Tại Bình Định, mưa lớn từ khuya 14/11 đến sáng 15/11 đã gây lũ trên diện rộng. Khắp nơi trong tỉnh đều bị nước dâng cao gây ngập trong thời gian ngắn, người dân không kịp chạy lũ, nhiều thiệt hại cả về người và tài sản đã xảy ra. Người dân tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) di dời tài sản khỏi nhà để chạy lũ. Ảnh: Ly Kha – TTXVN. |
Nhà nằm ngay cạnh bên dòng sông Ngang, thuộc phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn), bà Lê Thị Kim Thanh buồn rầu ngồi bó gối trên ghế nhìn ngôi nhà mình chìm dần trong nước lũ, nói: “Nhanh quá chú à, lũ gì mà chưa từng thấy dọn cơm ra mà không kịp ăn là nước lên ào ào, bưng lấy mâm cơm mà chạy.
Dọc các phường Trần Quanh Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú vào buổi chiều 15/11, hàng loạt người tất bật chạy lũ người thì dọn sách vở, tivi, người thì cõng người ốm. Người dân ở đây khẳng định chưa thấy đợt lũ nào mà nước lên nhanh như đợt lũ này. Nhìn cảnh mọi người tất bật, chúng tôi cũng thấy rất rõ nước cứ dâng lên cao từng phút. Người dân thật sự bất ngờ vì khu vực thành phố Quy Nhơn có lượng mưa nhỏ.
Trong khi đó, tại các vùng trũng thấp thuộc huyện Tuy Phước, tình hình cũng tương tự. Ông Võ Văn Hiến, xóm 3, thôn Luật Lễ, thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) đứng nhìn ngôi nhà bị lũ nhấn chìm trong tích tắc, nói: “Nước lũ lên quá nhanh, cả nhà trở tay không kịp, đành phải đóng cửa chạy thoát thân, toàn bộ vật dụng còn để lại trong nhà”.
Đến chiều tối 15/11, tỉnh Bình Định đã có 2 người chết và một người mất tích và một người bị thương. Người mất tích là Trần Thanh Giãng (17 tuổi), trú thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa (huyện miền núi Hoài Ân) đã bị lũ cuốn trôi khi đang đi chăn bò, đến 10 giờ đã tìm thấy thi thể một người khác ở huyện Tây Sơn bị chết khi đang thu hoạch hoa màu chạy lũ. Nạn nhân bị mất tích do lũ tên Điền (28 tuổi), trú thôn An Long 1, xã Canh Vinh (huyện miền núi Vân Canh) người bị thương do lũ là ông Phạm Minh Hớn (44 tuổi), trú thôn Cửu Lợi Nam, xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn).
Tại khắp mọi nơi ở tỉnh Bình Định, lũ lớn đã gây thiệt hại nặng cho nhiều lĩnh vực giao thông, thủy lợi... Trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện miền núi Vân Canh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang nhanh chóng huy động nhân lực phối hợp cùng các địa phương giúp dân tránh lũ. Ông Lộc nói: “Mọi lực lượng đều ra sức giúp dân tránh lũ, ra khỏi những vùng nguy hiểm, có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng qua đêm 15 đến ngày 16/11”.
Lũ tàn phá nhiều nơi tại tỉnh Bình Định là do lượng mưa lớn. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, từ 01 giờ đến 13 giờ ngày 15/11, khu vực tỉnh Bình Định có mưa rất to. Tại các trạm khí tượng trên địa bàn, lượng mưa đo được từ 133mm (Quy Nhơn) cho đến 297mm (Vân Canh) Các trạm An Hòa, Vĩnh Sơn, Phù Mỹ, Bình Nghi... đều đo được trên 200mm. Do đó, tỉnh hình lũ trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều khả năng thiệt hại sẽ rất lớn.
Nhiều tuyến đường nội đô Huế ngập nặngTại Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng của nhiễu động gió đông trên cao kết hợp với không khí lạnh tăng cường và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang có mưa to đến rất to.
Cảnh ngập lụt đoạn đường qua Đập Đá, Huế (ảnh chụp 18h ngày 15/11). Ảnh: Quốc Việt - TTXVN. |
Đến 16h30 ngày 15/11, trên sông Hương tại Kim Long, mức trên báo động 2 trên sông Bồ, tại Phú Ốc đạt mức báo động 3. Nhiều tuyến đường ở nội thành thành phố Huế (như Đống Đa, Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Bến Nghé) bị ngập vào giờ tan tầm buổi chiều nên gây tắc nghẽn giao thông.
Tuyến đường ven sông Bồ về huyện Quảng Điền đã ngập sâu trong lũ, có nơi ngập sâu hơn 1m. Các địa phương vùng thấp trũng thuộc các huyện Quảng Điền, Phong Điền và thị xã Hương Trà chủ động cho học sinh nghỉ học ngay từ chiều 15/11.
Các Nhà máy thủy điện Hương Điền, Bình Điền và A Lưới có phương án vận hành điều tiết xả hợp lý, thực hiện tốt quy trình vận hành, quy chế phối hợp theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và không gây thêm tình trạng ngập lụt cho vùng hạ du.
Lúc 16 giờ ngày 15/11, mực nước hồ thủy điện Bình Điền đạt cao trình đỉnh tràn 85m lưu lượng nước đến hồ 1.097 m3/s, lưu lượng xả về hạ du 1.093m3/s. Hồ thủy điện Hương Điền đạt 58,36m/58m lưu lượng nước đến hồ 2.276m3/s, lưu lượng xả về hạ du 2.266m3/s. Hồ thủy điện A Lưới đạt 552,569m/553m lưu lượng nước đến hồ 642 m3/s, lưu lượng xả về hạ du 680m3/s.
UBND các huyện, thị xã trong tỉnh và Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các chủ đập có phương án điều tiết nước các hồ thủy lợi nhằm đảm bảo an toàn cho công trình duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuẩn bị phương án sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét sạt lở đất ở khu vực miền núi, khu vực nguy hiểm ven cửa sông, đầm phá đến nơi an toàn.
Ngay trong chiều 15/11, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xuất 2.500 bao cát và 60 rọ đá cho các địa phương vùng thấp trũng để hộ đê, đối phó kịp thời với tình hình mưa lũ...
Ly Kha - Quốc Việt