Minh bạch quản lý trật tự xây dựng

Quản lý trật tự xây dựng tại Hà Nội luôn là lĩnh vực nóng, được người dân quan tâm. Chính vì vậy việc triển khai quy chế “mẫu” dân chủ trong quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đang là vấn đề được Hà Nội triển khai nhân rộng.

Nhân dân tham gia giám sát

Anh Lê Cường, tổ 2, phường Việt Hưng (Long Biên) cho biết: “Cuối năm 2013, gia đình bên cạnh nhà tôi đào móng xây nhà, chở vật liệu xây dựng gây mất vệ sinh, khiến nhiều người trong ngõ bức xúc và có đơn kiến nghị lên phường. Ngay sau đó, đội trật tự xây dựng đã xuống kiểm tra, phát hiện gia đình chưa hoàn tất thủ tục, nhưng đã xây móng nhà. Thanh tra xây dựng đã lập biên bản đình chỉ xây dựng và yêu cầu hoàn thành đủ thủ tục cấp phép xây dựng, mới được xây dựng tiếp. Điều này cho thấy sự nghiêm túc trong hoạt động quản lý trật tự xây dựng.

Phá dỡ một số công trình vi phạm xây dựng tại quận Nam Từ Liêm.Ảnh: CTV


Bên cạnh đó, trong khoảng hơn 1 năm lại đây, tại các công trình đang xây dựng tại Việt Hưng đều thấy dựng biển báo, ghi đầy đủ tên công trình, số tầng, bản thiết kế để mọi người giám sát”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hồng, ở xã Liên Ninh (Thanh Trì) cho biết, trước đây khi xây nhà, người dân cứ xây, không cần biết đến quy trình, thủ tục cấp phép. Khi cán bộ địa chính, xây dựng vào kiểm tra mới biết sai và nộp phạt để tồn tại. Tuy nhiên, kể từ khi triển khai quy chế dân chủ trong trật tự xây dựng, người dân đã chủ động làm hồ sơ xin phép xây dựng. “Trước đây, để hoàn thành thủ tục xin giấy phép rất khó khăn, nhưng với việc cải cách hành chính, thủ tục đã thông thoáng hơn. Cùng với đó là một số trường hợp vi phạm bị phạt và xử lý nghiêm, nên người dân giờ rất nghiêm túc tuân theo quy trình”, chị Hồng chia sẻ.

Quản lý trật tự xây dựng luôn là vấn đề “nóng” ở những địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao như Hà Nội. Do vậy, Hà Nội đã triển khai Quy chế "mẫu" thực hiện dân chủ trong quản lý trật tự xây dựng (TTXD), do Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội soạn thảo. Trong đó, quy định chi tiết nội dung, hình thức công khai về công trình xây dựng; nhân dân tham gia góp ý kiến đối với các cấp có thẩm quyền về quản lý TTXD; nhân dân giám sát quản lý TTXD, 3 địa bàn đang có tốc độ đô thị hóa cao là Long Biên, Hà Đông, Thanh Trì được chọn để triển khai mô hình “mẫu”.

Bà Hoàng Thị Thư, Bí thư Đảng ủy xã Liên Ninh (Thanh Trì), đơn vị được chọn làm điểm về thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý TTXD, cho biết: Do xã có 2 đường quốc lộ 1A và 1B chạy qua nên thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, có tốc độ đô thị hóa nhanh. Xã đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân, thực hiện tốt việc tuyên truyền. Trong năm qua, cả xã có 51 công trình xây dựng, thì 48 công trình có phép. Các công trình xây dựng có phép được công khai trên hệ thống truyền thanh của xã và tại nhà văn hóa của thôn, tổ dân phố để nhân dân biết và giám sát. Các doanh nghiệp triển khai xây dựng trên địa bàn cũng đều niêm yết công khai tại chân công trình với các nội dung: tên công trình, ngày khởi công, ngày hoàn thành, chủ đầu tư, đơn vị thi công... để nhân dân giám sát. Thông qua quy chế TTXD, UBND xã cũng đã ra quân xử lý dứt điểm các biển quảng cáo, bục bệ, mái che lấn chiếm lề đường.

Nhân rộng mô hình

Kết quả tại cả 3 địa phương trên đều rất tích cực, góp phần tăng tỷ lệ cấp phép xây dựng trên địa bàn các quận lên 98 - 100%. Số trường hợp vi phạm TTXD tại các địa phương này cũng giảm khoảng 7%. Cụ thể như quận Hà Đông, trong năm 2013, đã cấp phép xây dựng cho 1.327/1.338 tổng số công trình xây dựng trên địa bàn, đạt tỷ lệ 99,2%; tỷ lệ này tiếp tục được duy trì trong năm 2014. Các công trình không có giấy phép đã được kiểm tra, đình chỉ để hoàn thiện thủ tục xin giấy phép, khi được cấp giấy phép mới tiếp tục xây dựng. Quận cũng kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ liên quan đến việc quản lý trật tự xây dựng. Số cán bộ bị kỷ luật, chấm dứt hợp đồng lao động và chuyển công tác là 29 người.

Với quận Long Biên, tỷ lệ được cấp phép của các công trình xây dựng của hộ dân đạt 98,92%; các tổ chức, doanh nghiệp đạt tỷ lệ 96,77%. Thanh tra xây dựng đã phối hợp với UBND các phường đình chỉ thi công, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu tiếp tục xin phép xây dựng đối với các trường hợp đủ điều kiện; đồng thời thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường và nơi hội họp của tổ dân phố. Còn huyện Thanh Trì, tỷ lệ cấp phép xây dựng cũng đạt trên 95%. Đối với các công trình không phép, đều được lập hồ sơ xử lý nghiêm và công khai để nhân dân được biết, giám sát việc xử lý vi phạm.

Lãnh đạo các địa phương trên đều khẳng định, mô hình còn góp phần nâng cao ý thức tự giác xin phép của tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình.

Theo ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, thực tế triển khai tại các địa phương cho thấy, căn cứ vào Quy chế “mẫu” của thành phố và vào tình hình cụ thể, các đơn vị cần tiến hành xây dựng quy chế thực hiện dân chủ cho sát thực và phù hợp với địa phương, đơn vị. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất, giám sát việc triển khai, thực hiện quy chế dân chủ trong công tác quản lý trật tự xây dựng...

Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình và tổ chức, cơ quan; gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với công tác cải cách hành chính... “Tuy kết quả thực hiện quy chế dân chủ trong lĩnh vực TTXD mới chỉ là bước đầu, song đó là cơ sở để triển khai ra diện rộng trên toàn thành phố”, ông Nguyễn Công Soái nhấn mạnh.

Ông Phan Văn Bảo, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội:

Nâng mức xử phạt

Quản lý trật tự xây dựng luôn là nhiệm vụ "nóng" với các địa phương. Số công trình xây dựng không phép tập trung chủ yếu tại các huyện ngoại thành như Chương Mỹ, Gia Lâm, Mê Linh, Thanh Oai... Nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa nhanh, nên nhiều người dân nông thôn chưa nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật về quản lý xây dựng đô thị, việc xây dựng vẫn theo thói quen tự phát. Số công trình sai nội dung giấy phép xây dựng tập trung chủ yếu tại các quận nội thành như Đống Đa, Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Ba Đình. Nguyên nhân chủ yếu do các chủ đầu tư thường tận dụng tối đa diện tích để thu lợi.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở Xây dựng đã phối hợp với Sở Tư pháp, UBND các quận, huyện, tham mưu cho UBND, HĐND thành phố ban hành nghị quyết nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, trong đó tăng gấp đôi mức phạt tiền đối với hành vi xây dựng trái phép theo quy định hiện hành. Đồng thời, Thanh tra Sở tăng cường quản lý cán bộ làm công tác quản lý xây dựng trên địa bàn. Sở Xây dựng đang phối hợp với Sở Nội vụ và các quận huyện tham mưu cho Thành phố xây ban hành quy định xử lý trách nhiệm trong các tác quản lý TTXD.

Ông Đỗ Huy Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên:

Xin lỗi dân vì chậm làm thủ tục

Việc thực hiện quy chế dân chủ là một trong những giải pháp của quận để tăng cường quản lý TTXD trên địa bàn. Là quận mới, tốc độ đô thị hóa nhanh, việc thực hiện quy chế dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra” thời gian qua đã phát huy tích cực trong việc giám sát TTXD. Chính vì vậy đã giảm đáng kể việc vi phạm TTXD.

Cũng qua phản ánh của người dân, lãnh đạo quận cũng đã thanh tra đột xuất việc thực hiện quản lý TTXD tại một số phường, kiểm điểm một phường vì thực hiện sai quy trình. Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện mạnh việc cải cách hành chính, trong đó có việc cấp phép xây dựng. Việc lãnh đạo quận ký văn bản xin lỗi người dân về làm chậm thủ tục hành chính, trong đó quy trách nhiệm cụ thể lỗi từng đơn vị, nên đã hạn chế tình trạng “mập mờ” để trục lợi.

Bà Trịnh Thị Kim Loan, Trưởng Ban dân vận huyện Thanh Trì:

Nhắn tin báo vi phạm

Việc thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý TTXD đã tạo bước chuyển biến về nhận thức của người dân cũng như cán bộ trong công tác quản lý đất và xây dựng. Tỷ lệ người dân xin giấy phép xây dựng trước khi triển thực hiện quy chế dân chủ chỉ khoảng hơn 50%, nay đã tăng lên 95%. Người dân khi phát hiện công trình sai phạm đã nhắn tin trực tiếp vào di động của lãnh đạo và trên cơ sở đó, các đơn vị chức năng huyện đã kiểm tra, tổ chức cưỡng chế. Do làm nghiêm nên số vụ vi phạm TTXD thời gian qua giảm nhiều.



 Xuân Minh - Trung Tuấn

Nhân rộng thực hiện dân chủ trong quản lý trật tự xây dựng ở cơ sở
Nhân rộng thực hiện dân chủ trong quản lý trật tự xây dựng ở cơ sở

Sau gần 2 năm thực hiện việc chỉ đạo “điểm” về xây dựng quy chế “mẫu”, Hà Nội sẽ triển khai ra diện rộng trên toàn thành phố. Để nhân rộng, các địa phương căn cứ vào quy chế “mẫu” và tình hình cụ thể từng địa phương để triển khai cho phù hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN