Lo ngại với nhiệt điện than

Việt Nam là nước đứng thứ 3 trên thế giới trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, trong khi toàn thế giới đang chuyển hướng sang năng lượng tái tạo trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi tọa đàm “Tác động của nhiệt điện than đến môi trường biển và cuộc sống người dân”, do Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường (CHANGE) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh sáng nay, dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Canada và tổ chức 365.org .

Quan cảnh tọa đàm với chủ đề “Tác động của nhiệt điện than đến môi trường biển và cuộc sống người dân”

Trong buổi tọa đàm, các đại biểu đã dẫn chứng sự phát triển của công nghiệp điện than ở Vĩnh Tân, Bình Thuận, hệ sinh thái biển Hòn Cau đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.


Được biết, Hòn Cau thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và trở thành một trong 16 khu bảo tồn biển với hệ sinh thái được các nhà khoa học xếp vào top đầu của Việt Nam từ năm 2010. Diện tích khu bảo tồn là 12.500 ha, bao gồm 4 vùng chức năng: Vùng lõi, vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái và vùng phát triển.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, khu vực Hòn Cau có 234 loài san hô, 324 loài cá, 119 loài thân mềm, 32 loài da gai kích thước lớn và 46 loài giáp xác, bò sát. Ngoài ra, Hòn Cau còn có hệ thực vật biển phong phú và còn là bãi đẻ của các loại rùa biển khi đến mùa sinh sản.


Theo các đại biểu, những nguy cơ này đến từ việc vận hành, xả thải hiện tại của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, kế hoạch nạo vét của nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và trong tương lai là một khu tổ hợp 5 nhà máy nhiệt điện đe dọa sự sống của các loài trong khu bảo tồn.

Ông Richard Bale, Tổng lãnh sự Canada phát biểu tại buổi tọa đàm

PSG. TS Nguyễn Chu Hồi, Khoa Môi trường, trường đại học Khoa học tự nhiên, nêu cụ thể khu bảo tồn biển Hòn Cau đang bị đe dọa chủ yếu từ hoạt động nạo vét và nhận chìm vật liệu nạo vét của cảng Vĩnh Tân 1 là tăng hàm lượng chất lơ lửng, bùn cát và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước.


“Vị trí đổ và nạo vét rất gần với khu bảo tồn biển Hòn Cau. Đây là khu vực biển động, khả năng lan truyền nhanh và phát tán rộng các chất ô nhiễm, gây suy thái các hệ sinh thái biển nông và rặng san hô. Còn nếu nhận chìm thì còn phá hủy vĩnh viễn rặng san hô, đây là nguồn sinh kế và yếu tố đầu vào của du lịch biển, cần cân nhắc kĩ trước khi đổ thải” – PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nói.


Như vậy, từ sự tác động này dẫn đến các loài sinh vật biển mất môi trường sống, các rạn san hô bị thu hẹp và gây ra hệ lụy không nhỏ đến sinh kế của người dân địa phương. Chẳng hạn như nghề muối bị phủ bụi than đen, nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản và du lịch bị tác động tiêu cực. Không chỉ vậy, người dân địa phương cũng phải chịu các tác động về sức khỏe khi khói thải của nhà máy gây ô nhiểm không khí.


Các nhà khoa học tham dự tọa đàm còn bày tỏ sự lo lắng khi Việt Nam hiện đã có 12 nhà máy nhiệt điện than phân bổ cả nước. Trong những năm tới sẽ có khoảng 50 nhà máy được xây dựng, tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm hoặc ngay sát khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long… điều này sẽ gây tác động lớn đến môi trường cũng như sản xuất nông nghiệp.


Do vậy, các đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần phải có giải pháp giám sát chặt chẽ và bắt buộc tuân thủ kế hoạch quản lý môi trường của các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành. Đồng thời công khai thông tin cho người dân, chính quyền địa phương cùng giám sát và cập nhật các tiêu chuẩn phát thải của Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế.


Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng cần dừng lại các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch chưa xây dựng để xem xét kỹ lưỡng lợi ích và tác động. Từ đó nghiên cứu lựa chọn phương án phát triển sạch hơn, cụ thể là tạo môi trường phát triển thuận lợi cho năng lượng tái tạo để thay thế điện than.


Bởi vấn đề là cần xem xét và tận dụng các nguồn tạo ra điện phù hợp với giá thành chấp nhận được mà không gây nhiều tổn hại lâu dài cho môi sinh và sức khỏe cộng đồng. Vì nếu chỉ dựa vào yếu tố giá thành sản xuất điện để chọn lựa thì nhiệt điện than chưa hẳn là rẻ. Cần chú trọng đến yếu tố an toàn, bền vững trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Một góc thông điệp khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo tại buổi tọa đàm

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí Hậu, trường đại học Cần Thơ, quy hoạch chẳng qua là một định hướng để triển khai các dự án và kế hoạch hành động tiếp theo. Quy hoạch không phải là một quyết định “cứng” mà phải mềm dẻo để có thể thay đổi theo tình thế trong tương lai. Quy hoạch phát triển điện quốc gia đã từng thay đổi nhiều lần và lần gần nhất là Quy hoạch điện VII, sau đó phải chỉnh lại thành Quy hoạch điện VII điều chỉnh.


PGS.TS Lê Anh Tuấn, dẫn chứng thêm sự kiện ngày 10/11/2016, Chính phủ đã chính thức trình Quốc hội việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, cho thấy trước kia Bộ Công thương cũng đã khẳng định phải xây dựng nhà máy điện hạt nhân như một chọn lựa không tránh khỏi. Đồng thời quy hoạch điện hạt nhân cũng đã được đưa chính thức và Quy hoạch điện VII, kể cả lúc điều chỉnh nhưng nay phải thay đổi. Điều này chứng tỏ không phải quy hoạch là bất biến.


Tại buổi tọa đàm, ông Richard Bale, Tổng lãnh sự Canada, cho rằng: “Với nhu cầu năng lượng dự tính tăng 10% mỗi năm trong vòng 15 năm tới thì việc lựa chọn phương thức sản xuất điện là hết sức cần thiết. Cần phải cân nhắc các chi phí môi trường địa phương và cả trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Thiên nhiên Việt Nam vô cùng tươi đẹp, tôi hi vọng Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ luôn đảm bảo việc bảo vệ môi trường trong khi nỗ lực phát triển kinh tế”.

Anh Đức
Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 mở cửa để dân vào giám sát môi trường
Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 mở cửa để dân vào giám sát môi trường

Bắt đầu từ ngày 10/11, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận tổ chức để người dân địa phương vào giám sát các hoạt động xử lý môi trường của nhà máy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN