, cuộc sống người dân ở Mường Nhé đã trở lại bình thường.

Ngày nay, dọc theo Quốc lộ 4H vào Mường Nhé, xen lẫn những ngôi nhà sàn của đồng bào các dân tộc, đã thấp thoáng những ngôi nhà cao tầng hiện đại, minh chứng cho sự đổi thay ở vùng cao biên giới.  

Chú thích ảnh
Một góc trung tâm thị trấn Mường Nhé, huyện Mường Nhé (Điện Biên) ngày nay.

Bài 1: Những luận điệu lạc lõng giữa đại ngàn

"Lừa phỉnh" đồng bào 

Theo Công an tỉnh Điện Biên, từ năm 2007 đến nay, lợi dụng đạo Tin lành, việc những phần tử cực đoan lôi kéo người dân ở các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Tuần Giáo… để tuyên truyền thành lập "Nhà nước Mông", có chiều hướng diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, trong số các đối tượng tham gia hoạt động "Nhà nước Mông" có  nhiều đối tượng là mục sư tự phong, trưởng giáo hạt và trưởng phó nhóm đạo. Chúng chủ trương tuyên truyền, lôi kéo những người Mông theo đạo Tin lành. 

Nhớ lại những ngày đầu tháng 5/2011, do bị ảnh hưởng của luận điệu trên, khoảng 10.000 người Mông ở các nơi kéo về tụ tập ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé để cầu nguyện, xưng đón "Vua Mông",  tạo ra tình hình phức tạp. Điển hình là vụ bắn giết cán bộ ngày 15/10/2012 tại Mốc 10, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé do một số đối tượng hoạt động lập "Nhà nước Mông" thực hiện. 

Theo ông Pờ Diệp Sàng, nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, lợi dụng trình độ nhận thức của người dân thấp, tâm lý nhẹ dạ, cả tin của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), kẻ xấu đã tuyên truyền, tung tin thất thiệt, bịa đặt trên địa bàn như: "Ở Điện Biên có 2 con rồng trắng và đỏ cắn nhau, con rồng đỏ chết, còn con rồng trắng bay đi. Như vậy, việc lập "Nhà nước Mông" chắc chắn sẽ thành công"; "Ông trời sẽ giáng họa cho người Mông, nếu muốn tránh khỏi tai họa thì phải lấy váy của người phụ nữ Mông treo vào cửa chính, lấy tro bếp rắc xung quanh nhà và buộc vải đỏ vào cổ tay" hay "sắp chia tách thành lập một huyện mới tại Lào, nếu di cư sang Lào trong thời gian này sẽ được làm sổ hộ khẩu và công nhận là công dân Lào", "sắp đến ngày tận thế"...  

Đây là những luận điệu bịa đặt đã làm cho một bộ phận quần chúng hoang mang lo sợ. Nhiều người đã tin, làm theo hướng dẫn của kẻ xấu để phòng chống thiên tai, bệnh tật cho gia đình hoặc liên lạc với số đối tượng ở nước ngoài để tìm hiểu thông tin... gây ra tình hình rất phức tạp về an ninh trật tự. Trước tình hình trên, lực lượng công an phải tổ chức nhiều cuộc truy tin, đồng thời tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều buổi họp dân tuyên truyền mới ổn định được tình hình.

Giờ đây mọi chuyện đã khác, không còn nhiều người tin vào những luận điệu lừa phỉnh, mù quáng đó nữa. Người Mông giờ an tâm và vui vẻ chăm lo cuộc sống của mình.

Trong ngôi nhà tình nghĩa mới được Bộ Công an và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động xây tặng, ông Vàng A Sình - Bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé không giấu được niềm vui. Cả cuộc đời ông và gia đình dù có tích cóp qua bao mùa nương chưa chắc đã xây cất được ngôi nhà khang trang như thế.

Ông Vàng A Sình cho biết, mấy năm qua, cả bản không có người tự đến và đi như trước nữa, các hộ đều yên tâm làm ăn. Ngoài canh tác những cây nông nghiệp truyền thống thì hiện nay đã có một số hộ khai hoang, cải tạo đất để trồng cây công nghiệp như chè, cao su, chăn nuôi đàn đại gia súc và bước đầu đã cho thu nhập. Nếu tính theo tiêu chí chuẩn nghèo mới thì nhiều hộ dân trong bản vẫn thuộc diện nghèo, nhưng không còn hộ đói như trước kia nữa.

Khi được hỏi bây giờ có còn ai tin vào "Nhà nước Mông" nữa không, ông Sình cười: "Không tin đâu chứ! Mình phải tự làm ăn thôi, cái đầu thông rồi, chỉ có cán bộ và Nhà nước mới tạo điều kiện, quan tâm cho mình no ấm và hạnh phúc thôi".  

“Tổ tiên người Mông có câu “Tiền bạc trên đá, không làm vất vả thì không có tiền”. Hòn đá, mảnh đất chỉ có thể biến thành đồng tiền, vàng bạc khi mình cần cù chịu khó làm ăn thôi…”, ông Vàng A Sình nói.

Vậy là đã rõ, vua giúp người Mông hay kẻ xấu lợi dụng sự cả tin của người Mông để trục lợi? May mắn thay, người Mông đã có chính quyền các cấp tuyên truyền chỉ ra điều hay, lẽ phải; có các anh bộ đội, công an, biên phòng đưa tay giúp đỡ họ đứng dậy sau lần vấp ngã vì nghe theo lời kẻ xấu.  Một người nhận ra sai lầm, lần lượt nhiều người cùng nhận ra sai lầm khi mà thay vì trách cứ hay bắt giam, cơ quan chức năng đã thuyết phục, phân tích cặn kẽ cho bà con. Ngoài việc tuyên truyền về Quy chế Biên giới và Luật Cư trú... lực lượng vũ trang nói với bà con về văn hóa người Mông, về cái đạo làm người trọng lẽ phải với ước mơ chinh phục thiên nhiên, chiến thắng cái ác, sống ngay thẳng giữa đại ngàn Mường Nhé, như truyền thống muôn đời bất khuất của các thế hệ nối tiếp người Mông...  

Chú thích ảnh
Mường Nhé - Điểm cực tây Tổ quốc hôm nay.

Có nhiều nguyên nhân

Thượng tá Lò Văn Khiêm, Phó trưởng Phòng An ninh nội bộ, Công an tỉnh Điện Biên cho rằng: Thực tiễn cho thấy, hoạt động tuyên truyền phát triển đạo Tin lành vào vùng đồng bào DTTS, nhất là dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Điện Biên diễn biến rất phức tạp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó là, các thế lực thù địch đã thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, lợi dụng các chiêu bài “dân chủ", "nhân quyền”, “tự do tôn giáo” nhằm lôi kéo, tập hợp quần chúng, tín đồ nhằm phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc, gây bất ổn về chính trị, dần vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền cơ sở. Trong đó, Điện Biên là một trong những địa bàn trọng điểm mà chúng có nhiều hoạt động chống phá.

Thời gian qua, những đối tượng thù địch đẩy mạnh các hoạt động tài trợ, hậu thuẫn, can thiệp công khai vào tình hình tôn giáo ở vùng DTTS trên địa bàn; thường xuyên cử các đoàn với danh nghĩa ngoại giao đến địa bàn để tác động, can thiệp vào tình hình tôn giáo ở Điện Biên. Chúng đến những vùng dân tộc, tôn giáo nhạy cảm về an ninh trật tự để gặp gỡ, phỏng vấn một số đối tượng cầm đầu, đi sâu tìm hiểu tình hình, thu thập tài liệu, thông tin sai lệch về dân tộc, tôn giáo của ta tại cơ sở; lợi dụng việc thăm thân, du lịch vào địa bàn tỉnh Điện Biên để tán phát tài liệu, tuyên truyền đạo trái pháp luật…

Cũng theo Thượng tá Lò Văn Khiêm, các cá nhân, tổ chức tôn giáo trong và ngoài nước đã có hoạt động tài trợ, đào tạo cốt cán trong tôn giáo, tấn phong mục sư, trưởng các điểm nhóm đạo không tuân thủ quy định của pháp luật. Chỉ đạo đối tượng cầm đầu đi tuyên truyền, tán phát tài liệu nhằm lôi kéo quần chúng tín đồ theo đạo Tin lành, đặc biệt trong vùng DTTS, đã hình thành các tổ chức tôn giáo cấp cơ sở.  

Qua thống kê, từ năm 2005 đến nay, lực lượng Công an đã thu giữ hàng trăm nghìn phương tiện, tài liệu có nội dung tuyên truyền đạo Tin lành không rõ nguồn gốc xuất xứ mà các cá nhân, tổ chức tôn giáo chuyển cho các đối tượng cầm đầu đạo để tán phát vào địa bàn. Được sự chỉ đạo, tài trợ từ bên ngoài, nên các đối tượng này đã tích cực đi tuyên truyền lôi kéo người theo đạo, tổ chức các hoạt động tôn giáo không xin phép chính quyền địa phương, một số nơi hoạt động lấn lướt chính quyền cơ sở. Nhiều người dân tham gia lập lớp tập huấn do tổ chức phản động, "xã hội dân sự", viết đơn thư khiếu kiện vượt cấp gửi các ban ngành Trung ương và tổ chức quốc tế nhờ can thiệp, giúp đỡ gây phức tạp tình hình.

Do đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Mông còn nhiều hạn chế yếu kém, phong tục tập quán một số nơi còn lạc hậu, trong khi đó một số nội dung giáo lý tôn giáo đáp ứng được phần nào nhu cầu tinh thần trong đời sống nhân dân, tạo cơ hội cho họ được gặp gỡ, giao lưu... Vì vậy, họ đã tìm đến tôn giáo để được gặp gỡ, trao đổi thông tin và mong muốn được cuộc sống an bình, hạnh phúc.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo không quy định cụ thể chế tài xử lý hoạt động tôn giáo trái pháp luật nên khó khăn cho công tác xử lý của cơ quan chức năng, hiệu quả và tính răn đe không cao. Mặt khác, công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo của chính quyền địa phương còn rất nhiều bất cập; đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý tôn giáo còn thiếu, vừa yếu, không đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý, đặc biệt đội ngũ cán bộ cơ sở còn lúng túng trong việc xử lý các hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và đa dạng về tín ngưỡng. Xuyên suốt tiến trình lịch sử, tín ngưỡng, các tôn giáo lớn ở Việt Nam không chỉ có vai trò trong bảo tồn, xây dựng, phát triển văn hóa - xã hội mà còn ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng, đạo đức, trở thành nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân.  

Bài 2: Tà đạo "Giê Sùa", "Bà Cô Dợ" huyễn hoặc cái gọi là “Nhà nước Mông”

Bài và ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức
Đưa cây mắc ca trồng trên đất dốc, góp phần giảm nghèo nơi ngã ba biên giới Điện Biên- bài cuối
Đưa cây mắc ca trồng trên đất dốc, góp phần giảm nghèo nơi ngã ba biên giới Điện Biên- bài cuối

Với giá trị kinh tế cao, cây mắc ca sẽ cho lợi nhuận lâu dài, tạo việc làm ổn định cho bà con bản địa, giúp bà con yên tâm sinh sống, giữ rừng, được hưởng lợi từ chi trả dịch vụ môi trường rừng và chung tay gìn giữ an ninh khu vực biên giới.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN