Hà Nội:

'Lập lờ' phí trông xe

Hình ảnh những chiếc xe máy, ô tô để ngang dọc trên vỉa hè, lòng đường Hà Nội không còn lạ lẫm trong tâm trí mỗi người dân. Đặc biệt, mặc dù Sở Tài chính đã ban hành mức phí trông giữ xe, đồng thời tăng cường kiểm tra việc chấp hành lệ phí tại các điểm, nhưng nhiều nơi vẫn diễn ra tình trạng “loạn” mức phí này khiến gây bức xúc cho người dân.

Theo quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, giá vé trông giữ xe tại các khu vực danh lam thắng cảnh, trường học, bệnh viện... ban ngày là 1.000 đồng/lượt và ban đêm là 2.000 đồng/lượt đối với xe đạp; phí trông xe máy vào ban ngày là 2.000 đồng/lượt còn ban đêm là 3.000 đồng/lượt; mức phí ôtô ban ngày khoảng 10.000 đồng/lượt, 20.000 - 30.000đồng/giờ, buổi tối giá còn cao hơn (tùy theo từng nơi).



Điểm trông giữ xe trên đường Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN.



Thế nhưng, qua khảo sát một số điểm trông giữ xe tại nhiều khu vực trên địa bàn, dù có phép hay trái phép vẫn thu cao hơn giá quy định của nhà nước. Cụ thể, tại bệnh viện Bạch Mai, nhân viên trông xe thu phí mỗi xe máy 3.000 đồng vào ban ngày, còn ban đêm thu từ 5.000 đồng trở lên.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại bệnh viện Xanh Pôn, mức phí đối với xe máy là 5.000 đồng vào ban ngày nhưng trên vé xe lại niêm yết giá là 2.000 đồng; tại khu vực chợ Hôm và chợ Đồng Xuân, trên mỗi vé gửi xe niêm yết mức giá là 2.000 đồng/xe máy nhưng khi thu tiền khách lại là 5.000 đồng, cao hơn gấp đôi so với giá ghi trên vé.

Hơn thế nữa, có những điểm trông xe, họ tự phát hành vé và tự thu phí, thậm chí thu cao gấp 15 lần so với mức phí quy định. Nhất là ở khu phố cổ, nơi tập trung rất nhiều người dân đi dạo vào buổi tối, mua sắm và ngắm phố phường, cũng là một thắng cảnh thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tới đây thăm quan. Xung quanh khu này có vài điểm trông giữ xe như phố Cầu Gỗ hay Đinh Liệt với mức giá “chặt chém” khiến nhiều người dân tỏ ra bức xúc.

Theo chị Hương Linh ở quận Ba Đình, ở khu vực phố cổ với ưu điểm là gần khu chợ Đêm, bờ hồ rất thuận tiện cho việc gửi xe và mức phí trông xe ít nhất cũng phải từ 5.000 đồng/lượt trở lên. Đây là mức có thể được cho là hợp lý ở ngay trung tâm Hà Nội, nhưng vào dịp lễ tết, cuối tuần mức phí trông giữ xe cao gấp 10 đến 15 lần so với quy định. Đây là một điều bất hợp lý nhưng người dân không biết kêu ai, chị Linh than thở.

Cùng chung bức xúc trên, chị Đặng Thu Ngân ở quận Hoàn Kiếm cho biết thêm, chị cùng bạn bè đi chợ đêm vào cuối tuần trước và gửi xe tại phố Đinh Liệt với mức giá 30.000 đồng/lượt đối với xe máy. Đây cũng là lần đầu tiên chị gửi xe với số tiền đắt đỏ như vậy trong khi những lần trước đây cao lắm cũng chỉ ở mức 10.000 đồng. Theo chị Ngân, giá thì đắt đỏ mà nhân viên cũng không quan tâm tới xe của khách ra sao. Khi khách đến, nhân viên trông xe săn đón, dắt xe cẩn thận, nhưng khi khách lấy xe ra về “mặc ai nấy lo”. Thậm chí, có khi xe của khách bị xước, hỏng hay vỡ đồ, nhân viên cũng vờ như không thấy hay không biết, còn đổ lỗi cho khách hàng.

Chứng kiến khách hàng thắc mắc xung quanh vấn đề này, một số nhân viên trông xe tại phố Đoàn Trần Nghiệp còn thẳng thừng trả lời “khách gửi xe rất đông, nếu người gửi cảm thấy không phù hợp thì họ có thể đi chỗ khác gửi, người này không gửi thì có người khác tới”. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Chiến, nhân viên một điểm trông xe tại khu phố cổ cho rằng: địa điểm gửi xe tại khu phố cổ nhỏ và hạn chế mà người dân gửi xe nhiều dẫn đến nhiều nơi trông xe phải thuê thêm nhân viên, “quây” thêm bãi nên phải tăng giá để bù đắp cho chi phí…

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, một trong những nguyên nhân của việc tăng giá trên là do phần lớn các điểm trông giữ xe trong bệnh viện, trường học, danh lam thắng cảnh... đã khoán hoặc đấu thầu cho các tổ chức, cá nhân với số tiền khá cao. Trong khi đó, các đơn vị lại thiếu sự quan tâm, giám sát, kiểm tra dẫn đến các tổ chức, cá nhân nhận khoán tự ý tăng mức thu phí cao hơn quy định. Một số điểm trông xe còn sử dụng cả hai loại vé là vé tự in và vé của cơ quan thuế phát hành, khi có đoàn kiểm tra đến thì họ sẽ sử dụng vé của cơ quan thuế để đối phó, khi đoàn đi họ lại sử dụng vé tự in, gây khó khăn cho việc xử lý sai phạm.

Vỉa hè ở Hà Nội có diện tích nhỏ hẹp nhưng những điểm trông xe trái phép vẫn cứ được dựng lên lấn chiếm hết lối đi của người dân. Hơn thế nữa, tại những phố nhỏ, đặc biệt là trên phố cổ, các điểm trông xe còn tràn xuống lòng đường làm cho phần đường dành cho các xe lưu thông thu hẹp, gây ra tình trạng tắc nghẽn. Gửi xe đã khó mà không gửi xe càng khó hơn vì người dân không biết đi gửi ở đâu. Các cơ quan chức năng nên đưa ra nhiều giải pháp và hành động thiết thực hơn nữa để giúp người dân giảm đi nỗi lo bị chặt chém mỗi khi thăm thú phố cổ.



TTXVN/ Tin Tức

Bát nháo trông giữ xe ở Hà Nội
Bát nháo trông giữ xe ở Hà Nội

Khi tôi thử đề nghị được gửi xe máy vào ban đêm với một cô bán nước ở đường Hàng Bạc thì được đồng ý ngay, với giá 20.000-30.000 đồng/xe và sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu cơ quan chức năng hỏi tới. Tuy nhiên, một cán bộ dân phòng khi đi tuần tra cho biết việc làm này hoàn toàn không được phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN