Qua kiểm tra thực tế, xét thấy bất bình thường, Cục Người có công đã yêu cầu tỉnh rà soát lại và chuyển đổi cho đúng chế độ, chính sách của Nhà nước.
Điều chỉnh đúng mức trợ cấp
Thực hiện chủ trương của Nhà nước, tỉnh Lào Cai đã lập hồ sơ, giải quyết chế độ cho 773 đối tượng hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH), trong đó có 25 đối tượng hưởng mức 1. Tuy nhiên, khi Nghị định số 54/2006/NĐ-CP được ban hành, Sở LĐTBXH tỉnh đã không thực hiện theo hướng dẫn, không điều chỉnh đối tượng hưởng trợ cấp theo mức tương ứng, mà tiến hành giới thiệu đối tượng ra Hội đồng giám định Y khoa của tỉnh. Trên cơ sở đó, Hội đồng giám định đã cộng gộp các bệnh thông thường không nằm trong giấy giới thiệu và các bệnh, tật được giám định không nằm trong danh mục liên quan đến phơi nhiễm CĐHH; kết quả là số người được hưởng trợ cấp mức 1 đã tăng lên 533 đối tượng.
Xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên (Lào Cai) chi trả trợ cấp cho người có công. |
Tuy nhiên, tháng 10/2013, Cục Người có công (Bộ LĐ - TBXH) đã có văn bản đánh giá việc lập hồ sơ giám định lại cho các đối tượng nói trên là không phù hợp với quy định pháp luật và làm tăng đột biến đối tượng hưởng trợ cấp mức 1. Cục Người có công yêu cầu tỉnh Lào Cai phải rà soát và chuyển hưởng trợ cấp lại cho các đối tượng lập hồ sơ theo Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg. Cụ thể, các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, không còn khả năng lao động xếp hưởng trợ cấp mức 1, đối tượng mắc bệnh do nhiễm CĐHH và chỉ bị suy giảm khả năng lao động thì xếp hưởng trợ cấp mức 2, từ đó làm căn cứ phiên chuyển hưởng trợ cấp theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP.
Ngày 17/1/2014, UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản số 214/UBND về việc triển khai rà soát thực hiện chuyển xếp hưởng trợ cấp cho các đối tượng HĐKC bị nhiễm CĐHH. Hội đồng Giám định Y khoa đã tiến hành rà soát bệnh tật các đối tượng, lập hồ sơ và đối chứng theo văn bản hướng dẫn của Cục Người có công. Kết quả, toàn tỉnh có 1 đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo và đủ điều kiện xếp hưởng trợ cấp mức 1 (suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên); 14 đối tượng hưởng trợ cấp mức 2 (suy giảm khả năng lao động từ 61 - 80%); 768 đối tượng chỉ sinh con dị dạng, dị tật được xếp hưởng trợ cấp mức 3 (suy giảm khả năng lao động từ 41 - 60%). Các đối tượng HĐKC bị nhiễm CĐHH dù bị điều chỉnh xuống mức thấp hơn, nhưng không bị truy thu tiền đã được hưởng trợ cấp trước kia.
Ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định: “Tỉnh Lào Cai điều chỉnh lại mức trợ cấp cho các đối tượng HĐKC bị nhiễm CĐHH khi thực hiện Nghị định 31/2013/NĐ-CP là đúng, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và tương đồng trong việc thực hiện chế độ, chính sách so với các địa phương trong cả nước. Các cơ quan chức năng Lào Cai đã làm hết trách nhiệm và đúng pháp luật, đảm bảo công bằng cho đối tượng thụ hưởng chính sách”. Tuy nhiên, theo ông Thể, việc điều chỉnh ảnh hưởng đến quyền lợi nên có một số người gửi đơn thư khiếu nại và kiến nghị, thắc mắc. Tỉnh Lào Cai đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ LĐTBXH, những người không đồng ý sẽ tiến hành giám định lại, để xác định mức suy giảm khả năng lao động do mắc các bệnh liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học làm cơ sở xếp mức hưởng trợ cấp. Tuy nhiên, các trường hợp có đơn thư khiếu nại, kiến nghị, thắc mắc đều không đi giám định lại, nhưng vẫn không dừng việc khiếu nại, kiến nghị.
Ông Bùi Sỹ Thu, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam điôxin tỉnh Lào Cai cũng nằm trong diện điều chỉnh hưởng trợ cấp nhiễm CĐHH mức 2 xuống mức 3. Ông Bùi Sỹ Thu cho biết: “Đa số đối tượng sau điều chỉnh đều đồng thuận, ủng hộ chủ trương, chính sách của Nhà nước. Một vài người không đồng ý, tuy đã được các cơ quan chức năng giải thích nhưng vẫn cố tình có đơn thư khiếu nại, kiến nghị”.
Kiểm điểm nghiêm túc
UBND tỉnh Lào Cai cho biết đã tổ chức kiểm điểm nghiêm túc đối với sở LĐTBXH và Hội đồng Giám định Y khoa do đã để xảy ra những thiếu sót trong công tác giám định người HĐKC bị nhiễm CĐHH từ 2007 - 2009. Tỉnh chỉ đạo sở, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan và UBND các cấp tăng cường công tác tuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật lĩnh vực Người có công để đối tượng nắm bắt, đồng thuận trong tổ chức thực hiện.
Tại các buổi đối thoại với những trường hợp không nhất trí điều chỉnh mức trợ cấp theo quy định, Sở LĐTBXH và Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Lào Cai đã nhận sai, xin lỗi trước dân. “Ngành LĐTBXH Lào Cai xin nhận khuyết điểm trước các đối tượng HĐKC bị nhiễm CĐHH, vì từ 2007 đến 2009 vận dụng chưa đúng trong việc giới thiệu đối tượng đi giám định, dẫn đến những bất đồng quan điểm điều chỉnh trợ cấp thời gian qua”, bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở LĐTBXH Lào Cai cho hay.
Ngày 25/3/2016, Ban Tiếp dân Trung ương, Cục Người có công cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND Lào Cai và các sở, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan, cùng trường hợp có đơn thư khiếu nại điều chỉnh trợ cấp cho người bị nhiễm CĐHH. Ban Tiếp dân Trung ương, Cục Người có công đã chỉ ra những sai sót của Sở LĐTBXH và Hội đồng Giám định Y khoa Lào Cai, cần nghiêm khắc kiểm điểm và khẳng định việc điều chỉnh mức trợ cấp cho người nhiễm CĐHH là đúng quy định pháp luật. Trường hợp nào không đồng ý với mức điều chỉnh trợ cấp, có nguyện vọng thì tỉnh Lào Cai tiến hành đưa về Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương để khám, giám định lại, đối chứng và làm căn cứ xếp hưởng trợ cấp... Ngày 13/10/2016, Bộ LĐTBXH tổ chức cuộc họp gồm: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND Lào Cai, Sở LĐTBXH Lào Cai. Nội dung cuộc họp nhất trí cao với báo cáo và cách giải quyết thấu tình, đạt lý của UBND tỉnh Lào Cai.
Theo bà Đinh Thị Hưng, khi phát hiện có những sai sót trong thực hiện chính sách, tỉnh Lào Cai đã sửa sai một cách nghiêm túc, triệt để. Việc điều chỉnh trợ cấp cho đối tượng người HĐKC bị nhiễm CĐHH ở Lào Cai trong thời gian vừa qua là phù hợp với quy định chính sách, pháp luật của các giai đoạn, đảm bảo sự công bằng, tương đồng trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với các đối tượng ở các địa phương khác trên toàn quốc.