Vinh Quang là xã còn nhiều khó khăn của huyện Chiêm Hóa. Với sự chung sức, đồng lòng của chính quyền, người dân trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã được công nhân xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống của người dân được nâng cao.
Ông Phan Hồi Tỉnh, Trưởng thôn Phong Quang, xã Vinh Quang cho biết: Thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân trong thôn được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, kinh tế phát triển, thu nhập của người dân trong thôn được nâng cao. Vì diện tích đất nông nghiệp trong thôn rất ít, bà con chủ yếu phát triển kinh tế theo hướng trồng mía và làm xây dựng. Thôn hiện có 100 hộ dân nhưng chỉ còn ba hộ nghèo, thu nhập trung bình của người dân đạt 26 triệu đồng/người/năm. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và chọn hướng đi đúng trong phát triển kinh tế, đời sống của người dân trong thôn đã có nhiều thay đổi. Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, 95% hộ có nhà xây kiên cố…
Đến xã Vinh Quang những ngày này, sự thay đổi thể hiện rõ: trên 60% đường liên thôn, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa sạch đẹp. 16/16 thôn có nhà văn hóa, sân thể thao, không còn nhà tạm, nhà dột nát… Ông Vi Văn An, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết: Xã Vinh Quang còn nhiều khó khăn. Khi bắt đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã đã xác định phải đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, qua đó giúp bà con ổn định cuộc sống, tạo bước đệm để thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Hơn 5 năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn, Chương trình 135, xã đã xây dựng các mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt: nuôi trâu giống chất lượng cao, chăn nuôi gia cầm, trồng bưởi Diễn… Xã hỗ trợ các trang trại vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Hiện xã có 12 trang trại được cấp giấy chứng nhận trang trại và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vinh Quang là xã có số lượng trang trại nhiều nhất huyện. Bên cạnh đó, xã thường xuyên chỉ đạo, vận động người dân nâng cao chất lượng sản xuất nông lâm nghiệp, mở rộng diện tích trồng mía, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ như đan cót, chế biến long nhãn… Cũng như xã Vinh Quang, các xã Kim Bình, xã Yên Nguyên (huyện Chiêm Hóa) đã hoàn thành và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống nhân dân được cải thiện rất nhiều.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, huyện Chiêm Hóa đã huy động được hơn 586 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế như như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa thôn…, tạo đà cho các xã vươn lên thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Ngoài ra, huyện còn chú trọng thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Với những chủ trương, quyết sách đúng đắn, cùng sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở, đến nay, bình quân các xã trong huyện Chiêm Hóa đạt 10 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới của huyện, Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa Nguyễn Việt Lâm cho biết: Để thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân phải được đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, cần phát huy vai trò tập thể, đề cao trách nhiệm của cá nhân trong quản lý, điều hành.
Ngoài ra, khi thực hiện, các xã phải sắp xếp, lựa chọn thực hiện các tiêu chí phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, chọn những tiêu chí đáp ứng nguyện vọng của người dân để thực hiện trước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho người dân…
Cũng theo ông Lâm, thời gian tới, để duy trì những kết quả đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới, huyện Chiêm Hóa sẽ đổi mới công tác lãnh đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền, phương pháp vận động quần chúng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; trong đó phát huy vai trò tập thể, đề cao trách nhiệm của cá nhân trong quản lý, điều hành. Huyện đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tăng cường liên kết 4 nhà trong sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản; nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại gắn với quy hoạch nông thôn mới.
Cùng với đó, huyện Chiêm Hóa tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, điện; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học đạt chuẩn quốc gia; xây dựng cơ sở vật chất văn hoá, trạm y tế xã khám chữa bệnh, chợ nông thôn... Huyện đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, chương trình lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa nông thôn, đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển văn hóa, thể thao ở các xã, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch.
Huyện Chiêm Hóa phấn đấu đến hết năm 2017 có thêm xã Hòa Phú đạt chuẩn nông thôn mới; xã Phúc Thịnh cơ bản hoàn thành các tiêu chí; 4 xã đạt 12-13 tiêu chí; 7 xã đạt 10-11 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.