Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP (ngày 1/7/2021) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (ngày 7/7/2021) của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, quyết định, các văn bản chỉ đạo về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) nhằm kịp thời triển khai thực hiện trên tinh thần công khai, minh bạch.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, do thực hiện giãn cách xã hội nên tiến độ triển khai, rà soát, chi hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng còn chậm; nhiều địa phương còn lúng túng trong xác định đối tượng hỗ trợ, nhất là lao động tự do; một số địa phương chưa nắm rõ về các nhóm chính sách hỗ trợ nên hướng dẫn không đầy đủ, kịp thời…
Theo đó, UBND tỉnh Long An yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, thống kê, phê duyệt danh sách hoặc tham mưu phê duyệt danh sách và tiến hành chi trả cho các đối tượng được thụ hưởng các chính sách tại Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ và đảm bảo nguyên tắc “công khai, minh bạch, hồ sơ xong trước, giải quyết trước và không bỏ sót đối tượng thụ hưởng”.
Các đơn vị khẩn trương rà soát, hoàn thành hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do), hỗ trợ cho hộ kinh doanh, hỗ trợ tiền ăn cho người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0), người phải thực hiện cách ly y tế (F1) và hỗ trợ bổ sung cho trẻ em phải điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế (F1), trong đó bao gồm cả hỗ trợ bổ sung (đợt 2) cho các đối tượng đã hỗ trợ trong đợt 1. Việc hỗ trợ này hoàn thành chậm nhất đến ngày 15/9/2021
Đối với các nhóm chính sách còn lại, UBND tỉnh Long An đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động hướng dẫn doanh nghiệp và người lao động trong việc lập hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ rà soát các đối tượng được thụ hưởng theo đúng quy định.
Những trường hợp đang khó khăn nhưng không thuộc đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động mọi nguồn lực xã hội để hỗ trợ kịp thời; kiên quyết không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; phải bảo đảm lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, người già, phụ nữ và trẻ em, nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương.
Tính đến ngày 31/8, tỉnh Long An đã hỗ trợ cho trên 390.000 người thuộc các nhóm đối tượng với tổng kinh phí gần 235 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ trực tiếp cho trên 91.500 người, với số tiền hơn 125 tỷ đồng.