Lần đầu công bố Báo cáo Quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch

Sáng 25/4, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) đã công bố Báo cáo Quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch đầu tiên, nhấn mạnh việc xây dựng hệ thống quản trị dựa trên dữ liệu.

Báo cáo cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong đăng ký khai sinh, trong đó tỷ lệ khai sinh đúng hạn (trong vòng 60 ngày tính từ lúc sinh ra) tăng đều qua từng năm và đạt 84,9% vào năm 2024. Tuy nhiên, tình trạng đăng ký khai sinh muộn vẫn còn phổ biến ở một số nhóm dân tộc thiểu số, lên tới 56%.

Tương tự như khai sinh, số trường hợp đăng ký khai tử đúng hạn (trong vòng 15 ngày sau khi mất) chiếm tỷ trọng cao đạt 69,3% vào năm 2024, tuy nhiên tình trạng khai tử muộn vẫn phổ biến ở các vùng dân tộc thiểu số, có dân tộc lên tới gần 80%.

Báo cáo cũng đưa ra các phát hiện quan trọng về xu hướng sinh, tử và kết hôn. Tổng tỷ suất sinh đang giảm, thấp hơn mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ. Trong khi đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn tồn tại, kéo dài trong nhiều năm vượt xa mức cân bằng là 104-106 bé trai/100 bé gái. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các tỉnh khu vực phía Bắc, điển hình là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang.

Chú thích ảnh
Lần đầu công bố Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch.

Theo báo cáo, tuổi trung bình khi sinh con của phụ nữ đang có xu hướng tăng dần. Có sự khác biệt lớn về tuổi trung bình khi sinh con của người mẹ chia theo dân tộc của mẹ. Phụ nữ dân tộc Hoa và dân tộc Kinh có tuổi trung bình khi sinh con cao nhất, lần lượt là 29,9 tuổi và 29,4 tuổi, cao hơn từ 6 đến 7 tuổi so với phụ nữ ở nhiều dân tộc khác như: La Ha (23,2 tuổi), Cơ Lao (23,3 tuổi), La Hủ (23,7 tuổi), Hrê (23,8 tuổi), Xinh Mun (23,9 tuổi)...

Về tử vong, tuổi chết trung bình của dân số Việt Nam giai đoạn 2021-2024 là 69,5 tuổi và có sự chênh lệch lớn về giới, tuổi chết trung bình ở nam giới là 64,6 tuổi và nữ giới là 75,6 tuổi. Phần lớn các ca tử vong năm 2024 là do bệnh tật hoặc tuổi già (chiếm 95,2% tổng số ca tử vong được ghi nhận). Đặc biệt, trên ba phần tư số ca tử vong do tai nạn giao thông và tự tử là nam giới.

Trong thời gian tới, Báo cáo khuyến nghị tiếp tục đầu tư nâng cấp công nghệ cho hệ thống đăng ký hộ tịch điện tử quốc gia, tăng cường tập huấn cho cán bộ đăng ký cơ sở và đẩy mạnh tiếp cận tới các nhóm yếu thế. Việc tích hợp sâu hơn với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số, y tế và giáo dục cũng là điều cần thiết để phát huy tối đa lợi ích của dữ liệu hộ tịch.

Cục trưởng Cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, báo cáo cho thấy vẫn còn sự chênh lệch giữa các nhóm dân tộc và vùng miền trong công tác đăng ký hộ tịch. Tuy vậy, các kết quả phân tích cũng đồng thời khẳng định rằng đầu tư của Chính phủ vào chuyển đổi số trong hệ thống đăng ký hộ tịch đang mang lại hiệu quả. Trong thời gian tới, việc nâng cao tính kịp thời và độ chính xác của dữ liệu sẽ là yếu tố then chốt để mọi người đều được phản ánh trong hệ thống dữ liệu, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Thế Đoàn/Báo Tin tức và Dân tộc
Khoác 'áo giáp sắt' cho cây quý hiếm sau khi hạ rào công viên
Khoác 'áo giáp sắt' cho cây quý hiếm sau khi hạ rào công viên

Sau chủ trương hạ rào công viên ở Hà Nội, vấn đề bảo vệ những cây xanh quý hiếm đang được thành phố chú trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN