Mệnh lệnh từ trái tim - Bài 2: Thầm lặng vượt gian khổ, hiểm nguy

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, trong thời kỳ đổi mới đất nước, Bộ đội Hóa học đã có nhiều đóng góp rất quan trọng trong lĩnh vực khắc phục sự cố hóa chất độc, sinh học, bức xạ, hạt nhân (sự cố CBRN), bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh của đất nước, vì cuộc sống ổn định, bình yên của nhân dân.

Chú thích ảnh
Lực lượng hóa học pha hóa chất để tiến hành phun tiêu tẩy khu vực phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, nơi có nhà của ca dương tính với SARS-CoV-2 (ảnh tư liệu). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đi đầu trong xử lý sự cố hóa học và phòng, chống dịch bệnh

Công tác khắc phục sự cố CBRN, bảo vệ môi trường trong những năm qua đã tạo ra những dấu ấn rất quan trọng của Bộ đội Hóa học trong thời bình. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú và trình độ chuyên môn, Binh chủng Hóa học đã trực tiếp khắc phục nhiều sự cố CBRN. Trong đó, có thể kể đến các sự cố ô nhiễm môi trường do vỡ thùng hóa chất Clopicrin tại Nhà máy thuốc lá Thăng Long vào tháng 6/1988; sự cố do tiêu hủy pháo ở Bình Đà, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ vào tháng 1/1995; xử lý hóa chất độc hại tại cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng vào tháng 11/1998; sự cố nổ hóa chất tại nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng năm 2011 hay sự cố tại Nhà máy Z121 vào năm 2013...

Song điển hình nhất là sự cố cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông tại quận Thanh Xuân, Hà Nội tháng 8/2019, làm một lượng lớn thủy ngân và một số hóa chất độc hại khác bị cháy, có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Theo chỉ đạo từ Bộ Quốc phòng, Binh chủng Hóa học đã chủ động triển khai lực lượng trinh sát xác định hàm lượng chất độc phát tán ra môi trường; điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng hàng chục phương tiện đặc chủng và các loại hóa chất, phối hợp với các lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp nhân dân yên tâm trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường; được cấp ủy, chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp đánh giá cao.

Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, Binh chủng đã chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu các biện pháp phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Bộ đội Hóa học luôn có mặt sớm nhất ở những điểm nóng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tẩy độc, khử trùng phòng, chống dịch COVID-19 tại những khu vực trọng điểm, không để dịch bệnh bùng phát mạnh trên diện rộng, kịp thời giúp nhân dân vùng dịch yên tâm, tin tưởng vào các biện pháp phòng, chống dịch của cơ quan chức năng.

Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học khẳng định, sự nỗ lực, hy sinh đó đã làm đậm nét hơn hình ảnh tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam trong lòng nhân dân, khẳng định Quân đội luôn là lực lượng đi đầu trong phòng, chống dịch; xứng đáng với Huân chương Lao động hạng Ba mà Binh chủng đã được Chủ tịch nước tặng thưởng vì những thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này.

Giải phóng đất đai, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Đối với nhiệm vụ quan trắc môi trường, Binh chủng Hóa học đã chỉ đạo lắp đặt, vận hành 37 trạm trinh sát phóng xạ trong Quân đội (CNIM) thuộc Đề án “Xây dựng và kiện toàn hệ thống quan trắc cảnh báo phóng xạ trong Quân đội”; đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao năng lực các Trạm quan trắc phóng xạ, hóa học do Binh chủng quản lý và tiến hành quan trắc, phân tích môi trường liên tục 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm, địa bàn chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, kịp thời cung cấp các số liệu về phóng xạ, hóa học và cảnh báo phóng xạ, hóa học trên phạm vi toàn quốc; đánh giá hiện trạng môi trường, phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố quốc phòng.

Được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt khắc phục hậu quả chất độc tồn lưu sau chiến tranh, Binh chủng Hóa học đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về tình hình nhiễm độc và kế hoạch nghiên cứu, khắc phục hậu quả.

Binh chủng đã chủ trì, thực hiện việc điều tra, xác định các vị trí còn tồn lưu chất độc CS thuộc 34 tỉnh, thành phố và các kho thuộc Tổng cục Kỹ thuật, các Quân khu 4, 5, 7 và 9; thu gom, xử lý hàng trăm tấn chất độc CS và vũ khí, phương tiện chứa chất độc CS; xử lý hàng ngàn mét khối đất nhiễm chất độc da cam/dioxin. Đồng thời, Binh chủng Hóa học còn thực hiện nhiều nhiệm vụ xử lý chất thải nguy hại phát sinh trong hoạt động quân sự.

Theo Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học, những kết quả đó có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; giải phóng một diện tích lớn đất đai, giúp nhân dân và chính quyền các địa phương có định hướng triển kinh tế - xã hội. Những hoạt động này cũng đã cung cấp số liệu điều tra, khảo sát có độ tin cậy cao làm cơ sở để Đảng, Nhà nước có những chính sách phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tạo môi trường ổn định để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh đó, Binh chủng còn phối hợp chặt chẽ với các đối tác đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Isarael thực hiện dự án thử nghiệm công nghệ xử lý triệt để đất, trầm tích nhiễm da cam/dioxin nhằm lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp để áp dụng xử lý các “điểm nóng” ô nhiễm chất da cam/dioxin; cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn phân tích hóa chất bảng, phân tích chất độc dioxin do các tổ chức quốc tế tài trợ; chủ động, tích cực tham gia các cuộc diễn tập, tập huấn về tìm kiếm cứu nạn, ứng phó sự cố trong khu vực để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy và ứng phó với các tình huống; tăng cường hợp tác với các đối tác nhằm tiếp cận công nghệ thiết bị trinh sát, mạng lưới quan trắc; tích hợp công nghệ, xây dựng phần mềm quản lý; chế tạo trang thiết bị.

Với tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn giỏi, trang thiết bị ngày càng hiện đại, tác phong làm việc khoa học, cán bộ, chiến sĩ Hóa học luôn có mặt ở những “điểm nóng”, nơi khó khăn, gian khổ, nguy hiểm nhất, thể hiện rõ bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” vì một môi trường an toàn, vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Qua đó, góp phần khẳng định vai trò, vị thế, năng lực, trình độ của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, Bộ đội Hóa học nói riêng trong ứng phó các sự cố CBRN và bảo vệ môi trường sinh thái quốc gia.

Là “mệnh lệnh từ trái tim” cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, công tác khắc phục, ứng phó sự cố CBRN và bảo vệ môi trường cũng đồng thời là nhiệm vụ quan trọng của quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng lực lượng Bộ đội Hóa học tinh, gọn, mạnh, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện chủ trương: Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu..., xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Bài 3: Nhiệm vụ 'chiến đấu giữa thời bình'

Hiền Hạnh – Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Mệnh lệnh từ trái tim - Bài cuối: Dấu ấn 'Bộ đội Cụ Hồ' trên trường quốc tế
Mệnh lệnh từ trái tim - Bài cuối: Dấu ấn 'Bộ đội Cụ Hồ' trên trường quốc tế

Ngày 3/4/1953, trong thư gửi cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tác chiến ở Chiến dịch Thượng Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “…giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN