Lễ khai ấn và phát lương đền Trần năm 2011: Vẫn còn nhiều chuyện phiền lòng

Theo quan sát của phóng viên tại Lễ khai ấn đền Trần (Nam Định), tuy không ghi nhận trường hợp nào bị chết do xô đẩy, dẫm đạp nhưng năm nay vẫn nhiều chuyện lình xình xung quanh cách thức tổ chức lễ hội có truyền thống lâu đời này.

"Trận chiến" giành ấn

23 giờ 30 ngày 16/2/2011 (tức đêm 14 tháng giêng âm lịch), lễ khai ấn đền Trần mới bắt đầu, nhưng ngay từ chiều hôm ấy, du khách từ khắp nơi đã đổ về Nam Định. Các nhà nghỉ, khách sạn khu vực quanh đền và trong thành phố đều hết phòng. Rút kinh nghiệm năm trước, lực lượng công an được tăng cường để kiểm soát tốt hơn trật tự an ninh. Việc mở thêm các bãi đỗ xe, trông gửi xe đã làm giảm nạn ùn tắc xe cộ.

Tuy nhiên, do lượng khách đổ về quá đông với tâm lý nhất định phải xin được ấn đã tạo nên sự hỗn loạn trước và trong lễ. Trước giờ khai ấn, dọc con đường dẫn vào đền Trần đã đông nghẹt người. Những du khách từ xa đến mệt mỏi nằm la liệt trên các ghế đá trong chùa Phổ Minh.

Tại khu vực lối vào chính giữa và phía Tây khu đền rất lộn xộn. Vào khoảng 21 giờ, trên đường Trần Thừa, đối diện với chùa Tháp, có hàng trăm tụ điểm đỏ đen, kiểu "tôm, cua, cá", "Chiếc nón kỳ diệu", "Vui chơi có thưởng" ngang nhiên hoạt động. Anh Trần Quốc Hải, Công an thành phố Nam Định, trực đảm bảo an ninh trật tự tại đền Trần cho biết, mặc dù đã tổ chức các tổ bảo vệ để dẹp những tụ điểm cờ bạc nhưng vẫn không thể kiểm soát nổi vì số lượng quá nhiều mà lực lượng bảo vệ thì ít.

Cũng theo anh Hải, các barie dùng để phân luồng du khách ra vào đền Trần đều bị người dân đẩy đổ. Thậm chí, nhiều người còn dùng giày dép ném vào lực lượng bảo vệ để cố chen vào đền. Lượng người quá đông tràn vào đền sau giờ khai ấn đã gây ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Nhiều người đã phải trèo lên cây, lên cột đèn để tránh dòng người đông nghẹt.

Trong cảnh hỗn loạn, các đối tượng móc túi, trộm cắp dễ dàng hoạt động. “Quá đông người. Rõ ràng biết có người móc mất điện thoại của mình nhưng không thể biết ai là thủ phạm giữa rừng người như vậy” - chị Nguyễn Thị Thu Trang (21 tuổi, Phú Thọ) buồn bã. Cũng như tại các lễ hội khác, trước cổng chùa và dọc đường dẫn vào đền, những người ăn xin, hành khất nằm la liệt.

Bà Đỗ Thị Lý, một người dân địa phương bán vàng hương trong chùa Phổ Minh, cho biết: “Đa phần những người ăn xin là đóng giả. Họ là những người dân sống xung quanh khu vực này, lợi dụng lễ hội để kiếm tiền”.

Người dân chen nhau xin túi lương.

Lễ khai ấn là một tập tục từ thế kỷ XIII (chính xác là vào năm 1239) của triều đại nhà Trần. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên- Mông sau đó, Lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại. Theo Lehoivietnam.gov.vn

Khoảng 22 giờ, sau một hồi xô lấn, chen đẩy khủng khiếp, từng chốt một dần dần mất kiểm soát trong sự bất lực hoàn toàn của lực lượng an ninh. Đám đông lao vào "tấn công" các chốt, làn sóng người dồn dập dâng từng đợt khiến các hàng rào sắt kiên cố gãy vụn, cong queo. Chốt chặn nằm gần ngã 3 đền Trần chỉ "đứng vững" sau khoảng 10 phút. Nhiều du khách đã phải "phi thân" xuống đám ruộng ẩm ướt để lánh nạn. Nhiều người bị ngã dúi dụi do đất bùn trơn trượt. Quá sợ hãi, một số du khách rủ nhau quay về...

Tại chốt chặn cuối cùng có sự tập trung đông đảo của lực lượng dân phòng và cảnh sát, một đám đông tập trung hò hét, cổ vũ cho khoảng một chục thanh niên đang thoăn thoắt leo và di chuyển trên các nóc lều hòng vượt qua chốt chặn này. Tại đây tiếp tục diễn ra tình trạng xô đẩy kinh hoàng.

Hàng chục người đã phải cố gắng bấu víu lấy bất kể thứ gì gần đó như cột điện và các bụi hoa ngâu. .. để có thể trụ vững trước làn sóng người mỗi lúc một dồn dập từ phía sau và hai bên. Đúng 23 giờ 30, giờ khai ấn, thì cũng là lúc chốt chặn cuối cùng này cũng không còn trụ vững. Đám đông nhanh chóng lao vào khuôn viên đền Trần và bao vây các bàn phát ấn.

Một trong 7 chiếc xe chở đại biểu có thẻ đỏ đã không kịp thoát ra và bị mắc kẹt giữa biển người. Tiếng loa của Ban tổ chức kêu gọi mọi người bình tĩnh lạc lõng giữa dòng người vẫn tiếp tục đổ về đền Trần như thác cuốn. Phải khoảng một tiếng sau, trật tự mới tạm được vãn hồi...

Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù ấn được phát tại nhiều địa điểm và số lượng nhiều hơn năm ngoái nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của quá đông du khách. Nắm bắt được tâm lý nhất định phải xin được ấn của khách thập phương, nhiều đối tượng đã bán ấn giả để trục lợi. Bác Lã Minh Ngọc (51 tuổi, Thái Nguyên) nói: “ Vì không đủ sức chen vào để xin ấn trong đền, tôi buộc phải mua ấn ở ngoài với giá 30.000 đồng 1 ấn mà không rõ đó có phải là ấn thật hay không?”.

Quá tải để xin túi “lộc”

Đây là lần thứ 2, huyện Lý Nhân (Hà Nam) tổ chức “Lễ phát lương Đức thánh Trần” xuân Tân Mão với quy mô lớn diễn ra tối ngày 14 và rạng sáng ngày 15 tháng giêng âm lịch (tức ngày 16 - 17/2) tại đền Trần Thương (xã Nhân Đạo, Lý Nhân, Hà Nam).

Rút kinh nghiệm về tình trạng xô bồ năm trước, năm nay, BTC đã tổ chức xiết chặt công tác tổ chức với việc phong tỏa đường vào từ xa, dựng hàng rào chắn kiên cố. Theo thông báo của BTC, để đảm bảo an ninh trật tự, tỉnh Hà Nam đã huy động 500 công an, lực lượng quân sự bảo vệ chốt tại các điểm giao thông quan trọng xung quanh khu vực đền. Chỉ có những người đeo thẻ đỏ của BTC mới được vào bên trong khu vực đền.

Ông Trương Minh Hiến, Bí thư huyện ủy huyện Lý Nhân, trưởng BTC lễ hội cho biết, công tác đảm bảo an toàn trong lễ hội được coi trọng nên năm nay có 15 điểm phát lương; trong đó có 14 điểm phát ngoài cổng đền và một điểm trong đền dành cho các đại biểu tham dự. Số lượng túi lương cũng tăng lên hơn 50.000 để đảm bảo ai đến lễ hội cũng có “lộc”.

Ngay từ chiều 14 tháng giêng, lượng người đổ về khá lớn khi BTC tiến hành lễ rước lương thảo từ kho vào trong đền để làm lễ. Chính vì vậy từ hơn 16 giờ chiều, lực lượng bảo vệ đã đề nghị những ai không có nhiệm vụ và thẻ ra vào ra ngoài khu vực đền để đảm bảo an ninh trật tự. Đến 21 giờ, khi nghi lễ được bắt đầu thì việc ra vào hoàn toàn bị cấm.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn vào được khu đền bằng cổng hậu nên sau khi hành lễ xong, đến giờ Tý (23 giờ), nhiều người thiếu ý thức đã đổ xô vào cửa đền xin lộc, đợi phát túi lương khiến BTC phải quyết định đóng cửa đền. Việc phát lương chỉ diễn ra ở 14 điểm ngoài đền để đảm bảo trật tự. Do lượng người đổ về quá đông nên chỉ đến 0 giờ 30 ngày 15 tháng giêng, các điểm phát này đều thông báo hết túi lương.

Đền Trần Thương là 1 trong 3 ngôi đền lớn của cả nước thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Lễ hội phát lương đền Trần Thương xuất phát từ sự tích Hưng Đạo Vương đặt ở đây 6 kho lương thực với đội quân thường xuyên canh gác để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai (1285). Địa điểm đền Trần Thương hiện nay là kho lương chính. Theo BTC, lễ hội nhằm tôn vinh giá trị lịch sử của địa danh được coi là kho lương thời Trần.

Nhóm phóng viên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN