Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo: Trong 24 giờ tới, bão số 8 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi khoảng 200 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Hồi 7 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 115,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Dự kiến đường đi của bão. Nguồn: nchmf.gov.vn. |
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25 km. Đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ ngày 28/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 105,4 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa biển Đông có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Từ chiều nay (26/10), vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội. Từ đêm nay, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi; từ ngày mai (27/10) vùng biển Vịnh Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội.
Vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế từ chiều mai gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các nơi khác ở Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông.
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (TKCN) cho biết: Tính đến 6h ngày 26/10, Biên phòng phối hợp với các địa phương tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu đ ã thông báo, hướng dẫn cho 38.050 tàu với 192.399 lao động đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão số 8 để chủ động phòng tránh.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão này, Ban Chỉ đạo PCLBTW - Ủy Ban QGTKCN có công điện số 48/CĐ-TW gửi Ban chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa; các Bộ: Quốc Phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chỉ đạo công tác đối phó với bão số 8.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng ban đã trực tiếp liên lạc với lãnh đạo với các tỉnh, thành phố có tàu đang hoạt động khu vực quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu kiên quyết chỉ đạo tàu thuyền còn hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa di chuyển ngay vào bờ nơi gần nhất, kiên quyết không được ở lại trên tầu để đảm bảo an toàn về người. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử 2 đoàn công tác đi các tỉnh Bắc Trung bộ và Nam đồng bằng sông Hồng để chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, có biện pháp bảo vệ các công trình đê điều, hồ chứa và bảo vệ cây trồng vụ đông.
Các Bộ, ngành: Công An, Y tế, Giao thông vận tải có Công điện gửi các địa phương và các cơ quan chức năng trực thuộc triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với diễn biến của bão. Cục Quản lý đê điều và PCLB- Tổng cục Thủy lợi có Công văn gửi Chi cục Quản lý đê điều và PCLB các tỉnh Bắc Trung Bộ yêu cầu khẩn trương kiểm tra các công trình đang thi công, những vị trí đê xung yếu, đặc biệt những vị trí đê bị sự cố trong đợt mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua để có biện pháp đảm bảo an toàn. Trung tâm dự báo KTTVTW theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, thường xuyên cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Biên phòng, Quân chủng Phòng không –Không quân, Hải quân, Cục Cảnh Sát biển có các biện pháp bảo đảm an toàn cho các phương tiện, duy trì nghiêm các kíp trực, tàu trực sãn sàng cơ động làm nhiệm vụ khi có lệnh. Các Quân khu 2, 3, 4, 5 và Quân đoàn 1, 2 theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, triển khai kế hoạch PCLB, bảo đảm an toàn doanh trại kho tàng, trang bị sẵn sàng cơ động lực lượng ứng phó mưa bão.
Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Phú Yên, T.T.Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu, T.p Hồ Chí Minh có công điện chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương triển khai thực hiện các biện pháp đối phó với bão.
Thanh Tuấn