Kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển: Gặp gỡ người thiết kế và đóng tàu không số

Vũ Thanh Bình tên thật là Võ Đình Thăng sinh năm 1930, quê Tịnh Kỳ, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi nhưng suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của ông và cho đến tận bây giờ khi mái đầu đã bạc lại luôn gắn bó rất sâu nặng nghĩa tình với mảnh đất Quảng Bình. Vốn là một ngư phủ nên năm xưa cũng chính nơi đây ông đã được Đảng và Nhà nước giao trọng trách thiết kế mẫu và đóng những con tàu không số đủ khả năng vượt qua sóng to, gió lớn chở vũ khí, cán bộ, chiến sĩ vào chi viện cho chiến trường miền Nam góp phần làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. 

Nhiệm vụ của người con xứ Quảng

Những con tàu không số đã làm nên huyền thoại.

Gặp ông vào những ngày đầu Thu tại nhà riêng ở xã Thanh Trạch, Bố Trạch. Dù đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm” nhưng trông ông còn rất khỏe mạnh. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng mà nhất là quãng thời gian ông được Đảng và Nhà nước giao thiết kế mẫu và tham gia đóng những con tàu không số tại cửa Roòn năm xưa. Chiêu vội ngụm trà nóng, với giọng Quảng “đặc sệt”, ánh mắt nhìn xa xăm chậm rãi ông kể cho chúng tôi nghe về thời gian hoạt động cách mạng thời niên thiếu của mình cũng như “cơ duyên” khiến ông gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất Quảng Bình đầy nắng và gió này: Năm 1946, lúc mới 16 tuổi ông đã xung phong tham gia vào lực lượng Thiếu sinh quân của chiến trường Nam Bộ. Năm 1957, do yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới mà cấp trên giao phó, ông cùng với một số cán bộ địa phương tạm biệt quê hương, gia đình tập kết ra Bắc và được điều về công tác ở Tập đoàn đánh cá Miền Nam ở thôn Thanh Khê ,Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.

Tháng 5/1959 ông được mời đi nghỉ mát ở Đồ Sơn (Hải Phòng), nói là đi nghỉ mát nhưng thực chất trong suốt thời gian hơn một tuần ở Hải Phòng ông được tổ chức bí mật giao nhiệm vụ thiết kế một số mẫu thuyền đánh cá của ngư dân vùng Trung Trung bộ như của Quảng Ngãi, Phú Yên thường hay sử dụng. Vốn từ nhỏ là người đã gắn bó với nghề sông nước, “làm bạn” với những con thuyền nên sau một thời gian ngắn được giao nhiệm vụ ông đã hoàn thành một trong 3 mẫu thuyền đánh cá của người dân Quảng Ngãi thời kỳ ấy thường sử dụng. Có mẫu thiết kế, ông và 3 thợ lành nghề của Quảng Bình, Nghệ An và Khu 5 do ông Nguyễn Văn Bàng xã Đức Trạch, Bố Trạch làm thợ cả bắt tay ngay vào công việc đóng tàu.

Nhớ lại quãng thời gian lịch sử đó ông kể: Lúc đó tôi được cấp trên giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý và theo dõi công việc cùng với anh em trong tổ đóng tàu tại một địa điểm bí mật ở ngay cạnh chân cầu Roòn (xã Cảnh Dương) nhưng không biết mình đang đóng những con tàu không số. Do yêu cầu tất cả phải được giữ bí mật nên ai làm bộ phận nào chỉ biết làm bộ phận đó nhưng chúng tôi cảm nhận được phần nào ý nghĩa đặc biệt của những con tàu này. Vì quá trình đóng tàu đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt khắt khe, công phu và tỷ mỷ . Ngoài việc bảo đảm chất lượng của con tàu thì vấn đề luôn luôn được đặt lên hàng đầu là làm thế nào để con tàu sau khi hoàn thành phải thật giống với với con thuyền đánh cá của ngư dân Trung Trung bộ. Để đạt được tiêu chí này, ngoài việc phải chọn lọc một số nguyên vật liệu sẵn có tại địa bàn tỉnh Quảng Bình, còn phải chọn một số nguyên vật liệu khác phù hợp với hình dáng con tàu theo kiểu Nam bộ. Gỗ đóng tàu phải dùng loại gỗ Sến, gỗ Chò Chỉ phải đưa từ Quảng Nam ra, dầu quét tàu để chống thấm phải dùng Dầu Rái loại dầu được đưa từ Quảng Ngãi ra hay như Lá Đậm dùng để làm buồm được mang từ Phú Yên ra... Tất cả những nguyên liệu đặc biết trên phải được bí mật vận chuyển để phục vụ cho việc đóng tàu theo đúng phong cách Nam bộ như đúng yêu cầu.

Một điều đặc biệt làm tôi rất lúng túng trong khâu thiết kế cho con tàu này vì nó có nhiều điểm “khác thường” so với những con tàu Trung Trung bộ khác như: Con tàu được làm hai đáy trong đó có một đáy được đóng sâu dưới hầm tàu và ngụy trang rất kín đáo để cất giấu vũ khí . Để thuận tiện trong việc có thể trà trộn vào các tàu cá của ngư dân miền Nam, vỏ tàu phải quét Dầu Rái, các thanh ngang trên tàu phải làm bằng loại gỗ tròn có nhiều lỗ được đục khoét tinh vi hoặc khoét rỗng bên trong nhằm cất giấu tài liệu...Với ý thức trách nhiệm cao nhất với tinh thần nhanh chóng khẩn trương an toàn bí mật, chúng tôi đã làm nên những con tàu không số đảm bảo những yêu cầu về kỹ thuật khắt khe theo đúng yêu cầu. Nhờ vậy, đến tháng 10/1959 hai chiếc tàu không số đầu tiên ở Quảng Bình có chiều dài 22m, chiều rộng 5m, chiều cao 2,5m với trọng tải 7 tấn đã được hoàn thiện xong bàn giao lại cho cấp trên tại đảo Hòn Nẹ (Nga Sơn, Thanh Hóa). 

Chiến sỹ tàu không số không khuất phục trước mọi cực hình tra tấn dã man của Mỹ ngụy

Cảng Gianh (Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) địa danh đã đi vào lịch sử, nơi đánh dấu sự ra đời của tuyến vận tải quân sự trên biển, hình thành nên đường Hồ Chí Minh trên biển lịch sử. C ách đây 51 năm về trước, vào đêm 27/1/1960 ( đúng vào dịp Tết Nguyên đán), chuyến tàu không số đầu tiên với 6 cán bộ và thuyền viên thuộc Tiểu đoàn vận tải biển 603 do Trung uý Nguyễn Bất làm thuyền trưởng, trên danh nghĩa là Tập đoàn đánh cá Miền Nam, đã lặng lẽ nhổ neo rời Cảng Gianh chở theo 5 tấn vũ khí, thuốc men chi viện cho chiến trường miền Nam. Đêm giao thừa giữa mịt mùng biển khơi từng đợt gió mùa Đông Bắc thổi mỗi lúc một mạnh…Sau ba ngày vật lộn với sóng to, gió lớn, mặc dù ý chí quyết tâm cao nhưng sức lực anh em, cán bộ, chiến sĩ trên tàu cứ cạn dần khó lòng thắng nổi trước những trận cuồng phong của biển cả. Theo kế hoạch ban đầu, tàu sẽ cập bờ tại địa điểm Hố Chuối dưới chân đèo Hải Vân (Đà Nẵng) nhưng do bánh lái của tàu bị gãy, mất phương hướng rồi trôi dạt đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và bị địch phát hiện vây bắt.

Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan và kiên quyết không để hàng hóa, đạn, thuốc men rơi vào tay giặc nên cán bộ trên tàu quyết định nhanh chóng thả xuống biển. Bị giặc bắt mặc dù đã thống nhất lời khai là ngư dân đánh cá bị bão đánh trôi dạt về đây và có thẻ căn cước của chính quyền Ngụy, chúng không tin, giam riêng từng đồng chí, dùng mọi cực hình tra tấn dã man hòng moi thông tin về tuyến vận tải biển của ta. Nhưng chúng đã thất bại trước ý chí kiên cường, bất khuất một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Nhà nước giao phó. Trong số 6 cán bộ, chiến sĩ trên chiếc tàu định mệnh đó đã có 4 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong nhà lao Mỹ, ngụy.

Dẫu rằng chuyến đi đầu tiên không thành công nhưng đã thể hiện đầy đủ quyết tâm, tình cảm của quân dân hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa đối với quân dân miền Nam ruột thịt trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Phan Đình Quân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN