Lợi dụng mức phí mới, các điểm trông giữ xe đua nhau 'chặt chém'

Tăng phí dịch vụ trông giữ xe là biện pháp được TP Hà Nội áp dụng từ ngày 1/1/2018 để hạn chế phương tiện cá nhân đi vào nội đô và được đa số người dân ủng hộ. Tuy nhiên, sau hơn 1 tuần thực hiện, nhiều điểm trông giữ xe đua nhau "chặt chém" người gửi xe khiến người dân vô cùng bức xúc.

Một điểm trông giữ xe trên tuyến phố Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Người dân "dè dặt" khi mua ô tô

Thông tin dòng xe sedan cỡ D nhập khẩu từ Mỹ của hãng Nissan cùng nhiều mẫu xe khác của hãng xe Nhật Bản giảm giá mạnh và ưu đãi “khủng” đầu năm 2018, trong khi ô tô nhập khẩu đang khan hiếm và có xu hướng tăng giá cũng không làm chị Trang, quận Hoàng Mai – một tín đồ của dòng xe này hào hứng bởi phí dịch vụ trông giữ ô tô đang tăng chóng mặt trên địa bàn Hà Nội.

Tất cả các điểm trông giữ xe đã áp dụng mức giá mới, đối với xe máy, vé ngày là 5.000 đồng/xe, vé tối là 8.000 đồng/xe, phí gửi xe cả ngày và đêm là 13.000 đồng. Còn với ôtô, phí đỗ giờ đầu là 25.000 đồng/xe, giờ thứ 2 cộng thêm 25.000 đồng/xe, sang giờ thứ 3, 4 thêm 35.000 đồng/xe/giờ và bắt đầu từ giờ thứ 5 trở đi là 45.000 đồng/xe/giờ, phí gửi cả ngày (8 giờ hành chính) là 300.000 đồng/xe đối với ô tô 4 chỗ…

Mức giá này tăng lên gấp đôi so với thời điểm trước khi thành phố áp dụng mức giá mới. Trước đây, đỗ xe ô tô 2 tiếng đầu là 30.000 đồng, đỗ cả ngày là 120.000 đồng/8 tiếng; đối với xe máy, trước đây vé ngày là 3.000 đồng, vé tối là 5.000 đồng.

Mức giá trông giữ xe tăng vọt đã khiến nhiều chủ phương tiện "choáng váng", nhất là những người sử dụng ô tô. Khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là các tuyến phố xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm như: Nguyễn Xí, Đinh Lễ... Nếu tính ra mỗi ngày gửi xe 8 tiếng thì mỗi tháng số tiền người sử dụng ô tô phải bỏ ra lên tới 9.000.000 đồng. Không chịu được áp lực tăng giá, một số người dân đã phải mang ô tô đi gửi chỗ khác hoặc chuyển sang đi làm bằng xe máy.


Thường xuyên phải vào các tuyến phố trung tâm để giao dịch công việc, việc tăng giá trông giữ phương tiện đã ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí đi lại của anh Phạm Lương, ở phố Đào Tấn, quận Ba Đình. “Hôm trước có việc vào quận Hoàn Kiếm gửi vài tiếng phải trả hơn 150.000 đồng phí trông giữ. Giá trông giữ quá cao, mà đáng lẽ gửi càng lâu thì giá phải giảm. Đằng này gửi giờ thứ 3 lại cao hơn 2 giờ đầu, tôi thấy điều này bất hợp lý”, anh Lương phàn nàn.

Trước việc phí dịch vụ trông giữ xe tăng chóng mặt, chị Lan Anh ở khu đô thị Linh Đàm không giấu nổi lo lắng: “Các tuyến buýt thì ít và chưa thuận tiện, đường sắt trên cao cũng chưa có. Công việc thường xuyên phải đi ô tô vào nội đô nên mục tiêu thành phố tăng giá trông giữ để giảm phương tiện e rằng khó đạt được và người dân sẽ là đối tượng chịu thiệt nhất”.

"Ăn theo" tăng giá trông giữ xe

Chưa kịp bình tĩnh với việc giá trông giữ phương tiện tăng chóng mặt, người dân lại bức xúc trước hiện tượng nhân viên trông giữ “té nước theo mưa”, tự thu phí quá giá quy định, “chặt chém” người gửi xe.

Anh Mạnh Khánh, quê Hưng Yên lên thăm người nhà tại bệnh viện Phụ Sản Trung ương cho biết, khi gửi xe tại điểm trông giữ xe của bệnh viện trên đường Triệu Quốc Đạt, nhân viên trông giữ đưa vé in giá 3.000 đồng, nhưng lại thản nhiên thu 8.000 đồng/xe. Khi thắc mắc thì anh được nhân viên trông giữ giải thích là do thành phố tăng giá.

Tại các điểm trông giữ phương tiện tại chợ Đồng Xuân của công ty cổ phần Đồng Xuân; ở cổng bệnh viện Mắt Trung ương và phố Nguyễn Xí cũng đã tùy tiện nâng giá trông giữ xe máy ban ngày lên 10.000 đồng/xe, cao gấp đôi so với giá UBND thành phố Hà Nội đưa ra, với lý do thành phố áp dụng giá trông giữ mới, thuế lên nên giá trông giữ cũng phải thu lên cho hợp lý!.

Khu vực tòa nhà Hàm cá mập là một điểm nóng "bát nháo" giá trông giữ xe tồn tại lâu nay. Theo phản ánh của người dân, sau khi thành phố áp dụng giá trông giữ phương tiện mới, vào cuối tuần, điểm trông giữ xe tại đây đã thu 30.000 đồng/xe máy. Trưa 8/1, tại điểm trông giữ xe trước quán cafe đầu phố Cầu Gỗ, ở bên hông tòa nhà Hàm cá mập, một nhân viên trông giữ xe khẳng định chắc như đinh đóng cột, đây là điểm trông giữ xe được cấp phép, mặc dù quan sát không thấy biển hiệu. Thấy khách muốn gửi xe, nhân viên trông giữ đòi thu tiền trước với giá 20.000 đồng/xe máy. Khi khách vặn hỏi, nhân viên trông giữ giải thích, thành phố đã tăng giá trông giữ xe từ đầu năm, nếu muốn gửi thì trả tiền trước chứ đây không ép!.

Quan sát tại bãi đỗ ô tô đầu đường Điện Biên Phủ (phía gần Lăng Bác), mặc dù rào chắn quy củ nhưng trong bãi xe không có phương tiện. Trong khi đó ô tô cả biển xanh và biển trắng đỗ tràn lan trên vỉa hè và dưới lòng đường ngay bên ngoài hàng rào điểm trông giữ. Theo phản ánh của người dân, gần đây tình trạng trông giữ ô tô tự phát, thu giá trông giữ tùy tiện diễn ra ở một số nơi. Đây chính là nguyên nhân khiến lượng ô tô gửi tại các điểm trông giữ được cấp phép sụt giảm sau khi thành phố áp dụng mức giá mới.

Một điểm đỗ xe iparking trên phố Lý Thường Kiệt. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ Hà Nội Phạm Văn Đức cho biết, tất cả 151 điểm trông giữ xe của Công ty đã áp dụng mức giá trông giữ mới từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, lượng xe gửi tại các điểm đều sụt giảm so với trước đây. Hiện Công ty đang thống kê số liệu để đánh giá kết quả sau 10 ngày áp dụng mức giá trông giữ mới.

“Lượng xe gửi tại các điểm trông giữ iparking của công ty bị sụt giảm do một số chủ phương tiện, đặc biệt những lái xe thuê đã rời khỏi điểm trông giữ thu theo giá quy định để tìm sang các điểm khác, thường là các vị trí đất bỏ không, bến cóc hình thành tự phát không nộp thuế cho nhà nước nên giá trông giữ thấp hơn”, ông Đức nhấn mạnh.

Chấn chỉnh tình trạng "bát nháo"

Không sử dụng biện pháp cưỡng chế như cấm đỗ ô tô, xe máy, xe đạp dưới lòng đường, hè phố mà áp dụng biện pháp kinh tế, trên cơ sở phương tiện sử dụng nhiều diện tích lòng đường, vỉa hè thì phải trả nhiều tiền hơn là biện pháp đang được thành phố Hà Nội lựa chọn để hạn chế phương tiện vào nội đô, giảm ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc này cần có lộ trình và mức tăng giá hợp lý để phù hợp với thu nhập của người dân. Cùng với việc tăng giá trông giữ để giảm phương tiện cá nhân, thành phố cần đẩy nhanh lộ trình phát triển vận tải hành khách công cộng. Nếu không mục tiêu giảm phương tiện cá nhân sẽ không đạt được mà người dân lại là đối tượng chịu thiệt thòi nhất.

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, hiện nay, thành phố có trên 500.000 ô tô, hơn 2 triệu xe máy, nhưng mới chỉ đáp ứng được 10 - 12% nhu cầu trông giữ xe, còn lại là các bãi đỗ xe của các tòa nhà hay các điểm trông giữ trái phép, không bị ảnh hưởng bởi pháp lệnh về phí và lệ phí.

Để quản lý hiệu quả nguồn thu và chấn chỉnh tình trạng "bát nháo" giá dịch vụ trông giữ xe, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với các điểm trông xe trái phép, tự ý nâng giá vé trông giữ xe trên địa bàn. Sở phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền để người dân quen dần với dịch vụ tiện ích dịch vụ trông giữ xe iparking, đồng thời hoàn thiện khâu quản lý sao cho khoa học để tránh thất thu ngân sách.

Tuyết Mai (TTXVN)
Tăng giá trông giữ xe, chủ xe 'nháo nhác' tìm chỗ gửi
Tăng giá trông giữ xe, chủ xe 'nháo nhác' tìm chỗ gửi

Phí trông giữ xe ô tô ở thủ đô Hà Nội tăng cao, cao nhất là khu vực trung tâm như Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Xí, Đinh Lễ… đến 300%, nhiều người phải đi tìm chỗ gửi xe rẻ hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN