GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam: Hỗ trợ nguồn lực cho bệnh viện An ninh bệnh viện (BV) là một vấn đề của cả xã hội, do đó, chính quyền các địa phương cũng phải quan tâm hỗ trợ nguồn lực và chỉ đạo các BV, chứ không thể chỉ giao phó cho giám đốc BV tự lo. Về lâu dài, để đảm bảo an ninh BV nói riêng và giải quyết tận gốc những vấn đề tồn tại hiện nay, thì cần phải đổi mới căn bản, toàn diện ngành y tế. Tức là cần chuyển đổi từ nền y tế dở công, dở tư như hiện nay, sang nền y tế thị trường. Bên cạnh đó, cần đổi mới toàn diện, từ quan điểm, chủ trương, chính sách cho đến việc tổ chức, cơ chế tài chính trong BV. TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam: Cần rõ ràng “công” - “tư” Hiện nay, hệ thống y tế đang có sự lẫn lộn công tư (nhất là vấn đề xã hội hóa), sự độc quyền “một mình một chợ”, sự thiếu vắng giám sát đánh giá chất lượng khám chữa bệnh của các đơn vị độc lập... Rõ ràng, cần phải có những chính sách điều chỉnh kịp thời những lỗi từ khâu thiết kế hệ thống đó. Nếu không giải quyết từ gốc “bài toán hệ thống” thì vấn đề quá tải, vấn đề quản lý nhân sự, vấn đề “áo công, ruột tư” sẽ khiến bất kể các kế hoạch nào đưa ra để tăng cường an ninh đều thất bại. Bởi an ninh đâu chỉ có theo dõi, lắp đặt camera và kỷ luật thật nặng những trường hợp vi phạm. Khi tâm tư “mất tiền oan, chết oan” còn nặng trong đầu người dân thì nhân viên y tế tránh sao khỏi những bức xúc dẫn đến những vụ việc đe dọa tính mạng. Nếu còn có khoảng cách thật xa giữa lương và thu nhập, thì tránh sao người bệnh không bị dẫn dắt ngoắt ngoéo, tái diễn tình trạng cò nội, cò ngoại. Khi mọi đánh giá chuyên môn không được thực hiện độc lập, công khai minh bạch, tránh sao ngờ vực của xã hội... BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc BV Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai: Thống nhất cách triển khai Bộ Y tế nên đưa nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tại BV (BV) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thống nhất cách làm. Hiện nay, các BV đang triển khai mỗi nơi một kiểu. Trong các văn bản của Bộ Y tế chỉ quy định chung chung là cần đảm bảo công tác an ninh BV nên chưa đủ mạnh để các BV chú trọng công tác này. Tại BV Đa khoa Thống Nhất tỉnh Đồng Nai, Ban giám đốc BV rất quan tâm tới vấn đề an ninh BV. Cụ thể, BV đã xây dựng phương án bảo vệ chi tiết, phân công trách nhiệm rõ ràng. Chúng tôi đã giải thể đội ngũ bảo vệ, thay vào đó là ký hợp đồng với công ty bảo vệ chuyên nghiệp để bảo vệ các vị trí xung yếu như: cổng ra vào, phòng cấp cứu, phòng khám, đóng viện phí... Từ tháng 10/2011, BV đã đầu tư hệ thống camera quan sát 110 vị trí tại các khoa, phòng, vị trí nhạy cảm. BV thành lập đường dây nóng và phối hợp chặt với công an phường Tân Biên, công an TP Biên Hòa và cảnh sát phản ứng nhanh 113... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên y tế. Đổi mới quy trình khám chữa bệnh, giảm bớt phiền hà cho bệnh nhân... Nhờ vậy, công tác an ninh BV ngày một tốt hơn, chúng tôi đã xử lý kịp thời được các trường hợp ẩu đả, đuổi đánh nhân viên y tế... |