Kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2011)

Lần đầu ra với huyện đảo Trường Sa thân yêu

Tàu đưa chúng tôi ra Trường Sa là tàu HQ 957, một tàu cứu hộ của Lữ đoàn 125 Hải quân. Trước khi rời cảng, lãnh đạo Lữ đoàn 125 Hải quân đích thân ra tiễn, những cái vẫy tay chào nhau làm chúng tôi xúc động.


Cảm giác thật lạ, tôi như một chiến sĩ chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. Tàu theo sông Sài Gòn ra cửa biển Vũng Tàu. Đến biển, sóng và gió lồng lộng, thỉnh thoảng những cơn sóng lớn hắt cả nước biển vào mặt, mặn chát.


 Nhiều thành viên trong đoàn đã bị say sóng nên trong bữa cơm chiều khá nhiều người vắng mặt. Một chị trong Đoàn chèo Nam Định lên nhà ăn, xin nhận mấy suất cơm xuống phòng, vì đa số chị em đã không thể bước chân ra khỏi cửa. Họ đã bị sóng biển “hành hạ”.

Tuổi thơ trên đảo Trường Sa. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN


Theo lịch trình, tàu sẽ đến đảo Song Tử Tây vào buổi chiều. Các thành viên trên đoàn ai nấy đều tỏ ra háo hức, nên mới 2 giờ mọi người đã đổ ra boong phía trước mũi tàu, nhìn về phía trước. Những chú hải âu bay liệng theo con tàu báo hiệu chuyến hành trình gần đến đích đầu tiên.


Phía sau, những thùng hàng gửi ra đảo Song Tử Tây đã được các cán bộ chiến sĩ sắp xếp ngăn nắp. Ba giờ chiều, hình ảnh đầu tiên về Song Tử Tây đã xuất hiện với ngọn hải đăng nhô cao. Các anh chị em đi trong tốp đầu đã mặc áo phao, ai nấy đều hào hứng lên đảo. Anh Tùng, một diễn viên Đoàn chèo Nam Định tâm sự: “Được đặt chân đến quần đảo Trường Sa quả là vinh dự lớn trong đời mình. Mặc dù gần 3 ngày ròng rã chúng tôi đã thấm mệt.


Nhưng vì các cán bộ chiến sĩ trên đảo, chúng tôi sẽ cố gắng hết mình, biểu diễn phục vụ cho quân dân trên đảo”. Còn với riêng tôi, được ra Trường Sa dịp này đúng thời điểm các đảo long trọng tổ chức 36 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975- 29/4/2011), lòng cảm thấy sự thiêng liêng tăng thêm gấp bội.

Huyện đảo Trường Sa ngày càng đổi mới

Trời dần tối, xã đảo Song Tử Tây đã lên đèn, sáng rực cả vùng biển. Ở đảo, bất cứ đâu cũng thấy ánh điện chiếu sáng, nhờ hệ thống đèn điện dùng năng lượng mặt trời. Ngoài hệ thống pin mặt trời lắp đặt trên mái nhà, xã đảo còn có hàng chục máy phát điện sử dụng năng lượng gió.


Anh Hồ Dượng - một người dân, cho biết: “Trước kia chúng tôi dùng điện mỗi ngày 4 - 6 tiếng. Nhờ triển khai lắp đặt hệ thống điện gió và mặt trời từ năm 2009 nên dân xã đảo đã có điện dùng 24/24 giờ. Chúng tôi có thể xem tivi cập nhật thông tin hàng ngày, chạy tủ lạnh bảo quản thức ăn, bơm nước ngọt…,nhiều nơi còn thừa điện”. Khi đến thăm đảo Sinh Tồn Đông, Thượng úy Nguyễn Văn Trúc, Trạm trưởng nguồn điện, phụ trách năng lượng sạch nơi đây cho biết: Hiện đảo chỉ dùng khoảng 1/3 sản lượng điện có được. Điện ổn định không những làm tinh thần các các bộ chiến sĩ phấn chấn mà công tác bảo đảm an ninh trên đảo cũng ngày càng tốt hơn.

Không chỉ có năng lượng sạch, huyện đảo Trường Sa còn được sử dụng điện thoại và Internet qua hệ thống viễn thông của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel. Mỗi đảo, mỗi nhà giàn là một trạm viễn thông.


Cán bộ, chiến sĩ nhờ vậy dễ dàng liên lạc với gia đình, người thân. “Qua rồi cái thời sóng di động còn yếu, các chiến sĩ ở đảo Sinh Tồn Đông phải đóng đinh ở cây, sau khi nhắn tin xong treo điện thoại ở đó đi làm việc, mãi khi làm xong việc mới nhận được tin nhắn hồi đáp”- một cán bộ đảo Sinh Tồn Đông chia sẻ. Còn khách như chúng tôi, mỗi lần đến gần các đảo, nhà giàn của huyện đảo Trường Sa, chúng tôi luôn kháo nhau “Có sóng điện thoại, tranh thủ gọi điện, kể về Trường Sa cho gia đình nào!”.

Sau chặng dài thăm các đảo Sinh Tồn Đông, Nam Yết... chúng tôi đến với thị trấn Trường Sa (nằm trên đảo Trường Sa Lớn). Thị trấn phủ một màu xanh cây cối. Bất chấp sóng gió của biển khơi, những cây Phong ba vẫn sừng sững, những cây Bàng vuông xoãi tán lá rộng, những cây phi lao cao vút.

Thị trấn Trường Sa có 4 lớp học: Mẫu giáo, lớp 1, lớp 2 và lớp 4. Đặc biệt các em lớp 4 còn được học thêm môn tin học. Em Võ Viết Hiền, 10 tuổi cho biết: “Cháu thích nhất học toán và tin học. Cháu có thể gõ thành thạo trên máy tính đó chú”. Bật máy vi tính lên cho Hiền có cơ hội “khoe” sự thành thạo của mình, ông Biện Văn Quáng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: “Trong những năm qua UBND thị trấn Trường Sa luôn quan tâm đến việc học tập của các em. Không những đào tạo các em học tập đúng theo chương trình giáo dục mà UBND còn chỉ đạo bồi dưỡng thêm một số môn như nhạc, họa, vi tính… để các em dễ dàng hòa nhập với các bạn cùng trang lứa khi các em theo học ở các bậc học cao hơn”.

Ở thị trấn Trường Sa, chúng tôi đến dâng hương tại bàn thờ Bác Hồ kính yêu ở Nhà Tưởng niệm Bác do tỉnh Nghệ An đầu tư kinh phí xây dựng. Thị trấn còn có nhà khách Thủ đô do nhân dân thành phố Hà Nội đầu tư xây tặng cho quân dân huyện đảo Trường Sa; một số công trình khác như chùa, tượng đài liệt sĩ…, tất cả như khẳng định Trường Sa có một vị trí thật đặc biệt đối với không chỉ Thủ đô Hà Nội, tỉnh Nghệ An mà còn nhiều địa phương khác và của cả nước.

Những chiến sĩ vì Trường Sa thân yêu

Quanh năm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, luôn đối mặt với sóng gió, bão tố, nên những cán bộ, chiến sĩ cần lắm những tình cảm của đất liền, của nhân dân cả nước. Khi đến một nhà dàn cụm Tư Chính (Trạm kinh tế, khoa học, dịch vụ Tư Chính, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tàu chúng tôi gặp sóng to cấp 5-6, nên không thể tiếp cận nhà dàn. Các nghệ sĩ, ca sĩ đoàn nghệ thuật Nam Định đã phải hát cho các cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn qua bộ đàm.


Chứng kiến cảnh Thiếu tá Nguyễn Văn Thọ - Trưởng đảo Sinh Tồn Đông vẫn với sự nồng nhiệt, mời đoàn ăn sáng trước khi rời đảo tiếp tục chuyến hành trình, hay hình ảnh người chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông không ngủ vì mang điện thoại chăm chú xem hình buổi giao lưu văn nghệ mà anh tự ghi lại, lòng tôi trào lên thật nhiều cảm xúc... Những cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông cũng thế, nghe tin đoàn ghé thăm đảo, họ đều đã háo hức, mong đợi từ nhiều ngày trước.

Hệ thống cột điện gió trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: Văn Sơn – TTXVN

Với các cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo Tổ quốc, tình cảm từ đất liền là điều quý giá nhất. Khi khoe tấm chân dung người vợ mới cưới, chiến sĩ trẻ Trần Vũ Ngọc Anh ở đảo Sinh Tồn Đông cho biết: Vừa cưới xong anh đã nhập ngũ, đến giờ vợ đã sinh con mà chưa được thấy mặt con. Nhưng vì nhiệm vụ với Tổ quốc anh đành nén tình cảm đó chờ ngày về đất liền.


Tương tự Ngọc Anh là Thiếu úy Phan Văn Toàn, khẩu đội trưởng ĐKZ, đảo Len Đao. Vừa cưới vợ được một tuần thì anh lên đường ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Anh Toàn nhờ chúng tôi chụp một bức ảnh gửi về cho vợ mình là chị Nguyễn Thị Bích Phú, đang dạy ở trường THPT Tôn Đức Thắng, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) để chị an tâm vì anh vẫn vững vàng nơi sóng gió.

Quân và dân Trường Sa đang ngày đêm gìn giữ, bảo vệ vững chắc vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chuẩn Đô đốc Phạm Ngọc Chấn, Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân chủng Hải quân đã phát biểu tại Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ ở đảo Trường Sa: “Anh linh những đồng đội ưu tú đã đi xa sẽ tiếp thêm cho chúng tôi tâm huyết, sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để tới bến vinh quang.


Kính mong các anh yên nghỉ an lòng nơi cõi vĩnh hằng, để bóng hình hòa vào sóng nước, phù độ cho thế hệ hôm nay và mai sau mãi giữ yên biển trời; giữ vững Trường Sa thân yêu của Tổ quốc”.

Quang Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN