Hà Nội kiểm soát nguy cơ bội chi quỹ BHYT

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2016, Hà Nội không bội chi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, đến đầu tháng 10, số chi đã lên tới 98% quỹ BHYT.

Mổ nội soi tại bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Phát triển dịch vụ mới


Bà Trần Thị Nghĩa, 64 tuổi xã Đức Thượng, (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: “Tôi bị bệnh liên quan đến tim mạch, 4 năm trước, cứ vài tháng ra khám ở bệnh viện Tim Hà Nội, nhưng khoảng 1 năm trở lại đây khám tại bệnh viện huyện, thấy bệnh tình thuyên giảm, bác sĩ khám cẩn thận chu đáo nên khám tại đây đỡ phải đi lại xa”.


Còn bà Đỗ Thị Dương, mẹ em Nguyễn Thị Mỹ Linh (xã Song Phượng, Hoài Đức) cho biết: “Con gái học lớp 12 kêu đau bụng vào khám tại bệnh viện Hoài Đức và được chỉ định mổ ruột thừa. Thủ tục và phẫu thuật cũng nhanh. Do tôi là hộ nghèo và khám chữa bệnh bằng BHYT được chỉ định tận tình. Việc khám chữa bệnh đã cải thiện hơn trước rất nhiều”.


“Để hạn chế tiêu cực, bệnh viên thành lập tổ công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm quản lý bệnh viên trong khám bệnh, kê đơn, làm thủ tục thanh toán tại các phòng khám và các khoa lâm sàng, cận lâm sàng, được, trả kết quả xét nghiệm giúp công tác cấp cứu, khám, kê đơn, điều trị, quản lý hiệu quả. Bệnh viện đấu nối với hệ thống thông tin giám định BHYT đang vận hành thử nghiệm Hà Nội và cho thấy hiệu quả trong việc quản lý hồ sơ khám chữa bệnh của bệnh nhân. Điều này sẽ hạn chế việc khám chữa bệnh nhiều lần của một số đối tượng lạm dụng”, bác sĩ Đoàn Thịnh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết.


Theo thống kê có khoảng 73.000 thẻ đăng ký khám chữa bệnh tại bệnh viện Hoài Đức, trong đó hàng ngày có khoảng 300 - 400 người đến khám bằng thẻ BHYT chiếm tới hơn 80% số người đến khám, chữa bệnh. Để thu hút bệnh nhân, bên cạnh việc tổ chức lại quy trình khám chữa bệnh khoa học, bệnh viện Hoài Đức đã thành lập thêm khoa mới như lão khoa, tim mạch; đồng thời đầu tư thiết bị cơ sở hạ tầng cho khoa Khám bệnh để tăng cường dịch vụ khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT như tăng ghế ở khu ngồi chờ khám, hệ thống quạt chống nóng, số bàn khám bệnh và triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới như: phẫu thuật nội soi ruột thừa, thủng dạ dày, phẫu thuật nội soi cắt túi mật, phẫu thuật nội soi tiết niệu, thay khớp háng, thay khớp gối...


Giám sát từ hệ thống thông tin giám định chung của Hà Nội, bà Nguyễn Thị Tám, trưởng phòng giám định 2 (BHXH Hà Nội) cho biết, tại bệnh viện Hoài Đức, số tiền chi vượt kế hoạch là hơn 800 triệu đồng. Tuy nhiên qua phân tích thì tiền vượt chi do phát triển khoa, dịch vụ mới. Điều này góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.


Tăng cường đối chiếu, kiểm tra


Theo BHXH Hà Nội, dù tháng 10 chưa quyết toán, nhưng sơ bộ cho thấy 73 bệnh viện vượt quỹ với số tiền lên tới hơn 200 tỷ đồng. Hiện BHXH cân đối, bù trừ giữa các bệnh viện, nên quỹ BHYT vẫn chưa bội chi. Với hơn 2 tháng còn lại, quỹ BHYT sẽ bội chi mức nhất định.


BHXH Hà Nội đang ký khám chữa bệnh (KCB) với 191 cơ sở khám chữa bệnh, nếu tính đến đầu mối xã là 498/584 xã tham gia KCB BHYT với tổng đầu mối là 711 cơ sở khám chữa bệnh. Trong số cơ sở đăng ký KCB BHYT có 39 cơ sở KCB tư nhân (22 bệnh viện và 17 phòng khám), còn lại là cơ sở công lập. “Với cơ sở KCB tư nhân áp giá từ 1/7/2016 với giá khác với khối KCB công lập và mức chi nhiều hơn. Tuy nhiên, khối cơ sở KCB tư nhân vượt quỹ không nhiều”, bà Nguyễn Thị Tám cho biết.


Để kiểm soát việc bội chi quỹ BHYT, Hà Nội chia ra từng khối khám chữa bệnh trên cơ sở phân tích số liệu KCB 6 tháng đầu năm. Theo đó, BHXH Hà Nội chia thành 5 khối: khối công lập hạng 1, hạng 2, hạng 3, khối trung tâm y tế, bệnh viện tư nhân. BHXH Hà Nội phân tích chi từ 6 tháng đầu năm so với mặt bằng chung và từng hạng bệnh viện để từng khối thấy chi phí KCB và so sánh. “Như xét nghiệm, chi phí bệnh viện hạng 1 chỉ chiếm 18% nếu đơn vị nào vượt hơn thì xem xét lại. Chi phí thuốc cũng vậy, như bệnh nhân đái đường, với bệnh viện hạng 1 là Thanh Nhàn và Hà Đông, tuyến cuối khoa nội đang KCB 5.500 bệnh nhân thì chi phí KCB các bệnh viện khác không thể hơn tuyến này. Từ đó, đơn vị nào bội chi quỹ và chi trần thì BHXH làm việc với Sở Y tế ra văn bản liên ngành phòng chống trục lợi quỹ”, bà Nguyễn Thị Tám cho biết.


Bên cạnh đó, BHXH và Sở Y tế Hà Nội triển khai kiểm soát thông tuyến ngay từ ban đầu và chạy dữ liệu để phát hiện bệnh nhân khám nhiều lần trong ngày, trong tháng. Từ đó đưa lên mạng để cảnh báo để không chồng chéo cận lâm sàng, thuốc ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.


“BHXH Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội cũng kiểm tra đột xuất bệnh nhân nội trú bởi theo thông tư 37, tiền giường bệnh khá cao. Cách tính ngày giường bệnh theo công thức mới là ngày ra trừ ngày vào cộng 1 đã khiến quý II tăng 17 tỷ tiền đồng tiền giường. Qua kiểm tra ngoài giờ với bệnh nhân nội trú, sở Y tế đã họp để chấn chỉnh việc chỉ định bệnh nhân nội trú. Với thủ thuật, xét nghiệm… BHXH Hà Nội tăng cường kiểm tra để giảm tình trạng chỉ định không đúng, không cần thiết trong KCB”, bà Nguyễn Thị Tám cho biết.

Xuân Cường
Không tăng giá dịch vụ y tế với người không có BHYT
Không tăng giá dịch vụ y tế với người không có BHYT

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu dứt khoát không tăng giá dịch vụ y tế cho người không có BHYT trong năm 2016. Các bộ, ngành liên quan tính toán kỹ thời điểm, lộ trình tăng trong năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN