Ghi nhận tại Bệnh viện Sản - Nhi Kiên Giang vào 16 giờ 30 ngày 16/11, Bác sĩ chuyên khoa II Danh Tý, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, 63 trường hợp đã xuất viện, 15 em đang được theo dõi thêm.
Hầu hết các em nhập viện đều có chung triệu chứng đau bụng và nôn ói. Trong đó, hơn chục em nôn ói nhiều bị hạ huyết áp, bệnh viện phải truyền dịch chống sốc. Hiện, sức khỏe của các em cơ bản ổn định nhưng cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến của tình hình ngộ độc thực phẩm.
“Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, nhưng đây là lần đầu tiên Bệnh viện tiếp nhận số lượng bệnh nhân đông và dồn dập như thế (78 ca). Nhờ nắm được tình hình, Bệnh viện đã tập hợp bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh các khoa để tiếp nhận và xử lý nhanh các trường hợp bệnh, không để bệnh diễn tiến nặng hơn”, Bác sĩ chuyên khoa II Danh Tý thông tin thêm.
Chị Nguyễn Thị Bích Trâm (ngụ thành phố Rạch Giá) là phụ huynh một học sinh học Trường Tiểu học Lê Văn Tám nghi bị ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Kiên Giang. Chị cho biết, tối 15/11, thấy con có biểu hiện đau bụng nhưng không nhiều. Vì vậy, sáng 16/11, phụ huynh vẫn đưa con đi học, tuy nhiên đến khoảng gần 10 giờ, cô giáo gọi điện kêu phụ huynh đón về.
“Sau khi đón con về, tôi thấy bé đau bụng nhiều nên chở vào bệnh viện và sau một buổi điều trị, sức khỏe con ổn hơn. Qua vụ việc, tôi rất mong ngành chức năng, các trường học và đơn vị cung cấp suất ăn chú ý các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe các cháu”, chị Trâm chia sẻ.
Theo ông Đặng Văn Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, tính đến 17 giờ ngày 16/11, Sở ghi nhận 87 học sinh nghi ngộ độc thực phẩm. Trong đó, 78 học sinh điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Kiên Giang, 9 học sinh có triệu chứng nhẹ được gia đình chăm sóc, điều trị tại nhà. Học sinh nghi ngộ độc thực phẩm ở các trường gồm: Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi: 31 em, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn: 47 em, Trường Tiểu học Lê Văn Tám: 3 em.
Trước đó, lúc 14 giờ 30 phút, ngày 15/11, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhận được thông tin việc học sinh bị nôn ói, đau bụng sau bữa ăn trưa tại Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn. Đến ngày 16/11, đơn vị ghi nhận thêm 3 học sinh ở Trường Tiểu học Lê Văn Tám có biểu hiện đau bụng, nôn ói, nghi do ngộ độc thực phẩm. Thức ăn các em ăn gồm có: Canh chua (bắp cải, đậu bắp, khóm, cá chả), thịt heo kho khìa, cơm trắng, mít, mì tươi nấu rau củ.
“Sau khi vụ việc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố Rạch Giá, Trạm Y tế phường Vĩnh Lợi, Trạm Y tế phường Rạch Sỏi điều tra và lấy 10 mẫu lưu tại các điểm trường để gửi đến Trung tâm Kiểm nghiệm ở thành phố Cần Thơ và đang đợi kết quả”, ông Đặng Văn Bình nói.
Liên quan đến tình hình hoạt động của cơ sở cung cấp thức ăn bán trú cho các điểm trường xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm, bà Nguyễn Thị Hồng Linh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Rạch Giá cho biết, vào tháng 9/2023 đã có đoàn đến kiểm tra cơ sở này. Tuy nhiên, qua kiểm tra không phát hiện vi phạm gì lớn, đoàn kiểm tra có nhắc nhở cơ sở thực hiện nghiêm việc lưu mẫu, trang bị đầy đủ bảo hộ cho người lao động.
Bà Nguyễn Thị Hồng Linh cho hay, việc ký hợp đồng cung cấp suất ăn bán trú là do các trường tự ký với cơ sở cung ứng. Các trường ký hợp đồng dựa vào cơ sở các đơn vị dịch vụ cung cấp suất ăn được cơ quan chức năng thẩm định, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Thời gian tới, thành phố Rạch Giá tăng cường chỉ đạo kiểm tra và hậu kiểm đối với tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ nấu ăn trên địa bàn, trong đó có cả kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất nhằm hạn chế, ngăn chặn, xử lý các cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân", Phó Chủ tịch UBND thành phố Rạch Giá nhấn mạnh.