Tại buổi lễ, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, cùng đại diện các sở, ngành, các đơn vị liên quan và nhân dân trên địa bàn Đà Nẵng đã vào đặt vòng hoa, dâng hương bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến các liệt sỹ.
Đọc Điếu văn tại lễ truy điệu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất của các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc. Không có thắng lợi nào không phải đánh đổi bởi sự hy sinh, không có cuộc đoàn viên nào không để lại nỗi đau mất mát. Trong đội ngũ trùng trùng, điệp điệp năm xưa, ngày chiến thắng trở về có người còn, người mất. Các anh là những người đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Đà Nẵng anh hùng, các anh là cán bộ, chiến sỹ thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn Đặc công 89 Quảng Đà, trong rạng sáng ngày 23/2/1969 (tức ngày 7/1 năm Kỷ Dậu) tại địa bàn Bình Thới, Cẩm Lệ (Đà Nẵng). Đơn vị các anh bị địch phát hiện và tấn công, hơn mười đồng chí đã hy sinh, trong đó có hai đồng chí biết tên là đồng chí Minh và đồng chí Mẹo - Đại đội phó, còn các chiến sỹ mới bổ sung vào đơn vị nên chưa xác định được danh tính.
Thân thể các liệt sỹ bị giặc chôn vùi bên bờ sông Cẩm Lệ, không một nấm mồ, không một nén nhang. Sau hơn 50 năm, thân nhân, đồng đội nỗ lực tìm kiếm, đến nay các liệt sỹ đã được về yên nghỉ bên đồng đội thân yêu của mình. “Thành phố Đà Nẵng có thể không phải là nơi "chôn nhau, cắt rốn" của các anh, nhưng nhân dân Đà Nẵng, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, đầy đau thương nhưng anh dũng đã vòng tay ôm đón các liệt sỹ về an nghỉ ngàn đời”, Phó Chủ tịch Lê Quang Nam xúc động chia sẻ.
Trước đó, năm 2020, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã cung cấp địa điểm, trận đánh, vị trí chôn cất các liệt sỹ hy sinh vào rạng sáng ngày 23/2/1969 tại địa bàn Bình Thới, Cẩm Lệ (Đà Nẵng). Sau thời gian tìm kiếm, cất bốc, Ban Chỉ đạo 515 thành phố Đà Nẵng đã đưa các liệt sỹ về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ thành phố Đà Nẵng.