Lâm Đồng thực hiện đợt cao điểm ra quân kiểm tra, truy quét khu vực có nguy cơ phá rừng

Trước tình trạng các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp có chiều hướng gia tăng trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương thực hiện đợt cao điểm ra quân kiểm tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ phá rừng để lấy gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép và kịp thời xử lý, ngăn chặn.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ phá rừng Pơ mu xảy ra vào tháng 4/2020 tại tiểu khu 1219, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông Bông, .(huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Tại văn bản số 4523/UBND-LN ngày 19/5/2020, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức ngay các đợt ra quân trong toàn lực lượng kiểm lâm, trên phạm vi toàn tỉnh để tuần tra, hỗ trợ các đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ phá rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm, sang nhượng đất lâm nghiệp trái pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Đồng thời, các lực lượng chức năng tiếp tục quản lý các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ theo đúng quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát việc giải tỏa, trồng lại rừng trên diện tích rừng bị phá, kiên quyết không để đối tượng vi phạm sử dụng, sang nhượng diện tích đất do phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Chủ tịch UBND 10 huyện và hai thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc tập trung thực hiện các biện pháp quyết liệt trong công tác chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương, đơn vị chủ rừng và UBND cấp xã thực hiện đợt cao điểm ra quân kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng. Ngành chức năng kiên quyết không để xảy ta tình trạng vi phạm; rà soát, tổ chức giải tỏa toàn bộ diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để tập trung trồng lại rừng trong mùa mưa 2020…

Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu người đứng đầu cơ quan, địa phương cấp dưới phải chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan cấp trên và phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tương xứng với quy mô, tính chất và mức độ vi phạm, nếu để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, canh tác, sử dụng diện tích do phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý…

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, gần đây, tại các tỉnh trong khu vực và giáp ranh với Lâm Đồng như: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Nam, Khánh Hòa… các vụ phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật với quy mô lớn liên tiếp xảy ra, diễn biến hết sức phức tạp. Địa bàn tỉnh Lâm Đồng tuy chưa xảy ra những vụ vi phạm tương tự, nhưng tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và lấn chiếm đất lâm nghiệp có chiều hướng gia tăng.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý và bảo vệ rừng. Trong những giải pháp đó, tỉnh bắt đầu thực hiện đợt cao điểm ra quân kiểm tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ phá rừng để lấy gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép và kịp thời xử lý, ngăn chặn…

Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Điều tra vụ mở đường để phá rừng giáp ranh tại Phú Yên
Điều tra vụ mở đường để phá rừng giáp ranh tại Phú Yên

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ mở đường để phá rừng tại khu vực giáp ranh giữa huyện Tây Hòa và Sông Hinh, sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên, để điều tra dấu hiệu phạm tội 'Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản'.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN