Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Anh hùng pháo thủ ĐKZ

Gặp anh hùng Điện Biên Trần Đình Hùng, ở thôn Dưới, xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, tuy đã bước sang tuổi 87 nhưng khi chúng tôi hỏi về chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, đôi mắt ông như sáng lên, những ngày tháng chiến đấu hào hùng như sống lại trong ông.

Sinh năm 1928, trong một gia đình nông dân nghèo, tháng 6/1950, Trần Đình Hùng trốn nhà đi nhập ngũ, được biên chế vào Binh chủng pháo binh thuộc Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 - Đại đoàn quân tiên phong lúc bấy giờ. Trước khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Trần Đình Hùng đã tham gia tất cả các chiến dịch lớn, nhỏ trong đội hình chiến đấu của đại đoàn ở Bắc Bộ như chiến dịch Cao – Bắc – Lạng, chiến dịch Biên Giới, chiến dịch Hà Nam Ninh, chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc, Thượng Lào…

Ở bất cứ chiến dịch nào, ông cũng luôn cùng đồng đội chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí, bất chấp mọi khó khăn kể cả chấp nhận hi sinh để bám giữ trận địa. Ông tâm sự: Chiến dịch nào cũng để lại cho ông nhiều kỷ niệm sâu sắc về tình đồng đội, tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân ta, nhưng đặc biệt sâu sắc nhất, ác liệt nhất và nhiều kỷ niệm nhất phải nhắc đến Điện Biên Phủ.

Đầu năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào thời kỳ ác liệt, Trung đoàn của Trần Đình Hùng được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm 206, một trong những cứ điểm quan trọng địch dùng để bảo vệ sân bay Mường Thanh. Ngày 15/4/1954, Trung đoàn 36 đã bao vây cứ điểm 206 bằng trận địa chiến hào. Khi các cứ điểm C1, D1, E… bị tiêu diệt, cứ điểm 206 trở thành vị trí trọng yếu ở phía Bắc trung tâm Mường Thanh. Quân ta tiến sát vào hàng rào địch, Trung đội ĐKZ do Trần Đình Hùng chỉ huy đã bắn liên tiếp sập nhiều ụ súng. Vào ban đêm, quân ta lại dùng súng cối nã vào trong cứ điểm 206 khiến quân địch hoang mang, lo sợ.

Trước tình hình đó, địch tập trung một tiểu đoàn, có máy bay và pháo binh yểm trợ tấn công lên trận địa phòng ngự của ta nhằm san lấp và phá vỡ hào giao thông. Quân địch đông, trong khi đó trận địa phòng ngự của ta lúc này chỉ có một khẩu ĐKZ và một tiểu đội bộ binh gồm 20 người. Trước tình hình đó, Trần Đình Hùng đã bình tĩnh, mưu trí, vừa động viên anh em củng cố lại cộng sự, vừa mạo hiểm đi vào các hầm hào, lô cốt của địch nhặt thêm được 40 quả lựu đạn về phân phát cho anh em tiếp tục chiến đấu với quyết tâm giữ vững trận địa. Việc làm đó của Trần Đình Hùng đã bước đầu củng cố lại được tư tưởng và tinh thần chiến đấu của anh em trong đơn vị.

Tuy nhiên, khi quân địch tiến lên, súng ĐKZ do Trần Đình Hùng phụ trách bị hỏng kính ngắm vì đạn pháo địch. Không nản chí, Trần Đình Hùng đã ngắm mục tiêu qua nòng súng, điều chỉnh hướng về quân địch và hô xạ thủ bắn. Ngay phát thứ nhất đã trúng đội hình địch. Quân địch bị thương vong nhưng vẫn tiếp tục tiến lên gần sát đội hình quân ta. Trần Đình Hùng chỉ huy anh em trong đơn vị bình tĩnh chiến đấu, đợi cho quân địch đến thật gần mới bắn, vừa sát thương được nhiều, vừa uy hiếp tinh thần địch. Quân địch nhiều lần xông lên, nhưng lần nào cũng bị đạn pháo ĐKZ của khẩu đội Trần Đình Hùng bắn trúng đội hình, buộc phải lùi ra xa. Biết không làm gì được, chúng gọi pháo bắn rất ác liệt vào trận địa khẩu đội.

Với tinh thần kiên trì chiến đấu, quyết tâm bảo vệ trận địa không cho quân địch san lấp hào giao thông dù phải hi sinh, không ngần ngại Trần Đình Hùng đặt nòng súng ĐKZ lên thành chiến hào tiếp tục bắn, giữ vững trận địa. Khẩu đội ĐKZ do Trần Đình Hùng chỉ huy đã tiêu diệt tại chỗ 40 tên địch, phá hủy một súng cối 81mm, bắn cháy một chiếc xe tăng, buộc quân địch phải rút lui, quân ta đã bảo vệ được trận địa chiến hào không cho địch chiếm phá. “Tuy bảo vệ được trận địa chiến hào nhưng anh em trong đơn vị bị thương vong gần hết, chỉ còn lại 4 người, vui mừng nhưng cũng đau xót lắm”, giọng người anh hùng trầm xuống, đôi mắt đượm buồn.

Đơn vị của Trần Đình Hùng giữ vững được chiến hào góp phần giúp Trung đoàn 36 ngày càng tiến sát cứ điểm địch. Đêm 22/4/1954, Trung đoàn 36 dùng những phân đội nhỏ đánh vào cứ điểm 206 chiếm một số lô cốt, quân ta nhanh chóng từ những đường hào ngầm xông lên, tiêu diệt nhanh gọn cứ điểm 206. Sau khi tiêu diệt cứ điểm 206, Trung đoàn của Trần Đình Hùng tiếp tục nhiệm vụ bao vây, chia cắt cứ điểm 311B.

Kể về trận đánh cứ điểm 311B, ông Trần Đình Hùng bồi hồi nhớ lại: “Đêm 4/5/1954 Trung đoàn 36 tấn công dồn dập cứ điểm 311B. Khi bộ đội ta bắt đầu tấn công chân súng ĐKZ bị hỏng, nòng súng bắn nhiều đã nóng bỏng. Tình thế khẩn cấp, tôi vội lấy mảnh vải bạt lót nòng súng vác lên vai, bò lên mặt hào để đồng đội nạp đạn bắn, tiêu diệt hỏa điểm và binh lính địch, chi viện cho xung kích tiến lên”.

Lúc gần diệt xong đồn, đang ngắm bắn một hỏa điểm, Trần Đình Hùng bị thương vào cánh tay nhưng vẫn cố gắng chịu đựng bắn diệt được hỏa điểm địch rồi mới đi băng bó. Hành động đó của Trần Đình Hùng được nêu gương và phát động toàn đơn vị học tập, góp phần cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân ta trong những trận tiếp theo.

Ông chia sẻ: “Trong quá trình chiến đấu, tôi bị thương tất cả 3 lần nhưng vẫn may mắn hơn nhiều đồng đội khác vì còn sống sót trở về với gia đình. Những lúc chiến đấu, tôi không sợ hi sinh, chỉ luôn nghĩ làm thế nào để tiêu diệt được địch và chi viện cho quân ta tiến lên”.


Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cùng Trung đoàn hành quân cấp tốc về Bắc Giang tiếp tục tham gia chiến dịch tiêu diệt địch ở Cầu Lồ, Đồi Ngô, Mẫu Sơn… dọc đường 13. Trong kháng chiến chống Mỹ, với vai trò Đại đội trưởng cao xạ, ông tham gia các chiến dịch lớn như Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào, chiến dịch Hồ Chí Minh. Đất nước thống nhất, ông tiếp tục phục vụ trong quân ngũ với vai trò Tham mưu phó Trung đoàn 36 và đến tháng 12/1974, ông về hưu với cấp bậc Đại úy. Trở về cuộc sống thường ngày, ông tiếp tục đóng góp sức mình cho quê hương, nhiều năm liền tham gia cấp ủy của xóm và là Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Cảnh Thụy.

Với những đóng góp của mình, ông Trần Đình Hùng đã được tặng thưởng 2 Huân chương chiến công hạng nhì, 1 Huân chương chiến công hạng ba, 4 lần được Trung đoàn, Đại đoàn khen thưởng. Đặc biệt ngày 7/5/1956, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Giờ đây, tuổi đã cao, sức đã yếu, hai vợ chồng người anh hùng Điện Biên năm xưa sống giản dị tại quê nhà với thú vui chăm sóc cây cảnh, nhưng mỗi lần nhắc tới những kỷ niệm hào hùng của một thời kỳ lịch sử, trên gương mặt người anh hùng vẫn không giấu được vẻ xúc động. "Mong muốn của tôi bây giờ là thế hệ trẻ hiểu được những hi sinh của cha ông để phấn đấu xây dựng đất nước theo đúng con đường mà thế hệ trước đã chọn", ông Trần Đình Hùng bày tỏ.


Đồng Thúy


Chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 năm Điện Biên Phủ

Năm 2014, tỉnh Điện Biên phấn đấu đón trên 400.000 lượt du khách, trong đó có trên 70.000 lượt khách quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN