Lúng túng xác nhận tình trạng khuyết tật

Không có chuyên môn về y khoa, tuy nhiên cán bộ phường, xã, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh... đều phải tham gia xác định mức độ khuyết tật của người khuyết tật tại địa phương. Điều này đã gây khó khăn cho không ít hội đồng địa phương và ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người khuyết tật.


Để cậu con trai 7 tuổi được đi học lớp 1 như bao trẻ em khác, chị N.T.K, nhà ở quận 9 đã nộp đơn lên phường chị cư trú xác định mức độ khuyết tật cho con. Tuy nhiên, chị vẫn không thể có được tấm giấy xác nhận tình trạng khuyết tật của con mình, bởi hội đồng không đưa ra kết quả chính xác cho tình trạng của con chị.


Chị N.T.K cho biết: “Con trai tôi được bệnh viện Nhi đồng 2 kết luận 'Chậm phát triển so với tuổi' cho nên tôi làm đơn lên phường để xác nhận tình trạng khuyết tật của cháu. Vì tôi muốn cho cháu được hưởng chế độ của người khuyết tật và cho cháu đi học ở một trường tiểu học của quận. Tuy nhiên, khi lên phường, mỗi cán bộ hỏi mẹ con tôi một chuyện, có người lắc đầu kêu không xác định được tình trạng này. Vài hôm sau, một cán bộ của phường đưa cho tôi mảnh giấy viết “không xác định được tình trạng khuyết tật của trẻ”.


Theo Luật Người khuyết tật, hội đồng xác định mức độ khuyết tật là những cán bộ quản lý cấp xã phường nơi người khuyết tật cư trú. Vì vậy, hội đồng này, bao gồm các thành viên như chủ tịch UBND cấp phường, xã (chủ tịch hội đồng); trạm trưởng trạm y tế cấp phường, xã; công chức cấp phường, xã phụ trách công tác lao động thương binh và xã hội; người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban MTTQ VN, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh cấp xã... Tuy nhiên, không ít cán bộ vì không có chuyên môn nên cũng không biết đưa ra quyết định thế nào với tình trạng của người khuyết tật.


Người khuyết tật cần được xác định chính xác tình trạng để hưởng các chế độ của mình.

Ông Lê Bá Hoàng, chủ tịch UBND phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, cho biết rất khó đưa ra quyết định xác nhận tình trạng khuyết tật của người khuyết tật tại địa phương. Bởi với những người có khuyết tật nhìn được bằng mắt như khuyết tật về tay, chân… chúng ta có thể đưa ra quyết định ngay còn những người có khuyết tật ở bên trong như điếc, chậm phát triển, thần kinh chúng tôi không thể xác nhận. Vì vậy, chúng tôi thường giới thiệu người dân lên hội đồng giám định y khoa TP Hồ Chí Minh.


Đồng quan điểm với ông Hoàng, cô Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh, cho biết nhiều lần đi khảo sát tại các địa phương cho thấy có không ít địa phương làm rất kỹ và tốt công tác xác định tình trạng khuyết tật của người khuyết tật. Tuy nhiên, cũng có một số địa phương rất lúng túng, khó khăn khi không đưa ra được quyết định về tình trạng của người khuyết tật, nguyên nhân do các cán bộ này đa số không có chuyên môn về y khoa, về tình trạng của người khuyết tật….


Do đó, để giải quyết tình trạng này, theo bà Khánh, những trường hợp hội đồng giám định y khoa của địa phương không xác định được bằng mắt (ví dụ như người bị điếc, chậm phát triển, thần kinh…) chúng ta không cần thông qua hội đồng ở cấp phường, xã mà có thể giới thiệu người dân lên thẳng cơ quan cấp cao hơn, có chức năng y khoa rõ ràng hơn để xác định cho người khuyết tật. Điều này, vừa tránh được rắc rối cho người dân khi phải đi lại nhiều và cán bộ địa phương cũng không phải băn khoăn, lúng túng khi không biết đưa ra quyết định như thế nào đối với tình trạng của người khuyết tật mình quản lý.


“Một cán bộ cấp phường (xã) hiện nay thường phải kiêm rất nhiều công việc nên quỹ thời gian không nhiều. Trong khi đó, để xác định tình trạng khuyết tật mất rất nhiều thời gian vì hội đồng gần chục người ở địa phương phải có thời gian bàn bạc, nghiên cứu về y khoa để đưa ra quyết định chính xác. Cho nên, muốn giúp người khuyết tật được hưởng quyền lợi của mình chúng ta nên  xác nhận tình trạng khuyết tật tại những hội đồng chuyên môn, những cơ sở về y khoa riêng biệt ở cấp cao hơn. Khi có giấy xác nhận của những cơ quan này, địa phương chỉ cần thực hiện các chế độ cho người khuyết tật, tránh mất thời gian của dân và cán bộ tại địa phương,” ông Hoàng cho biết thêm.


Hoàng Tuyết (Tin tức)
Phụ nữ khuyết tật gặp nhiều rào cản khi tìm việc
Phụ nữ khuyết tật gặp nhiều rào cản khi tìm việc

Đánh giá của Ban hành động vì sự phát triển hòa nhập (IDEA) và Tổ chức lao động thế giới (ILO), phụ nữ khuyết tật gặp nhiều rào cản khi đi xin việc, rất khó tìm được những cơ hội việc làm tốt, phù hợp với sức khỏe và năng lực của bản thân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN