Ngay sau khi bão số 10 vừa tan, các cấp, các ngành ở Quảng Bình, một trong những địa phương tâm bão đi qua đã tập trung triển khai khắc phục hậu quả, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Huyện Lệ Thủy có ít nhất 50 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, 200 ngôi nhà bị tốc mái, nhiều người dân bị thương. Ngay sau khi bão vừa tan, huyện Lệ Thủy đã lập 6 đoàn công tác, kết hợp với lực lượng đoàn viên, thanh niên, lực lượng nòng cốt tại các địa phương cùng chung tay với người dân địa phương khắc phục thiệt hại, ổn định lại sản xuất và đời sống .
Sáng 1/10, người dân phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) thu dọn cây bị đổ do bão số 10. Ảnh: Phạm Thị Huế - TTXVN |
Ông Phạm Hữu Thảo - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho biết, cùng với việc huy động toàn bộ lực lượng xung kích tại các địa phương chung tay giúp dân dựng lại nhà cửa, dọn dẹp đường sá, vệ sinh thôn xóm, huyện cũng ban hành ngay chính sách giúp đỡ những gia đình chịu nhiều thiệt hại do bão số 10: hỗ trợ 5 triệu đồng cho các gia đình bị sập nhà, 1 triệu đồng cho người bị thương đang điều trị và 2 triệu đồng cho người bị thương nặng phải chuyển tuyến điều trị...
Hiện nay, huyện Lệ Thủy đang chỉ đạo lực lượng thanh niên xung kích kết hợp với lực lượng công an, huyện đội, các đoàn thể vận động và cùng nhân dân sửa chữa lại công trình, cơ sở hạ tầng, dọn cây cối trên các tuyến đường liên thôn, liên xã để trả lại an toàn giao thông cho các tuyến đường.
Tại huyện Minh Hóa, ngay trong sáng 1/10, Ủy ban nhân dân huyện tiến hành kiểm kê, đánh giá hậu quả thiệt hại ban đầu do bão gây ra. Nhân dân trong huyện đang sửa chữa lại nhà cửa, dọn dẹp cây cối bị đổ, dựng lại cột điện để giúp ngành điện lực sớm đóng lại điện.
Các địa phương khác ở tỉnh Quảng Bình cũng đang đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai. Tại TP. Đồng Hới, cơn bão số 10 đã làm đổ hàng trăm cây xanh, gây tắc nghẽn giao thông; hàng ngàn ngôi nhà của người dân bị tốc mái, hàng chục quán xá, nhà hàng, biển hiệu bị sập và ảnh hưởng. Ngay trong sáng 1/10, tất cả cây xanh bị đổ ngã đã được dọn dẹp, các tuyến giao thông đã hoạt động bình thường trở lại.
Hiện nay, do cơn bão làm đổ nhiều cột điện, nhiều nơi dây cáp bị đứt hoàn toàn nên hầu như tỉnh Quảng Bình đang trong tình trạng mất điện. Để sớm đưa dòng điện trở lại phục vụ người dân, công ty Điện lực Quảng Bình đã huy động hàng trăm cán bộ, công nhân cùng với lực lượng tại các địa phương tập trung khắc phục hậu quả, phấn đấu trong chiều 1/10 một số điểm ở TP. Đồng Hới sẽ được cấp điện trở lại.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, công ty TNHH một thành viên cấp phát nước Quảng Bình cho biết: Chậm nhất chiều 1/10 sẽ cấp nước sinh hoạt trở lại cho TP. Đồng Hới sau 2 ngày cắt nước do ảnh hưởng của bão.
Thanh Hóa, Nghệ An khắc phục ách tắc giao thôngDo ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, mưa lớn đã khiến Quốc lộ 1A qua địa phận xã Trường Lâm, phía Nam huyện Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa) bị ngập nước sâu, các phương tiện giao thông không thể đi qua. Để đảm bảo an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông công an tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức phân luồng cho các phương tiện giao thông đi theo đường Hồ Chí Minh vào các tỉnh phía Nam.
Từ đêm 30/9, Quốc lộ 1A đoạn cầu Hổ, khu vực giáp ranh giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An bị ngập sâu 1 m, dài khoảng 500 m, khiến đoạn đường này bị ách tắc cả 2 chiều. Do nước mỗi lúc một dâng cao, lực lượng cảnh sát giao thông đã chủ động phân luồng cho các phương tiện giao thông đi theo đường 31, đi qua huyện Nông Cống lên đường Hồ Chí Minh để đi vào các tỉnh phía Nam.
Đối với chiều ngược lại, lực lượng cảnh sát giao thông công an tỉnh Nghệ An cũng phân luồng cho phương tiện giao thông đi theo đường Hồ Chí Minh để đi ra các tỉnh phía Bắc. Tỉnh Thanh Hóa cũng đã điều các phương tiện ca nô, xe lội nước để tổ chức cho các phương tiện xe máy, xe thô sơ, người đi bộ vượt qua đoạn đường ngập nước này.
Hiện trên khu vực này mưa đã tạnh nhưng Quốc lộ 1A qua địa bàn xã Trường Lâm vẫn còn bị ngập sâu, chưa xác định thời gian có thể thông xe đoạn đường này.
Tính đến trưa 1/10, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều tuyến đường bị ách tắc giao thông do ngập nước và sạt lở đất đá do ảnh hưởng của cơn bão số 10. Tại các tuyến đường bị ngập nước hoặc sạt lở, giao thông bị ách tắc, người và xe không thể qua lại, ngành giao thông đã tổ chức cắm biển cảnh báo, rào chắn, cử người trực gác 24/24 giờ.
Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An phối hợp với Sở Giao thông vận tải Nghệ An tiến hành kiểm tra các tuyến đường, các ngập tràn bị ngập và những vị trí sạt lở để chỉ đạo khẩn trương đảm bảo an toàn giao thông.
Thanh Hóa cứu hộ thành công 5 thuyền viên trong bão số 10Sáng 1/10, lực lượng Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa phối hợp với chính quyền địa phương đã cứu hộ thành công 5 thuyền viên trên tàu NĐ-1533 bị sóng đánh chìm trong cơn bão số 10.
Ông Phạm Văn Cường, chủ tàu NĐ-1533 cho biết: Từ ngày 30/9, ông đã cho tàu vào vụng Hoằng Thanh (xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) tránh bão số 10. Nhưng đến lúc 3 giờ sáng 1/10 do có sóng to, gió lớn đánh sập khoang chở hàng trên tàu gồm 1.100 tấn phụ gia xi măng, nước tràn vào khoang tàu, buộc ông phải khẩn trương cho tàu chạy nhanh về hướng đất liền nhằm cứu các thuyền viên trên tàu. Tuy vậy, do sóng đánh quá to nên khi đến gần đất liền thì tàu bị chìm.
Ngay sau khi phát hiện con tàu trên gặp nạn, đồn Biên phòng Hoằng Trường đã phối hợp với chính quyền địa phương huy động các phương tiện ra cứu những thuyền viên trên tàu NĐ-1533. Tuy nhiên do sóng quá to, bè mảng không thể tiếp tận được tàu, lực lượng cứu hộ đã phải bơi đến con tàu bị chìm để cứu hộ. Đến 9 giờ sáng 1/10 tất cả 5 thuyền viên của tàu NĐ-1533 đã được cứu.
Hiện tại sức khỏe của 5 thuyền viên trên tàu NĐ-1533 đã ổn định. Khi thời tiết ổn định lực lượng chức năng sẽ tiến hành trục vớt con tàu bị chìm.
Nhóm P/v TTXVN