Lo mất tiền, bệnh viện ‘loay hoay’ gửi thống kê khám bệnh điện tử

Chưa nắm vững kỹ thuật, các danh mục kỹ thuật, thuốc, vật tư tiêu hao chưa chính xác, đầy đủ, đặc biệt là lo “mất tiền”... nên nhiều bệnh viện vẫn “loay hoay”, chậm gửi thống kê dữ liệu khám chữa bệnh điện tử cho BHXH Việt Nam. Do đó, làm ảnh hưởng đến việc ngăn chặn tình trạng lạm dụng quỹ BHYT.

Nhờ áp dụng các phần mềm quản lý KCB và thanh toán chi phí, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã ngăn chặn được tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, nhất là trong thông tuyết khám chữa bệnh.Ảnh: Dương Ngọc/ TTXVN

Nơi bảo “khó”, chỗ nói “không”


Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa lạm dụng quỹ BHYT, nhất là khi đã thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh (từ tuyến xã lên tuyến huyện).


Tuy nhiên, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN), gần 3 tháng qua, tỷ lệ gửi dữ liệu trong ngày bệnh nhân ra viện của các cơ sở y tế lên Hệ thống thông tin giám định BHYT chỉ đạt khoảng 40%. Do đó, khó thực hiện được việc quản lý thông tuyến khám chữa bệnh, nhất là kiểm soát những thẻ BHYT đi khám nhiều lần hoặc chỉ định trùng lặp giữa các lần khám bệnh.


Vậy tại sao đến nay, các cơ sở vẫn chậm trễ trong việc gửi dữ liệu khám chữa bệnh điện tử trong ngày cho ngành BHXH Việt Nam? Trao đổi về vấn đề này, đại diện nhiều bệnh viện “than” ngoài bất cập về phần mềm, danh mục kỹ thuật, thuốc, vật tư tiêu hao chưa chính xác, đầy đủ… thì còn do khối lượng hồ sơ thanh quyết toán BHYT hàng ngày quá nhiều, nhất là những bệnh viện lớn.


“Nên có chế độ xử lý, phản hồi ngay các lỗi dữ liệu mà mà các cơ sở y tế đã gửi lên cổng thông tin của BHXH VN. Mặt khác, cũng cần bổ sung nhân lực để khi dữ liệu gửi đi có sự cố thì phản hồi sớm cho các cơ sở y tếkịp thời chỉnh sửa, tránh việc “treo” hồ sơ trên hệ thống”, ông Lê Lâm, Phó Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, cũng phản ánh.


Cũng theo ông Lê Lâm, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương đang cố gắng thực hiện quy định chuyển dữ liệu trong vòng 24 giờ, tức là sáng hôm sau sẽ chuyển dữ liệu bệnh nhân ra viện của ngày hôm trước. Bởi đơn vị cần thời gian để kiểm soát, tránh mất tiền của Viện cũng như của BHYT…


Tuy nhiên, bên cạnh những bệnh viện than khó, vẫn có những bệnh viện thực hiện tốt việc chuyển dữ liệu khám chữa bệnh điện tử ngay trong ngày với tỷ lệ suất toán BHYT rất thấp.


Ths Ngô Thị Diệu Thúy, phụ trách công nghệ thông tin Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương, cho biết: “Tại Bệnh viện, mỗi ngày có 600 bệnh nhân và chúng tôi đều thực hiện gửi dữ liệu hồ sơ ra viện đúng trong ngày mà luôn bệnh nhân, số tiền khớp với hệ thống, hồ sơ không bị cảnh báo lỗi”.


Theo Ths Diệu Thúy, để có kết quả này, ngoài vấn đề về trang bị phần mềm, tất cả các khoa, phòng bệnh viện đều có trách nhiệm, khoa nào cho cho bệnh nhân ra viên thì khoa đó thì chịu trách nhiệm về số liệu thanh toán.


Đáng nói, đội ngũ điều dưỡng của Bệnh viện cũng rất thành thạo trong triển khai và và vận hành phần mềm. Trước đó, Bệnh viện đã phân lại tất cả bộ mã dịch vụ kỹ thuật trên hệ thống phần mềm (VD siêu âm có mã là UL). Sau đó, chuyển bảng mã ký hiệu về các khoa phòng nên hiện tại các điều dưỡng đều thuộc, có thể đọc ngay các mã dịch vụ trong phần mềm. Công việc của các cán bộ IT nhờ vậy cũng nhẹ đi rất nhiều.


“BV thực hiện đúng hướng dẫn của BHXH, đó là chuyển dữ liệu lên 2 lần: lần 1 lên cổng tiếp nhận, lần thứ 2 là chuyển thanh toán giám định BHYT trong ngày. Ở lần 1, nếu các khoa, phòng cần chỉnh sửa số liệu thì gọi cho bộ phận công nghệ thông tin để sửa trong ngày. Đến cuối ngày, khi không còn chỉnh sửa gì nữa thì chúng tôi mới bấm chuyển giám định và thanh toán BHYT”, bà Thúy chia sẻ.


Cần sự quyết tâm của lãnh đạo các bệnh viện


Trước sự chậm trễ của các bệnh viện trong việc chuyển gửi dữ liệu ngay trong ngày bệnh nhân ra viện lên Hệ thống thông tin giám định BHYT, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đã yêu cầu đại điện BHXH Việt Nam: “Các bệnh viện vẫn “loanh quanh” vì gửi lên đúng thời hạn thì hồ sơ không đủ thông tin, mà thiếu là liên quan đến tiền nong của bệnh viện, vậy cần giải thích cho rõ tại sao phải gửi dữ liệu lên trong ngày?”.


Giải đáp vấn đề này, ông Vũ Mạnh Hùng, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, khẳng định: Việc gửi dữ liệu lên cổng thông tin trong ngày bệnh nhân ra viện sẽ phục vụ việc kiểm soát thông tuyến, ngăn chặn lạm dụng quỹ BHYT. Nếu cần, bệnh viện vẫn có thể chỉnh sửa số liệu trước khi bấm nút chuyển giám định, thanh toán BHYT.


Theo ông Mạnh Hùng, nếu cơ sở không gửi ngay dữ liệu trong ngày bệnh nhân ra viện thì cơ quan BHXH không thể phát hiện ngay trường hợp bệnh nhân một ngày khám bệnh tới 4 - 5 lần tại 4 cơ sở khác nhau như ở Thành phố Hồ Chí Minh mới đây.


“Hiện nay, rất nhiều bệnh viện nói khó thực hiện việc chuyển gửi dữ liệu lên hệ thống thông tin giám định BHYT trong ngày, nhưng thực tế, Bệnh viện Y học cổ truyền và một số bệnh viện khác đã thực hiện rất tốt và không trục trặc gì. Điều đó có nghĩa, nếu lãnh đạo bệnh viện quyết tâm thì sẽ tìm cách để thực hiện tốt việc gửi dữ liệu khám chữa bệnh lên hệ thống thông tin giám định BHYT”, ông Vũ Mạnh Hùng khẳng định.


Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tin học hóa trong quản lý khám chữa bệnh và giám định, thanh toán BHYT, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị quyết liệt giải quyết khó khăn đảm bảo thực hiện đúng lộ trình: 100% cơ sở khám chữa bện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương thực hiện gửi dữ liệu khám chữa bệnh iên tục phục vụ giám định điện tử trước ngày 30/6/2017; đối với tuyến huyện hạn chót là ngày 31/8/2017.


Về phía Bộ Y tế, sẽ sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT. Bên cạnh đó, cũng sẽ thành lập Tổ hỗ trợ giải đáp chính sách BHYT, hướng dẫn sử dụng vận hành khai thác Hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh BHYT; thiết lập đường dây nóng, website hỗ trợ cho các bệnh viện trong quá trình thực hiện…


Phương Liên (Báo Tin Tức)
Hà Nội kiểm soát nguy cơ bội chi quỹ BHYT
Hà Nội kiểm soát nguy cơ bội chi quỹ BHYT

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2016, Hà Nội không bội chi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, đến đầu tháng 10, số chi đã lên tới 98% quỹ BHYT.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN