Mức phạt thả diều gây mất an toàn lưới điện chưa đủ sức răn đe

Theo thông tin từ Công ty Điện lực Thái Nguyên (thuộc Tổng công ty Điện lực Miền Bắc) cho biết, trong quý I/2021, có 18 sự cố trên đường dây điện do hành vi thả diều tại Thái Nguyên, trong đó riêng tại huyện Phú Bình là 11 vụ.

Chú thích ảnh
Một con diều mắc trên đường dây điện tại xã Tân Hương, Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2020, theo thống kê có 126 sự cố trên đường dây điện do diều bay lên vướng vào, tương ứng với thời gian mất điện trên 1.000 phút, nhưng chỉ xử phạt được 3 vụ thả diều gây ra sự cố lưới điện.

Theo ông Trần Hồ Nam, Phó giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên, những sự cố này làm gián đoạn cung cấp điện ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty và ảnh hưởng đến cung ứng điện đến các doanh nghiệp sản xuất tại tỉnh, đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao như Samsung sẽ gây thiệt hại rất lớn. Chính vì thế, vấn đề đảm bảo cung cấp điện rất quan trọng. Ngành Điện đã phối hợp với nhiều ban, ngành, địa phương tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc, cũng như có những cơ chế xử phạt với các trường hợp thả diều gây ra sự cố trên đường dây điện. 

Do vật liệu dùng để làm diều có tính dẫn điện (như khung diều có gắn dây đèn led, dây buộc bằng thép, dây diều có pha sợi kim tuyến dẫn điện, trên diều gắn thêm ống sáo bằng kim loại…), kích thước diều lại lớn (có loại dài đến 7 - 8m, rộng 3 - 4m) nên nếu vướng vào đường dây diện có thể gây ra sự cố điện lưới. Việc thả diều dưới đường dây điện là hành vi bị cấm, tuy nhiên, có những trường hợp người thả diều không chơi trong hành lang lưới điện nhưng do ảnh hưởng thời tiết dây diều bị cuốn đi, vướng vào lưới điện gây ra sự cố. Theo quy định, mức xử phạt hành vi này chỉ từ 1 - 5 triệu đồng, lại rất khó xác định được đối tượng thả diều gây ra sự để xử phạt, quy trách nhiệm, trong khi đó chỉ riêng thiệt hại về kinh tế trong các sự cố mất điện rất lớn.

Chú thích ảnh
Người lớn, trẻ nhỏ ở xã Tân Hương, Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên mang diều ra thả tại một bãi đất trống ngay dưới chân cột điện cao áp.

"Những cơ chế xử phạt hành vi thả diều gây mất an toàn lưới điện hiện nay chưa phù hợp, tính răn đe chưa cao. Thêm vào đó, hiện nay chưa có cơ chế rõ ràng việc chơi diều có giới hạn như thế nào và trong phạm vi nào để không gây mất an toàn hệ thống điện. Rất mong Chính phủ có cơ chế xử phạt đủ sức răn đe", ông Nam đề xuất.

Hiện nay, Công ty Điện lực Thái Nguyên đang quản lý gần 11.000 km đường dây các loại và có hơn 384.000 khách hàng. Trong năm 2020 Công ty đã thực hiện nhắn tin 5360 tin nhắn qua Zalo tới khách hàng sử dụng điện và người dân sinh sống gần đường dây lưới điện cao áp để tuyên truyền về tai nạn điện trong dân. Nội dung tin nhắn có chọn lọc theo từng khu vực và nguyên nhân hay xảy ra sự cố, mẫu tin nhắn được Công ty phê duyệt.

Bên cạnh đó, Công ty cũng đã phát hành 12.000 tờ rơi tuyên truyền và 2.400 quyển cẩm nang an toàn điện, phối hợp với Đài truyền hình Thái Nguyên xây dựng 2 phóng sự tuyên truyền bảo vệ hành lang và nhiều bài viết trên phương tiện báo trung ương và địa phương với các nội dung tuyên truyền bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp, sử dụng điện an toàn và ngăn ngừa tai nạn điện. Tuy nhiên, việc người dân thả diều dưới đường dây điện ở Thái Nguyên vẫn tiếp diễn.

Chú thích ảnh
 Diều mắc vào cột 59 DD 172 E1.19 Sóc Sơn-172 E6.7 Sông Công tại xã Tân Hương, Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên ngày 30/3/2021.

Trao đổi về vấn đề này tại chuyến đi kiểm tra về công tác an toàn vệ sinh lao động với Công ty Điện lực Thái Nguyên, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lo ngại: “Qua báo cáo của Điện lực Thái Nguyên và phản ánh của báo chí, hiện nay, tình trạng thả diều của một bộ phận người dân đang vi phạm hành lang an toàn lưới điện, đồng thời đã gây nhiều sự cố về điện, ảnh hưởng rất lớn đến vận hành lưới điện an toàn và cả an toàn cho các phụ tải, hộ sử dụng, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân”.

Ông Thơ đề nghị, để ngăn chặn những hậu quả khôn lường từ những hành động vui chơi, giải trí, thú vui đang được xem là bình thường này, cần có những giải pháp đồng bộ từ quy định khu vực thả diều, kích thước, quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các hoạt động vui chơi xung quanh hành lang an toàn của lưới điện, đến xử lý nghiêm các vị phạm. Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, cần phải xử lý hình sự.

Tin, ảnh: Anh Tuấn (TTXVN)
Xử lý kịp thời các trường hợp có nguy cơ gây sự cố cho hành lang lưới điện
Xử lý kịp thời các trường hợp có nguy cơ gây sự cố cho hành lang lưới điện

Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và hạn chế tối đa các sự cố về điện, thời gian qua, ngành điện lực tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn để việc cấp điện được diễn ra ổn định… Qua đó, phục vụ tốt cho việc cung cấp điện góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN