Kiên Giang vượt qua lũ lớn

Đến thời điểm này, người dân vùng rốn lũ tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu, tỉnh Kiên Giang không còn lo ngại lũ lớn đổ về gây thiệt hại sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống như dự báo.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa trước tình hình mưa lũ ở xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành. Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt/TTXVN

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang xuống và nước trên vùng lũ chững lại, gần như không còn tác động bất lợi đến sản xuất và dân sinh.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, ngay từ đầu mùa lũ năm nay, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án và triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó nên mặc dù lũ khá lớn nhưng chỉ gây thiệt hại nhỏ.

Đến thời điểm này, mực nước nội đồng trên địa bàn tỉnh, nhất là ở hai vùng tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu đang xu thế giảm dần. Nhận định tình hình lũ trong thời gian tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục xuống nhanh, khả năng lũ lên cao gần như không còn nhưng không được chủ quan trước những diễn biến bất thường của lũ.

Theo đó, để chủ động phòng, chống giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra trước và trong mùa lũ, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương trong vùng lũ tổng rà soát hệ thống đê bao, bờ bao bảo vệ sản xuất lúa Hè Thu, Thu Đông, nuôi trồng thủy sản và những loại cây trồng, vật nuôi khác. Khẩn trương gia cố, tôn cao bờ bao, đê bao thấp, yếu có nguy cơ xảy ra nước tràn, vỡ, sạt lở trong mùa lũ, đắp đập ngăn lũ.

Đến đầu tháng 10 này các địa phương đã gia cố hơn 600 km bờ bao, đắp 236 đập ngăn lũ và đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ các đoạn bờ bao xung yếu để kịp thời bồi trúc, gia cố đảm bảo an toàn. Tổng kinh phí thực hiện 53 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 18 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 35 tỷ đồng.

Cùng với đó, các địa phương vùng lũ tập trung thu hoạch những trà lúa Hè Thu chín và sắp chín tại các khu vực mà hệ thống đê bao, bờ bao chưa đảm bảo ở huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất để tránh thiệt hại do lũ gây ra. Tiếp đến, hai lực lượng quân đội và bộ đội biên phòng tỉnh hỗ trợ các địa phương gia cố, tôn cao trên 23 km bờ bao, đắp gần 100 đập ngăn lũ bảo vệ sản xuất, giúp dân thu hoạch lúa chạy lũ theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” hơn 30 ha lúa Hè Thu.

Thượng tá Phan Thành Công, chính trị viên đồn biên phòng Vĩnh Điều (Giang Thành, Kiên Giang) chia sẻ, từ đầu mùa lũ đến nay, ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc, các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn huyện Giang Thành sẵn sàng giúp dân ứng phó với lũ, bố trí lực lượng hỗ trợ các địa phương trong những tình huống khẩn cấp, bảo vệ tài sản, ổn định đời sống nhân dân.

Riêng đồn biên phòng Vĩnh Điều, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ xuống giúp dân gặt lúa, đắp bờ bao chống ngập những ruộng lúa chưa đến kỳ thu hoạch đảm bảo an toàn, bảo vệ tài sản của nhân dân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm, cho hay sau khi mở xả lũ 2 đập Trà Sư và Tha La của tỉnh An Giang (31/8/2018), tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc địa phương triển khai nhanh các giải pháp ứng phó với lũ ở vùng tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu, chỉ đạo kịp thời trong giai đoạn lũ đang lên nhanh. Tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, tăng cường công tác thông tin tình hình lũ để người dân và địa phương biết chủ động ứng phó, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra.

Chú thích ảnh
Chốt cứu hộ, cứu nạn trong mùa lũ tại xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành. Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt/TTXVN

Hiện nay, đối với các ô bao trong vùng lũ đã thu hoạch lúa dứt điểm, nông dân mở đập để nước vào đồng ruộng vừa lấy phù sa bồi bổ độ màu mỡ cho đất, vừa diệt trừ sâu bệnh, làm sạch tự nhiên đồng ruộng, cải tạo đất chuẩn bị sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019.

Ông Huỳnh Văn Trì, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) nó, mùa lũ năm nay vừa đem lại nguồn lợi cá, tôm có thêm thu nhập cho nông dân, vừa mang phù sa cho đồng ruộng sau nhiều năm không có lũ. Điều này rất có lợi cho sản xuất vụ lúa Đông Xuân sắp tới vì giảm được lượng phân bón nhưng lúa sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất cao, chất lượng tốt.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch 265.700 ha, đạt trên 87% diện tích gieo sạ. Trong đó, vùng ảnh hưởng lũ Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu 243.000 ha và vùng không ảnh hưởng lũ U Minh Thượng 22.700 ha, diện tích lúa còn lại dự kiến thu hoạch dứt điểm vào nửa cuối tháng 10.

Tiếp đến, lúa Thu Đông đã thu hoạch 6.250 ha, bằng 8,45% diện tích xuống giống. Các trà lúa này đều nằm trong đê bao hoặc bờ bao đã được gia cố an toàn, dự kiến thu hoạch dứt điểm vào nửa cuối tháng 11/2018.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng lũ, đến nay có khoảng 370 ha lúa Hè Thu bị ngập, thiệt hại trên 70%, tập trung ở hai huyện Giang Thành và Hòn Đất. Những trà lúa bị thiệt hại này đều nằm ngoài các ô bao khép kín, đất trũng thấp, đất than bùn nên rất khó khăn gia cố, bồi trúc, tôn cao bờ, đê bao để bảo vệ lúa.

Đối với dân sinh, mùa lũ năm nay đến thời điểm này chưa ảnh hưởng, tác động đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Các điểm trường học, trụ sở cơ quan, công trình công cộng, nhà dân đều ở các cụm, tuyến dân cư vượt lũ an toàn, không bị ngập nước, hệ thống giao thông nông thôn đảm bảo việc đi lại cho nhân dân trong mùa mưa lũ và mọi sinh hoạt trong đời sống nhân dân, cộng đồng xã hội diễn ra bình thường.

Các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên đã triển khai 17 chốt cứu hộ, cứu nạn tại những nơi xung yếu; dự phòng phương án di dời dân, các điểm giữ trẻ tập trung... để sẵn sàng chủ động triển khai khi có lũ lớn hơn dự báo và những diễn biến bất thường của mùa mưa lũ có thể xảy ra.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm kiến nghị, để chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với lũ trong những năm tiếp theo có thể xảy ra, tỉnh đề nghị các bộ, ngành chức năng Trung ương tăng cường dự báo, cảnh báo lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là dự báo dài hạn để kịp thời cung cấp cho các địa phương chủ động bố trí sản xuất, chủ động ứng phó hiệu quả.

Tỉnh cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ Kiên Giang đầu tư xây dựng phát triển đồng bộ các tuyến đê bao, bờ bao chống lũ ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu để đảm bảo và ổn định sản xuất an toàn, bền vững, hiệu quả.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Kiên Giang ứng phó với lũ đang lên nhanh
Kiên Giang ứng phó với lũ đang lên nhanh

Tỉnh Kiên Giang triển khai các giải pháp khẩn trương ứng phó với lũ đang lên nhanh ở Đồng bằng sông Cửu Long theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra, đồng thời “chung sống” và khai thác nguồn lợi kinh tế từ mùa lũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN