Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng trong vòng 3 năm qua, đã có hàng chục vụ côn đồ hoặc thân nhân người bệnh đập phá tài sản bệnh viện (BV), đánh bác sĩ, y tá trọng thương, thậm chí dẫn đến tử vong. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại về vấn đề đảm bảo an toàn cho y, bác sĩ.
Cần sự vào cuộc của chính quyền
“Thời gian qua, xảy ra khá nhiều vụ việc y, bác sĩ bị hành hung ngay tại BV. Đau lòng nhất là vụ việc xảy ra tại BV đa khoa huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình (tháng 8/2011), người nhà bệnh nhân lao vào đâm chết bác sĩ Phạm Đức Giàu và làm thương nặng 1 bác sĩ khác vì cho rằng các bác sĩ đã chậm trễ trong việc cứu người thân của họ”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết.
Cửa kính khoa Hồi sức tích cực, BV đa khoa Hà Tĩnh, bị người nhà nạn nhân đập vỡ. Ảnh: Bộ Y tế |
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an ninh BV nói chung và tình trạng hành hung nhân viên y tế nói riêng, là do các biện pháp an ninh ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; cùng với đó là tình trạng quá tải ở một số BV, đã tạo cơ hội cho một số cá nhân trục lợi. Bên cạnh đó, sự thờ ơ của chính quyền địa phương; vấn đề y đức, thái độ ứng xử của một số nhân viên y tế và các sự cố y khoa do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, cũng đã dẫn tới tình trạng này.
GS.TS Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng: “Thái độ của nhân viên y tế trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân, những sự tắc trách như không thăm khám kịp thời, xử lý chậm hay có những chẩn đoán, xử lý sai lệch... là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ gây rối, phá hoại, hành hung y, bác sĩ. Tuy nhiên, dù vì lý do gì thì thân nhân người bệnh cũng không được phép hành hung cán bộ y tế. Rất đáng tiếc do không được ngăn chặn kịp thời nên những vụ việc gây rối trong BV diễn ra ngày một nhiều, “lây lan” nhanh như một dịch bệnh, gây bức xúc trong xã hội”.
Đồng tình với quan điểm này, cử nhân Nguyễn Xuân Vinh, điều dưỡng trưởng khoa Tim mạch và Lồng ngực, BV Việt Đức, nhấn mạnh: “Việc cán bộ y tế có sai phạm hay không thì cần có điều tra, phân xử đúng quy định pháp luật chứ người nhà bệnh nhân không được phép nhục mạ, hành hung bác sĩ. Các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn đối với những vụ việc hành hung bác sĩ, đập phá tài sản BV. Có như vậy thì mới ngăn chặn được tình trạng hành hung bác sĩ ngang nhiên như đã xảy ra”.
Chủ động giám sát để giảm tai biến
“Người dân cần biết rằng, không phải bất kỳ sai sót y tế nào cũng là lỗi của cán bộ y tế. Y tế là một ngành đặc biệt, ngay nhiều nước có nền y tế tiên tiến như Mỹ, Nhật, mỗi năm cũng xảy ra rất nhiều tai biến bất khả kháng. Ở Mỹ có quy định 45 ngày sau sự cố y tế thì cơ quan chức năng sẽ đưa ra câu trả lời về nguyên nhân vụ việc. Nhưng tại Việt Nam, sự cố vừa xảy ra thì báo chí đã chất vấn ngay cán bộ y tế về nguyên nhân; nhiều luồng thông tin đưa ra khi vấn đề chưa được làm sáng rõ, khiến dư luận thêm hoang mang, có cái nhìn xấu hơn về cán bộ y tế”, ThS Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, chia sẻ.
Để giảm tỷ lệ tai biến, tránh dẫn đến những bức xúc và những hành vi gây tổn hại đến danh dự, sức khỏe, thậm chí tính mạng của cán bộ y tế như thời gian qua, theo ThS Phạm Đức Mục, ngành y tế, nhất là các giám đốc BV, cần chú ý đến việc đảm bảo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu khám chữa bệnh. “Nếu các cơ sở y tế vẫn tiếp tục duy trì một bác sĩ phải khám cho 40 - 70 bệnh nhân/ngày như hiện nay thì tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đáng tiếc. Hay nếu một điều dưỡng, trong 1 đêm trực mà liên tục chăm sóc cho 32 bệnh nhân thì hiệu quả không thể như mong đợi”, ThS Phạm Đức Mục chia sẻ.