PGS, TS Trần Hữu Bình, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai:
Còi không hợp chuẩn ảnh hưởng thần kinh
Âm thanh của còi xe vượt quá ngưỡng cho phép sẽ gây ra các tác động xấu tới hệ thống thần kinh của con người. Dễ nhận thấy nhất đó là có thể xảy ra hiện tượng bị tress cấp trung tính... cho người tham gia giao thông, khiến cơ thể người bị ảnh hưởng trở nên mệt mỏi, không xử lý được tình huống kịp thời khi nghe tiếng còi to và dẫn tới TNGT. Đối tượng dễ bị tress với tiếng còi xe là những người có hệ thống thần kinh yếu, bệnh tật, về lâu dài dễ gây ra các cảm giác lo sợ khi ra đường hoặc sợ điều khiển phương tiện giao thông.
Trưởng phòng Cơ khí luyện kim và phương tiện giao thông (Viện Đo lường Việt Nam-Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Đức Hòa:
Âm lượng còi của nhiều phương tiện đều cao hơn so với quy định
Qua nghiên cứu, soạn thảo bộ quy định chuẩn âm lượng còi xe, đa phần các còi xe được lắp đặt trên phương tiện giao thông hiện nay đều vượt quá quy định cho phép, tức là trên 115 decibel. Phần lớn các loại xe ô tô buýt, xe khách, xe tải ở Hà Nội đều sử dụng còi hơi vượt quá tiêu chuẩn cho phép, có tần số âm lượng cao hơn cả các loại xe ưu tiên (xe cứu thương, phòng cháy chữa cháy, xe dẫn đoàn của CSGT...). Thậm chí, có không ít chủ phương tiện còn lắp còi "khủng" với mức âm thanh có thể lên tới gần 300 decibel. Bình thường, chỉ cần mức âm lượng lên đến 140 decibel đã khiến người đối diện cảm thấy đau tai, nhức óc.
Trung tá Nguyễn Văn Tòng, Đội trưởng Đội CSGT số 1 (Công an TP Hà Nội):
Khó khăn khi xử phạt
Việc xử lý vi phạm với những trường hợp sử dụng còi xe không đúng quy định, lắp còi sai thiết kế và công năng sử dụng của xe vẫn được Đội triển khai thường xuyên. Tuy nhiên số vi phạm xử lý được không nhiều, đa phần là xử lý ô tô, còn xe máy thì khó xử lý hơn, vì một phần là do mức phạt chưa cao, nên nhiều người nhờn. Mặt khác, rất nhiều đối tượng là thanh thiếu niên, lắp trên xe máy những loại còi có công suất cực lớn, âm thanh kỳ quái, gây mất an toàn giao thông cho người đi đường, khi bị lực lượng CSGT phát hiện thì thường rú ga bỏ chạy. Nhiều trường hợp kể cả giữ được phương tiện rồi, nhưng lực lượng CSGT vẫn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị để kiểm tra âm thanh của còi xe. Do đó nhiều lái xe dù biết rõ là vi phạm, song vẫn cố cãi. Trong khi chờ sự chuyển biến trong ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông, có lẽ cần phải có chế tài đủ mạnh để răn đe.
Luật sư Nguyễn Thành Nam, Đoàn luật sư Hà Nội:
Mức phạt thấp nên nhiều người "nhờn"
Ở khu vực nội thành, do lực lượng CSGT đứng chốt chặn dày đặc, nên các lái xe tải, xe khách ít dám sử dụng còi hơi khi đụng mặt. Nhưng ở khu vực ngoại thành hay những đoạn vắng, hành vi bấm còi liên tục để giành đường vẫn xảy ra và từ một công cụ có chức năng bảo đảm an toàn giao thông, những chiếc còi xe với âm thanh "khủng" lại trở thành kẻ sát nhân. Có lẽ mức phạt thấp, cộng với quyết tâm xử lý chưa cao, nên nhiều lái xe còn khinh nhờn.
Bác Đỗ Quang, nhà ở phố Bà Triệu (gần Viện Mắt trung ương):
Còi xe- Cần, nhưng phải đúng luật
Như bao người dân khác ở đây, hàng ngày không chỉ là nạn nhân của việc kẹt xe, mà còn là nạn nhân của tiếng còi xe chát chúa liên hồi. Còi xe là trang bị rất cần thiết, nhưng gần đây, việc sử dụng còi xe đã bị các chủ phương tiện lạm dụng một cách thái quá và gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Để các chủ phương tiện khi tham gia giao thông sử dụng còi một cách có văn hóa và đúng luật, các cơ quan chức năng cần tăng cường chế tài và tích cực xử phạt nặng hơn nữa đối với những chủ phương tiện sử dụng còi sai quy định của pháp luật.
PV