Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 8 dự án trồng cây mắc ca được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư là 8.812 tỷ đồng, quy mô thực hiện trồng 47.046 ha. Đến nay, các doanh nghiệp có dự án đầu tư trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh đã tổ chức trồng được 3.375 ha mắc ca, đạt 41% so với quy mô tiến độ phê duyệt các dự án đến năm 2021 (đạt 9% so với tổng quy mô các dự án được phê duyệt).
Bài 1: Đẩy nhanh tiến độ trồng cây mắc ca ở Mường Nhé
Chúng tôi lên xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) đúng vào ngày bà con đồng bào Hà Nhì bản Pờ Nhù Khò đang được tập huấn cách trồng và chăm sóc cây mắc ca. Ông Pờ Chinh Phạ, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cho biết: Sín Thầu là xã biên giới, đồng bào dân tộc Hà Nhì chiếm 96%, tập quán của người dân chủ yếu là trồng trọt, nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng và chăn nuôi, nên tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn hơn 20%.
Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường Nhé, xã Sín Thầu là địa phương được huyện chọn làm điểm chương trình phát triển kinh tế - xã hội trồng thí điểm 131 ha trên tổng số hơn 1.000 ha cây mắc ca, nhưng tại buổi tập huấn và đăng ký hộ gia đình tham gia hợp tác xã trồng mắc ca, nhiều hộ vẫn “chưa mặn mà”. Đến thời điểm này, người dân đang được tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký tham gia hợp tác xã trồng mắc ca với mong muốn nâng mức sống, góp phần giúp bà con dân tộc thiểu số Hà Nhì vươn lên làm giàu.
Clip đồng bào dân tộc Hà Nhì xã Sín Thầu huyện Mường Nhé (Điện Biên) chuẩn bị nương rẫy trồng cây mắc ca.
Ông Pờ Chinh Phạ, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cho biết: UBND xã Sín Thầu đang rà soát các hộ gia đình còn nhiều diện tích đất trống, đồi trọc để triển khai chương trình trồng cây mắc ca. “Chúng tôi đã khảo sát diện tích ở 3 bản là Tá Miếu, Pờ Nhù Khò, Tả Kho Khừ trên địa bàn xã đủ điều kiện, diện tích để trồng cây mắc ca công nghệ cao”, ông Pờ Chinh Phạ cho biết.
Được biết, từ năm 2019, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc đã triển khai dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích hơn 11.156 ha, thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất và đất nông nghiệp khác (trong đó diện tích trồng mắc ca công nghệ cao 10.000 ha) được trồng tại 6 xã Chung Chải, Leng Su Sìn, Nậm Vì, Mường Nhé, Sen Thượng và Sín Thầu.
Tuy nhiên, đến nay Công ty mới trồng được khoảng 600 ha trên địa bàn 2 xã Sín Thầu và Sen Thượng; đồng thời đo đạc, quy chủ phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để được giao đất, thuê đất thực hiện dự án với diện tích gần 2.000 ha. Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2018 - 2020 thực hiện trồng 7.000 ha, giai đoạn 2 từ sau khi hoàn thành giai đoạn 1 được đánh giá thực sự hiệu quả, nếu điều kiện thuận lợi, doanh nghiệp sẽ tiếp tục trồng 3.000 ha. Hiện tại, với diện tích gần 300 ha tại xã Sen Thượng, Công ty đã trồng trên 70.000 cây mắc ca và đều được gắn mã định vị cầu GPS để theo dõi chu kỳ sinh trưởng, phát triển.
Trong năm 2020, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc triển khai trồng trên 2.500 ha mắc ca tại các xã Sen Thượng, Chung Chải và Leng Su Sìn. Cơ quan chức năng đang phối hợp với chính quyền huyện Mường Nhé, nỗ lực tháo gỡ khó khăn về thủ tục liên quan đến đất rừng, để tiến độ trồng cây mắc ca được đảm bảo theo dự án. Kế hoạch là vậy, nhưng đến thời điểm tháng 11/2021, toàn huyện mới thực hiện trồng được khoảng 600 ha mắc ca tại địa bàn xã Sen Thượng; trong khi đã hoàn thiện các thủ tục đo đạc và giải phóng mặt bằng với tổng diện tích là 1.961,13 ha. So với kế hoạch đề ra thì việc triển khai chậm tiến độ thực hiện dự án trồng mắc ca chủ yếu là do nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai và giải phóng mặt bằng.
Việc trồng cây mắc ca công nghệ cao trên địa bàn huyện biên giới trọng yếu Mường Nhé, ngoài mục đích giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, còn là giải pháp phủ xanh rừng, góp phần ổn định dân cư, hạn chế phá rừng làm nương và nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn. Mặc dù vậy, đến nay nhiều bà con vẫn còn băn khoăn...
Cùng với đó, hiện nay dự án giao đất lâm nghiệp chưa có rừng và dự án trồng cây mắc ca cùng triển khai thực hiện trên địa bàn, đã gây khó khăn trong việc đo đạc quy chủ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bởi dự án trồng mắc ca chưa có phê duyệt dự án cụ thể để xác định rõ phạm vi, vùng triển khai đo đạc quy chủ, dẫn đến có thể trùng lặp với đo giao đất không có rừng. Mâu thuẫn về hạn mức giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất trống đồi núi trọc giữa vùng ngoài dự án và trong dự án trồng mắc ca cũng là lý do khiến tiến độ thực hiện chậm.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, thì việc nhà đầu tư chưa nghiên cứu kỹ về thực trạng đất đai trong bước lập khảo sát ban đầu dẫn đến nhiều diện tích đưa vào vùng quy hoạch thực hiện dự án nhưng không triển khai được do một số diện tích đã phát triển thành rừng và nhiều diện tích đang là đất sản xuất thường xuyên của người dân. Cụ thể, trong tổng số hơn 11.156 ha vùng dự án thì có hơn 3.000 ha đất đã có rừng và khoảng 8.000 ha là đất nương đang canh tác thường xuyên của người dân.
Để đẩy nhanh tiến độ trồng mắc ca trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư huyện ủy Mường Nhé cho rằng, cấp ủy và chính quyền các xã cần phối hợp tốt với các sở, ngành liên quan tập trung triển khai trồng cây mắc ca theo kế hoạch để sớm đưa mắc ca trở thành cây trồng mũi nhọn của huyện Mường Nhé trong thời gian tới.
Bài cuối: Sớm đưa cây mắc ca trở thành cây mũi nhọn ở huyện vùng biên Mường Nhé