Đã 3 tháng nay, dù trời mưa hay nắng, 3 mẹ con chị Phương vẫn đến lớp học đều đặn. Trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông con, chị Phương và các con không ai được học chữ. Không biết chữ, chị Phương và con dâu, con gái của chị không đọc được đơn thuốc; muốn vay vốn ngân hàng chị và các con cũng không biết chữ để ký tên... “Học được cái chữ thật vui, giờ cả 3 mẹ con đều biết đọc, biết ký tên của mình. Mỗi lần đến lớp, được nghe cô giáo giảng, được trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con cái cũng như chăn nuôi, trồng trọt với các chị em trong bản, chị cảm thấy rất vui”, chị Lữ Thị Phương chia sẻ.
Bản Na Ca, xã Châu Hạnh là bản của đồng bào dân tộc Thái, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. 50% phụ nữ ở bản mù chữ hoặc tái mù chữ. Trước thực trạng đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳ Châu nhận thấy nếu chỉ có tổ chức Hội vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia các lớp học sẽ khó thành công. Huyện Hội đã cùng Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Châu Hạnh, cán bộ Chi hội Phụ nữ bản Na Ca trao đổi với Bí thư Chi bộ và Trưởng bản Na Ca để bàn việc vận động học viên tham gia lớp học chống mù chữ. Các ngành, đoàn thể đã vận động được 113 thành viên tham gia. Cuối đợt học hầu hết các học viên đều biết đọc, biết viết.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện xây dựng kế hoạch thực hiện; hướng dẫn Hội Phụ nữ các xã triển khai. Để khắc phục khó khăn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện làm việc với Phòng Giáo dục và Đào tạo để tư vấn chương trình, nội dung xóa mù chữ và cung cấp tài liệu phục vụ lớp học xóa mù chữ. Riêng kinh phí để trang trải cho các lớp học, Hội Phụ nữ huyện huy động từ nguồn nuôi lợn tiết kiệm của cán bộ cơ quan Hội và sự chung tay góp sức của cấp ủy, chính quyền địa phương. Các đồng chí cán bộ chuyên trách Hội Phụ nữ chịu trách nhiệm soạn giáo án trực tiếp giảng dạy với 2 môn chủ đạo Tiếng Việt và Toán. Mỗi lớp học diễn ra trong thời gian 3 tháng, đều đặn vào các buổi tối trong tuần. Với những nỗ lực của cả học viên và giáo viên, đến cuối đợt học, các học viên đã biết đọc, biết viết tên của mình và tên các thành viên trong gia đình; một số học viên đã biết đánh vần, đọc được tin, bài trên các tờ báo.
Đến nay Hội Phụ nữ huyện Quỳ Châu đã nhân rộng mô hình tại các xã Châu Hoàn, Châu Phong. Hội còn phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng tại địa phương mở 6 lớp học tình thương cho gần 200 hội viên phụ nữ.