Lan tỏa phong trào học tập và làm theo Bác ở vùng cao Sơn La

Năm năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tại tỉnh vùng cao Sơn La, đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, tự giác của hầu hết tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Chú thích ảnh
Chị Quàng Thị Nhính chăm sóc vườn xoài của gia đình. 

Qua đó, ở Sơn La đã xuất hiện nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có sức thuyết phục cao và lan tỏa trong đời sống, xã hội.  

Làm kinh tế giỏi, giúp đỡ chị em thoát nghèo 

Những năm gần đây, phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc đã có sức lan tỏa và phát triển sâu rộng tại Sơn La. Với ý chí, khát vọng thay đổi cuộc sống không chỉ của gia đình, mà cả cộng đồng, họ đã trở thành những điển hình trong học tập và làm Bác. Chị Quàng Thị Nhính, dân tộc Thái ở bản Lứa B, xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu là một tấm gương tiêu biểu như vậy. 

Chị Quàng Thị Nhính không chỉ dám nghĩ, dám làm, năng động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, mà còn đoàn kết, gắn bó với hội viên phụ nữ, hàng xóm, giúp nhau trong học tập, lao động và tổ chức cuộc sống gia đình no ấm, hạnh phúc. Từ năm 2016 đến nay, chị Quàng Thị Nhính cùng gia đình đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất; đồng thời, thực hiện mô hình kinh doanh hàng tạp hóa, cung ứng vật tư nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chú thích ảnh
Chị Lò Thị Sao, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mường Khiêng trao Bằng khen "Phụ nữ tiêu biểu" của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho chị Quàng Thị Nhín.

Đặc biệt, tận dụng tiềm năng sẵn có của địa phương về đất đai, đồng cỏ tự nhiên thuận tiện cho việc chăn nuôi trâu, bò, dê, gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn đầu phát triển chăn nuôi đại gia súc. “Gia đình tôi khi mới bắt đầu khởi nghiệp làm mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò giống, bò thịt bằng phương pháp nuôi nhốt gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng được sự quan tâm động viên và giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và Hội Nông dân xã, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư nuôi 5 con bò giống và 5 con trâu; trồng 5.000 m2 vườn cỏ; 1 ha vườn chuối; 3 ha trồng cây xoài và trồng sắn lai, cà phê; 2.000 m2 ao nuôi cá thịt”, chị Quàng Thị Nhính tâm sự. 

Chị Quàng Thị Nhính cũng chia sẻ, chị đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi bò từ các xã, cơ sở có thế mạnh trong tỉnh nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nhất là chăn nuôi bò nhốt. Chăn nuôi bò nhốt thuận lợi chống được bệnh tật do lây nhiễm từ các đàn khác. Bò được theo dõi và tiêm phòng định kỳ. Tận dụng được nguồn phân để chăm sóc cho các loại cây khác và đặc biệt là cỏ để nuôi chúng. Không chỉ tích lũy vốn kinh nghiệm cho bản thân, chị còn chủ động hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ gia đình ở địa phương.

Vượt qua những khó khăn khi triển khai các mô hình sản xuất, nhờ chăm chỉ, chịu khó, tích cực học hỏi kinh nghiệm và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên vườn cây, ao cá của gia đình chị Quàng Thị Nhính luôn đạt năng suất, sản lượng cao. Tổng thu nhập của gia đình chị từ chăn nuôi, các loại cây ăn quả, dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp và kinh doanh hàng tạp hóa được hơn 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 700 triệu đồng. 

Có nguồn thu nhập trên, gia đình chị đã giúp đỡ 5 hộ việc làm ổn định và giúp họ cải thiện đời sống; đầu tư cho 4 hộ nghèo nuôi 4 con bò sinh sản để giúp họ có thêm thu nhập; cho 15 hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế với lãi xuất thấp 0.1%. Ngoài ra, chị còn góp quỹ để cho các hội viên vay làm kinh tế thoát nghèo thành hộ khá. 

Cùng với đó, thực hiện sự phân công của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, hàng năm, gia đình chị nhận hỗ trợ, giúp đỡ trên 60 hộ hội viên nghèo cung ứng vật tư nông nghiệp trả chậm gần 200 tấn phân bón các loại; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất để giúp những hộ hội viên nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo và cùng biết làm giàu. Gia đình chị Tòng Thị Linh ở bản Lứa B, xã Mường Khiêng là một trong những hộ được hỗ trợ để thoát nghèo.  

Chị Tòng Thị Linh cho biết, gia đình chị có hoàn cảnh khó khăn được chị Quàng Thị Nhính hỗ trợ một cặp bò nuôi rẽ và hướng dẫn cách chăm sóc bò, trồng cỏ voi. Giờ đây, gia đình chị đã thoát nghèo, các con được học hành đầy đủ.   

Cuộc sống của những gia đình nghèo được chị Quàng Thị Nhính hỗ trợ đã có những thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã thoát được nghèo. Tuy nhiên ý nghĩa hơn cả đó là tấm lòng, sự sẻ chia với cộng đồng của chị Quàng Thị Nhính. Chị Tòng Thị Thuận ở bản Lứa B, xã Mường Khiêng cho hay, cách đây mấy năm, gia đình chị thuộc hộ rất khó khăn, đã được chị Quàng Thị Nhính tạo điều kiện cho nuôi rẽ con trâu, giờ nó đã thành một tài sản lớn của gia đình.  

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mường Khiêng Lò Văn Thoa thông tin, việc học tập và làm Bác được cấp ủy xã triển khai sâu rộng tới các tổ chức chính trị-xã hội, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ và được các hội viên phụ nữ tích cực hưởng ứng. Nổi bật là mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Quàng Thị Nhính ở bản Lứa B được nhiều hộ đến học tập và làm theo.   

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mường Khiêng Lò Thị Sao cho biết thêm, hội viên Quàng Thị Nhính không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn nhiệt tình giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó, đến nay nhiều hội viên phụ nữ ở địa phương đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. 

Những việc làm đầy nghĩa tình của chị Quàng Thị Nhính không chỉ mang lại niềm hy vọng cho các hộ nghèo mà còn tạo nên sức sống mới nơi vùng cao Mường Khiêng còn nhiều gian khó.

Sẻ chia vì cộng đồng

Học tập và làm theo Bác để xây dựng gia đình, địa phương đổi mới là một trong những việc làm thiết thực mà nhiều cán bộ, đảng viên, người dân tại Sơn La đang thực hiện tốt trong nhiều năm qua. Ông Lò Văn Phới, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, người đã hiến số đất trị giá hàng tỉ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông và trường học là một người đảng viên tâm huyết, trách nhiệm như thế.

Chú thích ảnh
 Ông Lò Văn Phới (giữa), Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Chiến huyện Mường La, tỉnh Sơn La trò chuyện với lãnh đạo xã và Hiệu trưởng Trường Mầm non xã về việc hiến tặng đất. 

Đưa ra quyết định hiến đất là điều không dễ dàng đối với bất cứ gia đình hay cá nhân nào, nhất là hiện nay đất được ví như “tấc đất, tấc vàng”. Thế nhưng, với ông Lò Văn Phới được hiến đất vì cộng đồng là sự sẻ chia hạnh phúc. 

Ngọc Chiến là xã vùng III của huyện Mường La, kết cấu hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn. Xác định phải mở rộng đường giao thông để thông thương và phát triển kinh tế ở xã khó khăn như Ngọc Chiến, chủ trương vận động người dân hiến đất làm đường đã được cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai sâu rộng. Nhờ sự cống hiến của những người như ông Lò Văn Phới, tuyến đường trung tâm xã thay vì chỉ rộng chừng 3 m vừa cho một ô tô chạy, nay 2-3 ô tô có thể tránh nhau dễ dàng. Ông Lò Văn Phới cũng là đảng viên hiến đất đầu tiên và nhiều nhất tại xã Ngọc Chiến. 

Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến Bùi Tiến Sỹ thông tin, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lò Văn Phới là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và luôn thể hiện tính tiên phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, ông Lò Văn Phới luôn đi đầu trong việc hiến đất, mở đường và đã hiến một diện tích đất rất lớn. Ông Lò Văn Phới chính là một nhân tố quyết định và đóng góp vào thành công rất lớn của việc thực hiện chủ trương vận động nhân dân hiến đất mở đường ở Ngọc Chiến. 

Chú thích ảnh
Tuyến đường trung tâm xã được ông Lò Văn Phới, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La hiến đất để mở rộng. 

Tuyến đường trung tâm xã Ngọc Chiến được gia đình ông Lò Văn Phới tự nguyện hiến làm đường với tổng cộng hơn 800 m2, tính theo đơn giá nhà nước nếu phải đền bù là khoảng 1,6 tỷ đồng. Đối với một gia đình ở địa bàn còn khó khăn như xã Ngọc Chiến, đây thực sự là số tiền rất lớn. Không chỉ ở tuyến đường trung tâm xã, gia đình ông Lò Văn Phới còn hiến đất ở một số tuyến đường dân sinh vào bản để người dân đi lại thuận tiện. Đặc biệt, gia đình ông Lò Văn Phới đã hiến tặng Trường Mầm non xã Ngọc Chiến hơn 2.000 m2 đất, để các cháu có chỗ học hành, vui chơi rộng rãi.

Cô giáo Quàng Thị Doan, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Ngọc Chiến chia sẻ, nhờ gia đình ông Lò Văn Phới hiến đất, nhà trường mới có diện tích để xây dựng cơ sở vật chất. Trước đây, nhà trường chỉ có một phòng học, nay đã được đầu tư xây dựng thêm ba phòng học và hai phòng ban giám hiệu. Cơ sở vật chất nhà trường hiện nay, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của việc dạy và học. 

Hy sinh lợi ích riêng để hướng về cộng đồng, làng bản, đó là những việc làm thiết thực mà ông Lò Văn Phới đã thực hiện trong nhiều năm qua. Hàng nghìn mét vuông đất để làm đường giao thông và xây dựng Trường Mầm non xã Ngọc Chiến được gia đình ông Lò Văn Phới hiến tặng đã minh chứng cho sự lan tỏa việc học tập và làm theo Bác.

Chú thích ảnh
Ông Lò Văn Phới (không đội mũ), Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La cùng gia đình xây tường bằng đá để tạo sự thông thoáng, đẹp mắt.  

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Chiến Lò Văn Phới tâm sự, ông may mắn hơn người khác là có nhiều đất do trước kia lao động miệt mài có được nên mới chia sẻ cùng cộng đồng. Đặc biệt, trong suy nghĩ, mình là cán bộ, đảng viên, nên ông luôn gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cùng với việc hiến tặng hàng nghìn mét vuông đất, trên cương vị Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Chiến, ông Lò Văn Phới đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, thực hiện mô hình sản xuất. Nhờ đó, những năm gần đây, gia đình ông luôn có tổng thu nhập từ chăn nuôi, thủy sản, ươm cây giống, các loại cây ăn quả và dịch vụ cung cấp phân bón khoảng 700 triệu đồng, trừ chi phí còn lại 500 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập đó, gia đình ông đã giúp đỡ hơn 50 lao động có việc làm ổn định và giúp họ cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu…

Chú thích ảnh
Tuyến đường trung tâm xã được ông Lò Văn Phới, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La hiến đất để mở rộng. 

Những tấm Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành tặng chị Quàng Thị Nhính và ông Lò Văn Phới là sự ghi nhận đáng tự hào về những đóng góp, sự sẻ chia của họ với cộng đồng, làng bản. Đặc biệt, họ còn là hai trong ba cá nhân tiêu biểu đã được tỉnh Sơn La trình Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tin, ảnh: Nguyễn Cường (TTXVN)
Đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, tự giác
Đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, tự giác

Ngày 14/5, Thành ủy Cần Thơ tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN