Kiểm tra thêm tuyến phố có ô tô, xe máy không mở được khoá thông minh

Sau vụ việc tại phố Vọng (Hà Nội), Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 1 (Cục Tần số vô tuyến điện – Bộ Thông tin Truyền thông) đã cử tổ công tác xác minh thêm các địa điểm có phản ánh hiện tượng nhiễu sóng khóa thông minh.

Chú thích ảnh
Thiết bị điều khiển từ xa máy bơm nước gây nhiễu khiến hàng loạt ô tô, xe máy không mở được khóa thông minh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 1 cho biết, đơn vị đã cử 2 tổ công tác đến một số địa điểm tại Hà Nội được phản ảnh có hiện tượng xe máy, ô tô không mở được khoá thông minh. Hiện nay, quá trình rà soát đang được tiến hành nên chưa có báo cáo cụ thể.

Trước đó, nhiều cửa cuốn, cửa từ, ô tô, xe máy sử dụng khóa thông minh tại khu vực ngã 3 phố Vọng - Nguyễn An Ninh (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) không sử dụng được. Cơ quan chức năng sau đó phát hiện nguồn gây nhiễu là thiết bị điều khiển từ xa để bật/tắt máy bơm nước tự động của một gia đình trong khu phố.

Từ vụ việc trên, ông Nguyễn Phương Đông cho rằng, do có nhiều thiết bị thu phát sóng nhập lậu, không có chứng nhận hợp quy được bán trôi nổi trên thị trường nên các vụ việc khóa xe máy, ô tô sử dụng khoá thông minh bị nhiễu song, không mở được sẽ còn được phản ánh.

"Các thiết bị như cửa cuốn, khóa xe... thường dùng chung băng tần. Nhưng bản thân các thiết bị này không phát sóng liên tục và được tích hợp công nghệ chống nhiễu. Với thiết bị nhập lậu, không được chứng nhận hợp quy, phát sóng liên tục... có thể dẫn đến tình trạng nhiễu sóng", ông Đông cho biết thêm.

Do đó, người dân khi đi mua các thiết bị có thu phát song cần xem có chứng nhận hợp quy, tem nhãn có được cấp phép hay không. “Hiện nay, với những vụ việc như tại ngã 3 phố Vọng, đơn vị phối hợp với các đơn vị liên quan thu giữ thiết bị và nhắc nhở”, ông Đông cho biết.

Còn theo quy định hiện nay, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng xử phạt theo Nghị định 15. Cụ thể Khoản 1, Điều 64, Nghị định 15/2020 quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện nhưng không tuân thủ điều kiện kỹ thuật và khai thác”. Đồng thời, Khoản 2, Điều 71, Nghi định 15/2020 quy định: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện thuộc danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện gây nhiễu có hại đối với các mạng, đài và hệ thống thông tin vô tuyến điện đã được cấp Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện do không tuân thủ các điều kiện kỹ thuật hoặc không đúng các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

XM/Báo Tin tức
Kết nối việc làm tại huyện ven đô Hà Nội
Kết nối việc làm tại huyện ven đô Hà Nội

Ngày 24/6, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội và UBND huyện Gia Lâm tổ chức phiên giao dịch việc làm (GDVL) lưu động huyện Gia Lâm năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN