Lượng hành khách đi xe buýt ở Hà Nội tăng

Đến nay, lượng hành khách đi xe buýt của Hà Nội có sự tăng trưởng; trong đó, lượng hành khách đi vé tháng của Tổng công ty Vận tải Hà Nội tăng 6,6% và toàn mạng tăng 5,4% so với cùng kỳ. Hoạt động của xe buýt duy trì ổn định, chất lượng dịch vụ được kiểm soát tốt.

Chú thích ảnh
Hành khách đi tuyến xe buýt CNG 01 Bến xe Mỹ Đình-bến xe Sơn Tây. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Cùng với việc mở thêm tuyến buýt mới tăng cường kết nối vùng phục vụ, Tổng công ty vận tải Hà Nội đang chuẩn bị đưa vào thí điểm hoạt động loại hình minibus và xe buýt sử dụng năng lượng sạch thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt trên địa bàn Thủ đô.

Từ ngày 20/10, tuyến buýt 109 (Bến xe Mỹ Đình - sân bay Nội Bài) được đưa vào hoạt động nhằm tăng cường năng lực kết nối tuyến buýt từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội. Xe buýt này có sức chứa 60 chỗ, các xe đều được trang bị đầy đủ các tiện ích phục vụ hành khách như đèn LED, wifi miễn phí, GPS kết nối âm thanh tự động và sử dụng công nghệ truyền dẫn tốc độ cao cho phép cập nhật hệ thống âm thanh từ trung tâm tạo thuận lợi trong quá trình quản lý, điều hành và kiểm soát xe hoạt động trên tuyến, đồng thời giúp cho việc cập nhật thông tin thay đổi dịch vụ đến với khách hàng nhanh chóng và thuận tiện. 

Cự ly của tuyến là 27km, với 96 lượt xe/ngày, tần suất 20-30 phút/lượt, giá vé 8.000 đồng/lượt. Thời gian mở bến là 5 giờ và chuyến cuối là 21 giờ cùng ngày. Tuyến có lộ trình chiều đi từ Bến xe Mỹ Đình - Phạm Hùng -quay đầu tại điểm mở giữa trụ T296, T297 đường vành đai 3 trên cao – Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng - Cầu Thăng Long - Võ Văn Kiệt - quay đầu tại điểm mở (đối diện Công ty cổ phần vận chuyển Gia Bảo) - Võ Văn Kiệt - sân bay Nội Bài (sân đỗ P2, nhà ga T1). Chiều về từ sân bay Nội Bài (sân đỗ P2, nhà ga T1) - Võ Văn Kiệt - đường vào sân đỗ nhà ga T2, sân bay Nội Bài - Võ Văn Kiệt - Cầu Thăng Long - Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng - Bến xe Mỹ Đình.

Việc kết nối đầu cuối với các tuyến buýt nội đô tại bến xe Mỹ Đình sẽ tạo thuận lợi hơn cho hành khách khi phải trung chuyển đi lại hành trình dài, giảm thời gian chờ đợi cho hành khách và góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ trên tuyến 07 (Cầu Giấy-Nội Bài), giảm được tình trạng quá tải trên tuyến 07 hiện nay.

Theo Tổng Công ty vận tải Hà Nội, trong năm nay, Tổng Công ty vận tải Hà Nội đã triển khai đầu tư mới 132 phương tiện tiêu chuẩn khí thải EURO 4 thay thế các phương tiện cũ và phục vụ kế hoạch mở các tuyến mới. Đồng thời, thời sử dụng hệ thống thẻ vé điện tử thí điểm trên tuyến xe buýt nhanh BRT và sẽ tiếp tục triển khai mở rộng trên toàn mạng lưới xe buýt thành phố sẵn sàng liên thông với các loại hình dịch vụ công cộng khác.

Tuyết Mai (TTXVN)
Thẻ điện tử xe buýt BRT được làm và sử dụng như thế nào?
Thẻ điện tử xe buýt BRT được làm và sử dụng như thế nào?

Thay vì vé giấy, Tổng Công vận tải Hà Nội đã đưa vào sử dụng vé điện tử để phục vụ hành khách trên tuyến buýt BRT Kim Mã - Yên Nghĩa. Với nhiều ưu thế, vé điện tử BRT được đánh giá là một sự đổi mới có tính bước ngoặc trong vận hành vận tải hành khách công cộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN