Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm giao thông để răn đe

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an Hà Nội đã phát hiện, xử lý hàng trăm ngàn trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), thu nộp ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng, nhưng vi phạm vẫn có chiều hướng gia tăng. Điều này chứng tỏ, không ít người tham gia giao thông coi thường pháp luật.

Nghị định 33/2011/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/6 tới sẽ là công cụ để lực lượng chức năng xử lý các đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, việc thực thi cần kiên quyết để răn đe.

Kiểm tra đâu thấy vi phạm đó

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc lắp còi hơi cho xe ô tô chỉ thực hiện được đối với các loại xe tải (trọng tải từ 7-8 tấn trở lên) và xe khách đời mới, nhưng thời gian gần đây, qua kiểm tra của các đơn vị kiểm định, tình trạng lắp đặt còi hơi diễn ra tràn lan. Tính trung bình, cứ 20 xe vào kiểm định, có 4 xe lắp còi hơi sai quy định...

Cùng với sử dụng còi hơi, các loại xe tải, xe ben đang trở thành những “hung thần” của đường phố, bởi loại phương tiện này thường lưu thông bất chấp Luật GTĐB, với những tai nạn thương tâm gây bức xúc dư luận. Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội đã xử lý hơn 7.000 trường hợp xe tải, xe ben vi phạm Luật GTĐB, chủ yếu là các lỗi đi sai giờ quy định, lưu thông vào giờ cấm, phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng còi hơi trái phép... Đã có 85 vụ TNGT nghiêm trọng, làm 71 người chết và 25 người bị thương.

Thanh tra GTVT và CSGT phối hợp kiểm tra giấy tờ kinh doanh của xe taxi. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN


Do tốc độ phát triển quá “nóng” của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi tại Hà Nội hiện nay, tình trạng taxi “dù” taxi “chính hiệu” tranh giành khách, dừng đỗ đón trả khách sai quy định đang khiến cho hoạt động taxi và giao thông thủ đô phức tạp hơn. Qua kiểm tra của Thanh tra giao thông Hà Nội, hầu hết số lái xe taxi “dù” là những người ở tỉnh ngoài, chưa thông thuộc đường phố và đặc biệt là ý thức chấp hành Luật GTĐB còn kém, nên “sẵn sàng” vi phạm. Lực lượng liên ngành Thanh tra giao thông-CSGT Hà Nội hiện đang tạm giữ hơn 100 xe taxi “dù” mắc lỗi dừng đỗ không đúng quy định, không sử dụng đồng hồ tính tiền, thiếu phù hiệu taxi...

Chưa hết, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm Luật GTĐB cũng gia tăng nghiêm trọng. Thực tế này cho thấy, sự thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường và pháp luật của không ít thanh thiếu niên. Chỉ trong tháng 5/2011, lực lượng CSGT Hà Nội đã phát hiện và xử lý gần 1.200 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông, chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không có giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ... và đã gửi thông báo vi phạm về các trường học, nơi cư trú yêu cầu phối hợp phúc đáp và xử lý. Tuy nhiên, đến nay, lực lượng chức năng hầu như vẫn chưa nhận được phản hồi từ chính quyền cơ sở và ban giám hiệu các nhà trường. Thực tế này đã tạo điều kiện cho nhiều thanh thiếu niên không những không tự giác chấp hành Luật GTĐB, mà còn tỏ ra coi thường pháp luật...

Theo Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), 5 tháng đầu năm 2011, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý hơn 220.000 trường hợp vi phạm Luật GTĐB, thu nộp ngân sách gần 40 tỷ đồng. Trong đó, đã tạm giữ gần 14.000 bộ giấy tờ liên quan của các chủ phương tiện và tước giấy phép lái xe của 3.600 người. Đặc biệt, tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy tham gia giao thông tăng mạnh, với gần 12.000 trường hợp bị bắt và xử lý. Cũng trong 5 tháng, Hà Nội đã có tới hơn 240 người chết, gần 100 người bị thương trong khoảng 300 vụ TNGT. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ phương tiện đi sai phần đường, thiếu chú ý quan sát, đi quá tốc độ, lạm dụng rượu bia, chở hàng cồng kềnh...

Xác định rõ vi phạm, xử lý đúng chế tài

Trước tình trạng “nhờn” luật của không ít người tham giao thông và để kiên quyết xử lý, răn đe các trường hợp vi phạm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2011/NĐ-CP (ngày 16/5/2011) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP (ngày 2/4/2010) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB.

Theo đó, Nghị định 33/CP bổ sung thêm nhiều mức phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm Luật GTĐB, như: Người điều khiển phương tiện chở hàng vượt quá khổ giới hạn của cầu, đường nhưng không có giấy phép lưu hành, điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định, không có bằng lái FC khi lái xe ô tô đầu kéo sẽ bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng; bổ sung xử phạt người điều khiển xe không có đủ đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu, cần gạt nước, gương chiếu hậu, dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy, đồng hồ báo tốc độ… sẽ bị phạt từ 300.000 - 500.000 đồng; bỏ quy định xử phạt từ 300.000 - 500.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, xe tương tự ô tô có còi nhưng không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe, mà thay vào đó là phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định... Nghị định 33/CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/6/2011.

Chuẩn bị triển khai thực hiện Nghị định 33/CP, Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) đang tập trung chỉ đạo lực lượng mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đến hết ngày 30/6, nhằm kiềm chế và làm giảm TNGT, hạn chế và kịp thời giải quyết ùn tắc giao thông; phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các vụ tụ tập, đua xe trái phép, tình trạng chống lại CSGT trong khi làm nhiệm vụ.

Theo đó, Phòng CSGT Hà Nội đã chủ động kế hoạch huy động tối đa lực lượng, phương tiện tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, trong đó tập trung xử lý kiên quyết 18 lỗi vi phạm như: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa, xe vận tải container và xe mô tô vi phạm tốc độ, tránh vượt, lấn phần đường, làn đường, lạm dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện, chở quá tải, chở quá số người, dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định, xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, sử dụng giấy phép lái xe giả, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy...

Ngoài ra, lực lượng CSGT Hà Nội sẽ tăng cường xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ, địa bàn giáp ranh trọng điểm có lưu lượng giao thông lớn, tình hình vi phạm Luật GTĐB phức tạp, thường xảy ra TNGT, ùn tắc giao thông; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, phòng ngừa, ngăn chặn đua xe trái phép; đồng thời siết chặt kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm hành chính về TTATGT đường sắt, để phát hiện, kiến nghị khắc phục kịp thời các nguy cơ gây TNGT.

Thiết nghĩ, để Nghị định 33/CP phát huy hiệu quả trong thực tế, lực lượng chuyên ngành ngoài tăng cường siết chặt kiểm tra, kiểm soát, cần xác định rõ từng vi phạm, xử lý theo đúng chế tài.

Ý kiến:

Sử dụng còi hơi trái phép là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội
Thượng tá Trần Sơn, Phòng Hướng dẫn luật và điều tra TNGT (Cục CSGT đường bộ, đường sắt-Bộ Công an) cho biết: Trong 23 hành vi bị nghiêm cấm theo Luật GTĐB, thì việc sử dụng còi hơi trái quy định được coi là hành vi hết sức nguy hiểm cho xã hội. Nó gây tiếng ồn quá mức, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tham gia giao thông cũng như người dân ở dọc hai bên đường. Đối với hành vi vi phạm này, Cục CSGT đường bộ, đường sắt sẽ phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT sẵn sàng các phương án, thiết bị và bố trí lực lượng để tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành xử lý nghiêm để răn đe.

Việc xử phạt cần được tiến hành thường xuyên
Bác Nguyễn Văn Nam ở phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Thời gian qua, đã có không ít các đợt ra quân, các đợt cao điểm tăng cường xử phạt các lỗi vi phạm giao thông. Theo đó, lực lượng chuyên ngành, liên ngành cùng ra quân phối hợp đồng bộ để việc xử phạt người vi phạm được hiệu quả cao. Trong các đợt cao điểm xử lý như vậy, tình trạng vi phạm có giảm. Thế nhưng, hậu các đợt cao điểm, các lỗi vi phạm giao thông lại tái diễn. Do đó, việc thực thi pháp luật về an toàn giao thông không nên dừng lại ở các đợt cao điểm, việc xử phạt cần được tiến hành thường xuyên, liên tục trong cả năm. Phải có những biện pháp xử phạt và chế tài thật nặng, đủ sức răn đe những đối tượng vi phạm luật giao thông. Có như thế, ý thức chấp hành pháp luật của người dân mới được nâng cao.

Vi phạm xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông (Bộ GTVT) cho biết: Nhiều giải pháp căn cơ đã được thực hiện, nhưng vi phạm và TNGT vẫn gia tăng. Đây là bài toán nan giải. Phân tích về nguyên nhân của tình hình này có thể thấy chủ yếu xuất phát từ ý thức chủ quan, coi thường, lơ là của người tham gia giao thông. Vì thế, khi vắng bóng lực lượng kiểm tra xử lý vi phạm trên đường thì người tham gia giao thông có tâm lý “sẵn sàng” vi phạm, có thể là phóng nhanh hơn, lấn làn, lấn đường... Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng chiến lược bảo đảm ATGT đường bộ đến năm 2020 tầm nhìn 2030 với những giải pháp căn cơ. Nội dung nghiên cứu của chiến lược này đang trong giai đoạn cuối là hoàn thiện báo cáo cuối kỳ, sau khi hoàn thiện sẽ báo cáo Chính phủ thông qua.


Nguyễn Tiến
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN