Dân phố biển sợ... nước
Trận mưa lũ lịch sử năm 2015 ở Quảng Ninh kéo dài hơn một tuần đã làm 17 người bị thiệt mạng, gây thiệt hại gần 3 nghìn tỷ đồng. Còn trận mưa lớn vào cuối giờ chiều 5/7 diễn ra chỉ trong vòng ít giờ đồng hồ, thành phố Hạ Long bỗng chốc chìm trong biển nước. Giao thông có lúc bị tê liệt hoàn toàn ở một số tuyến đường huyết mạch. Ngập lụt đã khiến giao thông giữa khu vực Hòn Gai và Bãi Cháy bị chia cắt trong nhiều giờ. Đây thực sự là một sự bất thường đối với người dân Hạ Long. Chị Nguyễn Thùy, 39 tuổi, ở phường Cao Thắng (Hạ Long) cho biết: Sống ở Hạ Long từ nhỏ, gia đình chị chưa bao giờ bị ngập nước. Tuy nhiên, hai năm qua, nhà chị đã bị ngập tới 2 lần đều vào đầu mùa mưa (tháng 7). Chị Thùy tính phải chuyển nhà lên chỗ cao.
Trong 2 ngày 4 - 5/7/2016, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều địa phương lâm cảnh ngập lụt cục bộ. |
Chỉ chưa đầy 30 phút sau trận mưa, gần 100 hộ dân của các tổ 29, 30, 31 khu 3, phường Hà Trung phải chịu hậu quả nặng nề. Mưa lớn cuốn trôi theo đất đá từ dự án sân golf của Tập đoàn FLC đang thi công trên núi tràn xuống vùi lấp toàn bộ hệ thống thoát nước, gây ngập úng cục bộ trong nhiều giờ, có nơi ngập đến hơn 1m. Nước và đất đá tràn vào nhà dân gây thiệt hại về tài sản và đe dọa đến tính mạng của người dân phường Hà Trung. 6 hộ dân sống ở dưới chân núi đã phải di dời. Sống tại đây đã hơn 40 năm, bà Phùng Thị Thu, tổ 30, khu 3 phường Hà Trung cảm nhận "trận mưa ngày 5/7 đúng như một cơn ác mộng".
Sau cơn mưa lớn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu kiểm tra hiện trường của dự án sân golf này và yêu cầu chủ đầu tư dự án Tập đoàn FLC xem lại các thiết kế thi công và nhanh chóng hoàn thiện thi công đối với khu vực hạ lưu, phải xây dựng bờ kè chắn và các hố lắng để giảm thiểu tối đa lượng bùn đất xuống khu dân cư sinh sống. Ông Hậu yêu cầu trong quá trình thi công dự án cần tuân thủ theo các chỉ dẫn của thành phố Hạ Long, khi có mưa phải triển khai phủ bạt lên các khu vực thi công để hạn chế tối đa việc đất đá trôi theo dòng nước.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, ước sơ bộ số thiệt hại do mưa lớn gây ra trên địa bàn tỉnh khoảng 1,2 tỷ đồng; trong đó chủ yếu vào việc dọn dẹp đất, đá trôi sạt tại thành phố Hạ Long. Cụ thể là sạt lở đất đá tại ở phường Cao Xanh, Trần Hưng Đạo, Bãi Cháy, Hồng Hải, Hà Lầm, Cao Thắng... Ngoài ra, thành phố có nhiều khu vực bị ngập úng cục bộ do không tiêu thoát nước kịp như khu dân cư và trên tuyến quốc lộ 18 đoạn qua các phường Hồng Hà, Hồng Hải, Hà Phong... Hơn 80 hộ dân của thành phố Hạ Long phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.
Ngay sau cơn mưa, nhiều gia đình đã phải góp hàng chục triệu đồng để thuê máy xúc khơi thông hệ thống khe, cống thoát nước, vệ sinh đường phố, ngõ xóm.
Tiêu thoát nước không hiệu quả
Thời tiết cực đoan, mưa lớn dồn dập trong khoảng thời gian ngắn khiến hệ thống thoát nước không tiêu kịp là nguyên nhân khách quan của tình trạng ngập lụt ở thành phố Hạ Long. Chỉ trong khoảng thời gian từ 13 đến 19 giờ ngày 5/7, lượng mưa đo được ở khu vực Bãi Cháy là 142 mm. Theo đánh giá của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ninh, lượng mưa như vậy trong thời gian ngắn là quá lớn. Tuy nhiên, ngập lụt cũng do hệ thống thoát nước của thành phố bị tắc nghẽn nhiều điểm.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh cho biết: 2 trong 5 cống thoát nước của khu vực Bãi Cháy bị tắc nghẽn hoàn toàn. Hai cửa cống thoát nước ở khu vực Vườn Đào (phường Bãi Cháy) chứa đầy đất đá, nước không thể tiêu thoát. Cống thoát nước ở lối ra vào khu công nghiệp Cái Lân bị tắc hoàn toàn bởi đất đá, khiến toàn bộ hệ thống thoát nước bị ngưng trệ. Khu vực này bị ngập cục bộ kéo dài và giao thông bị tê liệt hoàn toàn. Quảng Ninh trong quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều dự án trọng điểm đang trong giai đoạn triển khai nên không kịp hoàn nguyên. Điều này khiến nước mưa kéo trôi một lượng lớn đất đá từ các dự án này bít chặt hệ thống thoát nước ở thành phố.
Tại khu vực Hòn Gai, nước ngập do hai nguyên nhân. Đó là hệ thống dải phân cách cứng giao thông đường Nguyễn Văn Cừ vô tình đã ngăn chặn nước mưa cũng như dòng nước đổ từ các sườn núi, đồi xuống không thể tràn qua đường để tiêu thoát ở miệng cống (hàm ếch) chảy ra biển. Hệ thống thu gom nước ở hai bên đường nhiều điểm không hợp lý, nhất là độ rộng hàm ếch hoặc quá nhỏ hoặc quá ít ở những điểm trũng khiến nước không tiêu kịp mỗi khi có lượng mưa lớn, dồn dập trong khoảng thời gian ngắn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, thoát nước cần đồng bộ và sự đầu tư kinh phí khá lớn. Trước mắt, trong tình trạng kinh phí hạn hẹp và để hạn chế tình trạng ngập lụt, thành phố Hạ Long tập trung phương tiện, thiết bị tiến hành khơi thông cống thoát nước thường xuyên, liên tục. Chính quyền địa phương phải thúc ép các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án ở ven biển, trên núi, chú trọng hoàn thành các hạng mục ở hạ lưu để hạn chế việc cuốn trôi đất đá gây tắc hệ thống thoát nước của thành phố.
Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh cũng thừa nhận, các dự án “đào núi, lấp biển” cũng làm thay đổi địa hình, địa mạo, có ảnh hưởng xấu đến việc thoát nước chung. Hiện nay, Hạ Long có nhiều các dự án lấn biển hàng trăm mét, trải dài nhiều cây số để làm công viên giải trí, đô thị nhà ở.