Dịch bệnh lở mồm long móng xuất hiện ở Kon Tum từ ngày 28/1, chủ yếu trên đàn lợn chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ dân. Đến ngày 12/3, toàn tỉnh đã phát hiện 4 ổ dịch tại 27 xã, phường thị trấn của các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Đăk Glei và thành phố Kon Tum với hơn 3.200 con gia súc mắc bệnh; trong đó, thành phố Kon Tum là nơi dịch lở mồm long móng bùng phát mạnh nhất với 17 xã và 1.200 con lợn mắc bệnh.
Trước tình hình đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kon Tum đã kịp thời phòng chống dịch như tiêm phòng bao vây. Theo đó, Chi cục cung ứng 50 ngàn liều vắc xin Aftopor type O cho các địa phương phòng chống dịch; cấp phát hơn 1.600 lít hóa chất để khử trùng tiêu độc ổ dịch, môi trường xung quanh và tiêu hủy hơn 3.200 con lợn bị bệnh lở mồm long móng.
Tuy nhiên, theo ông Mai, việc phòng chống dịch bệnh lây lan, phát triển trên đàn gia súc ở tỉnh Kon Tum gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các trường hợp phát hiện bệnh đều xuất hiện ở trên đàn gia súc được chăn nuôi nhỏ lẻ, không kiểm soát được nguồn bệnh. Vệ sinh môi trường, tiêm phòng ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không được triển khai đúng định kỳ. Đàn lợn không được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng từ trước đến nay nên giờ rất khó kiểm soát.
Để tiếp tục khống chế dịch lở mồm long móng trên địa bàn, thời gian tới, ngành chức năng Kon Tum tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố triển khai quyết liệt biện pháp phòng chống dịch, bệnh; tiến hành tiêm vắc xin mũi 2 cho gia súc, theo dõi phản vệ của đàn lợn sau khi tiêm phòng thí điểm vắc xin lở mồm long móng 6 PD50; tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn giữa các địa phương trong nội bộ tỉnh; tiếp tục khử trùng tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật tại các Trạm kiểm dịch động vật ở Sao Mai, Violak, Măng Khênh.