Lễ Tịch điền mở hội mùa xuân

Sáng nay, mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (tức ngày 6/2/2014), lễ hội Tịch điền năm 2014 đã diễn ra tại xã Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, Hà Nam). Đây là một nghi lễ quan trọng để khuyến khích nghề nông, đánh thức đất đai, khởi đầu một mùa vụ mới. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đến tham dự lễ hội.

Những sá cày đầu tiên trong lễ Tịch điền 2014


Lễ hội Tịch điền 2014 được tổ chức trong vòng 3 ngày, từ ngày 4-6/2/2014 (tức từ mồng 5 đến mồng 7 tháng Giêng âm lịch). Trong hai ngày mồng 5 và mồng 6 Tết, người dân Đọi Tam tổ chức nghi lễ cáo yết tại đình Đọi Tam, lễ rước nước, thi vẽ và trang trí trâu cùng nhiều trò chơi dân gian như chơi đu, đi cầu khỉ, bịt mắt đập niêu, kéo co, thi làm bánh dày...


Ngày mồng 7 tháng Giêng là ngày trọng tâm của lễ hội Tịch điền. Đúng 7 giờ sáng, lễ rước linh vị của vua Lê Đại Hành từ chùa Đọi xuống khu ruộng làm lễ Tịch điền được cử hành uy nghiêm, trang trọng.


Sau tiếng trống khai hội của làng Đọi Tam và màn múa rồng rộn ràng của nhân dân làng Đọi Tam, Đọi Tứ, ông Trần Xuân Lộc, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Hà Nam trịnh trọng đọc văn trình vua Lê Đại Hành, xin phép tiến hành khai hội. Các đại biểu thực hiện nghi lễ dâng hương trước bàn thờ thần Nông và linh vị vua Lê Đại Hành bày tỏ tấm lòng thành kính, tưởng nhớ đến công ơn của vua Lê Đại Hành, người đã có những luống cày khai xuân đầu tiên trên mảnh đất Đọi Sơn vào năm 987, đồng thời cầu mong một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ.


Sau lễ dâng hương, một cụ cao niên ở Đọi Sơn khoác Long bào, nhập linh khí quân vương bắt đầu nghi lễ tịch điền, cày những (sá cày) đường cày đầu tiên. Sau đó, đại diện lãnh đạo ngành, địa phương, các cụ bô lão trong xã tiếp tục cày những đường cày thẳng tắp, các thiếu nữ trong trang phục truyền thống theo sau để gieo những hạt giống đầu tiên xuống mảnh ruộng vừa được cày. Lễ hội Tịch điền diễn ra trong không khí tưng bừng, náo nức.


Lễ hội Tịch điền là một trong những di sản văn hoá truyền thống quý giá của dân tộc, một mỹ tục khuyến khích nông tang, nhắc nhở dân các làng “dĩ nông vi bản”. Đây cũng là lễ khai xuân động thổ, đánh thức đất đai, khởi đầu một mùa vụ mới… Đồng thời, khơi dậy và giáo dục truyền thống yêu lao động, yêu sản xuất cho người dân và các thế hệ con cháu, để thế hệ con cháu ghi nhớ truyền thống tốt đẹp của cha ông.


Lão nông Nguyễn Văn Chương, trú tại thôn Nội (xã Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) cho biết, năm nay là năm thứ 5 ông cùng con trâu của gia đình tham gia lễ hội tịch điền, một phong tục, một truyền thống tốt đẹp của người dân dưới chân núi Đọi.


Còn lão nông Nguyễn Bá Lưu, cũng ở thôn Nội phấn khởi: “Con trâu của gia đình tôi năm nay được cày những sá cày đầu tiên, tôi vui lắm. Sau mỗi mùa lễ hội, những nông dân như chúng tôi lại thấy phấn khởi bắt tay vào lao động sản xuất, mở rộng trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế…”.


Theo “Việt sử lược”, vào năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987) vua Lê Đại Hành đã về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, mở đầu cho phong tục tốt đẹp. Từ đó về sau,Lễ Tịch điền trở thành một mỹ tục mà các triều đại Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn đều thực hiện một cách thành kính. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Lễ Tịch điền trở thành một sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc ViệtNam.


Một số hình ảnh về lễ hội Tịch điền năm 2014.

 

Những chú trâu khoẻ mạnh được chọn cày trong lễ Tịch điền

 

Cụ cao niên ở Đọi Tam được nhập linh khí quân vương cày những sá cày đầu tiên

 

Lãnh đạo địa phương cày những đường cày thẳng tắp trong lễ Tịch điền 2014

 

Các thôn nữ trong làng gieo những hạt giống đầu tiên trên ruộng Tịch điền.

 

Bài, ảnh: Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN