Mái nhà chung của trẻ mồ côi

Là một trong những trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi lớn nhất cả nước, bao năm qua, Trung tâm nuôi dạy trẻ em mồ côi huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đã trở thành mái nhà chung của các trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.

Được thành lập năm 1991, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi huyện Kim Bảng (Hà Nam) đã trở thành mái nhà chung của hơn 200 thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt ở mọi lứa tuổi. 

Mỗi em sống ở đây là một mảnh ghép của cuộc sống, có em bị bỏ rơi khi còn rất nhỏ, có em không còn cha mẹ hoặc người thân chăm sóc. Chính những hoàn cảnh đặc biệt ấy đã đưa các em đến với trung tâm và trở thành một đại gia đình, được học tập và thành đạt.

Nhờ có sự giúp đỡ của các tập thể, cá nhân mà điều kiện sống và học tập của các em nhỏ được cải thiện rõ rệt.

Được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân thông qua các chương trình từ thiện, trung tâm đã dần cải thiện cuộc sống sinh hoạt của các em nhỏ. Bữa ăn của các em có thêm những món ngon hơn, các em có nhiều quần áo hơn và được tham gia nhiều hoạt động hơn. 

Hiện tại, trung tâm có 12 cán bộ quản lý và chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho các cháu. Có những người đã gắn bó với trung tâm ngay từ những ngày đầu thành lập. Họ chăm sóc, dạy bảo, yêu thương những đứa trẻ ở đây như những đứa con của mình và chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn với những con trẻ và dành cho chúng tất cả tình yêu thương.

Anh Bùi Văn Lâm, cán bộ phòng hành chính của trung tâm chia sẻ: "Tất cả các cháu từ mẫu giáo và cấp I, các cô phải chăm sóc, đưa đón đi học, giặt giũ. Còn với các cháu cấp II trở lên, các cô hướng dẫn tự chăm sóc bản thân. Cứ 5 giờ 30 phút mỗi sáng các cán bộ có nhiệm đánh thức các cháu dậy, vệ sinh cá nhân, ăn sáng để đi học”. 

Trung tâm xây dựng trên diện tích khoảng 300 m2 với ba dãy nhà mái bằng. Trong đó, một dãy là phòng làm việc của cán bộ tại trung tâm, một dãy phòng chức năng: phòng ăn, phòng bếp, phòng sinh hoạt, phòng đọc sách... và dãy các phòng ngủ của thanh thiếu niên sống tại đây.

Dạo vòng quanh khoảng sân rộng của trung tâm, chúng tôi bắt gặp các em nhỏ đang vui đùa bên những chiếc xích đu đã cũ. Những tiếng cười hồn nhiên, những ánh mắt thơ ngây khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp hơn.

Mỗi em ở đây đều có một hoàn cảnh riêng.

Gặp chúng tôi, các em không hề e ngại, sợ hãi mà chào đón chúng tôi với nụ cười chút ngây ngô. Khi được chúng tôi hỏi về ước mơ sau này là gì, em Nguyễn Phương Vy - 6 tuổi trả lời nhanh nhẹn: "Em muốn được bố đưa đi học, được mẹ mua cho những cây kẹo thật đẹp".  

Có những em lớn hơn, đã biết suy nghĩ chín chắn thì chỉ mong được gặp bố mẹ đẻ dù chỉ một lần. Hầu hết các em ở đây đều mong muốn mình cũng có một gia đình như bao người khác. Nghe các em nói chuyện hồn nhiên, vô tư nhưng nhìn sâu thẳm vào đôi mắt các em đó thấy có những nỗi buồn vô tận.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Trường - Giám đốc Trung tâm cho biết: "Trung tâm tiếp nhận chức năng là tiếp nhận toàn bộ trẻ bị bỏ rơi và trẻ em mồ côi không nơi nương tựa. Trung tâm đã nuôi dưỡng trưởng thành và bàn giao về gia đình 148 em. Hiện các em đang làm trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau như kỹ sư, giáo viên, ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế gia đình".

Ông Trường chia sẻ thêm, vừa qua tổ chức phi chính phủ  của cộng hòa Đức tới thăm và làm việc với trung tâm. Chuyến thăm lần này của họ nhằm mục đích nâng cấp cơ sở vật chất, giúp đỡ các em nhỏ được học tập, động viên thăm hỏi cán bộ trung tâm, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch năm nay và xem xét đề suất kế hoạch cho năm tới. Đây là một niềm vui đối với trung tâm và các em nhỏ ở đây.
Như Quỳnh
Tây Ninh quản lý chặt các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi
Tây Ninh quản lý chặt các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi

Tỉnh Tây Ninh có 110 trẻ mồ côi và 172 người khuyết tật được nuôi dạy tại 7 cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN