Hướng tới tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, một số chính sách hỗ trợ cho người lao động, người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 đã được triển khai.
Tuy nhiên, thực hiện tổng kết công tác hỗ trợ, thì Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và các địa phương phản ánh là thiếu nguồn dữ liệu sạch khi áp tiêu chí. Chính vì vậy, việc xét duyệt và chuyển hỗ trợ mất rất nhiều thời gian. Chỉ duy nhất chương trình hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả nhanh cho gần 12 triệu lao động chỉ trong 4 tháng với số tiền hỗ trợ trực tiếp là 30.800 tỷ đồng.
“Có được sự hỗ trợ nhanh này, phần lớn nhờ hệ thống dữ liệu người tham gia đóng BHXH khá đầy đủ. Sau khi có tiêu chí và rà soát trên hệ thống, tất cả người hưởng đều được chuyển tiền vào tài khoản và không phát sinh thủ tục giấy tờ. Đây là bài học cho công tác hỗ trợ sau này, việc xây dựng dữ liệu có vai trò quan trọng thực hiện chính sách”, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết.
Việc kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương bước đầu triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp phát huy hiệu quả. Ông Nguyễn Đình Lợi, Phó trưởng Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho rằng: “Mới đầu TTHC của chúng ta nhiều cửa, nhiều dấu xong hướng đến một cửa, một dấu và tiếp tục thay đổi thành một cửa có sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Hiện đang triển khai là một cửa số, dịch vụ số. Một cửa số, dịch vụ số giúp thực hiện TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính; tự động tiếp nhận, giải quyết TTHC; chỉ đạo, điều hành bằng dữ liệu, theo thời gian thực… Quan trọng hơn là tạo ra công dân số - chính phủ số- kinh tế số - xã hội số”.
Mọi giải quyết TTHC giữa người dân và cơ quan nhà nước được thực hiện trên hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn), trong đó có 4.385 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); 1,86 tỷ lượt truy cập; hơn 7,1 triệu tài khoản đăng ký; hơn 204 triệu hồ sơ đồng bộ; 4,2 triệu giao dịch thanh toán thành công với giá trị 5,5 nghìn tỷ đồng.
“Chúng ta đã vận hành, khai thác hiệu quả các DVCTT khi lấy người dân và DN làm trung tâm. Đặc biệt đã triển khai, vận hành hiệu quả hệ thống định danh, xác thực điện tử; hệ thống thanh toán trực tuyến; liên thông các TTHC như đăng ký xe; đổi giấy phép lái xe; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.... Tất cả dịch vụ công trực tuyến này đòi hỏi có kết nối dữ liệu”, ông Nguyễn Đình Lợi chia sẻ.
Chiến lược quản trị dữ liệu
Ở góc độ địa phương, khi chia sẻ về kết nối, khai thác dữ liệu tại TP Hồ Chí Minh hiện nay, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết, từ năm 2018, Thành phố đã xác định lấy dữ liệu làm nền tảng để xây dựng một nền chính quyền điện tử. Việc kết nối và khai thác dữ liệu của TP Hồ Chí Minh đã được thực hiện giai đoạn 1 (2017-2021) với khẩu hiệu “Tạo lập nền tảng hạ tầng và dữ liệu và giai đoạn 2 (2022 - 2025) với khẩu hiệu “Phát triển và khai thác dữ liệu - Thực hiện chuyển đổi số “.
Ở giai đoạn 1, TP Hồ Chí Minh đã tập trung vào việc triển khai các chính sách, quy trình thực hiện; chuyển hạ tầng rời rạc về tập trung; chuyển dữ liệu về quản lý tập trung; triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu và cổng dữ liệu. Đối với giai đoạn 2, TP Hồ Chí Minh đã tập trung triển khai chiến lược quản trị dữ liệu; mở rộng hạ tầng số và tăng cường triển khai nền tảng số thống nhất; thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn khó khăn là hệ thống văn bản hướng dẫn chuyên ngành và hướng dẫn kỹ thuật từ Trung ương vẫn chưa đầy đủ; quy trình thủ tục đầu tư chậm, khó khăn thí điểm công nghệ mới; thiếu nhân lực công nghệ thông tin.
Trong khi đó, từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc thường trực MISA cho rằng: Xây dựng cơ sở dữ liệu là trách nhiệm chung của Nhà nước và cả doanh nghiệp. Trên thực tế hiện nay, khi nhắc đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia thì trách nhiệm chính đang thuộc về các bộ, ngành trong việc tập trung xây dựng trung tâm dữ liệu, cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất của một cơ sở dữ liệu quốc gia chính là dữ liệu. Những dữ liệu này có phần được quản lý bởi cơ quan Nhà nước và cũng có những dữ liệu do các tổ chức, doanh nghiệp chủ động quản lý. Để có được dữ liệu đầy đủ nhất thì cần có sự chung tay đóng góp của cả 3 bên, gồm: Đơn vị xây dựng cơ sở dữ liệu, đơn vị trung gian kết nối và đơn vị đóng góp dữ liệu. Đồng thời, cả 3 đơn vị này phải được kết nối với nhau.
Dữ liệu chỉ thật sự có giá trị khi cả Chính phủ, người dân, doanh nghiệp đều có thể khai thác và thụ hưởng lợi ích từ dữ liệu đó. Đặc biệt, nếu dữ liệu được mở cho doanh nghiệp khai thác sẽ đem đến nhiều dịch vụ hữu ích phục vụ người dân, phục vụ các cơ quan Nhà nước.
ông Lê Hồng Quang dẫn chứng như ở lĩnh vực ngân hàng, với việc vay tín chấp, nếu không có cơ dữ liệu về tài chính, tất cả các đối tượng đến vay ngân hàng đều có cơ hội và rủi ro ngang nhau. Tuy nhiên, nếu có cơ sở dữ liệu tài chính và ngân hàng được phép truy cập, ngân hàng sẽ dễ dàng đánh giá được lịch sử vay, độ minh bạch tài chính, tiềm lực của từng đối tượng vay, từ đó đánh giá được đối tượng nào nên cho vay, duyệt cho vay nhanh hơn, hạn mức phù hợp hơn, giảm tỷ lệ rủi ro khi có thể lọc bớt những đối tượng có lịch sử nợ xấu. Đối với người đi vay, cơ sở dữ liệu tài chính là căn cứ để chứng minh sự minh bạch tài chính, giảm thiểu thủ tục giấy tờ, báo cáo tài chính và dễ dàng nhận được khoản vay phù hợp từ ngân hàng một cách nhanh chóng hơn.
“Thực tế hiện nay, nhiều nhu cầu kết nối của doanh nghiệp chưa được giải quyết, một số cơ sở dữ liệu bị độc quyền kết nối, gây khó khăn cho đơn vị cung cấp dịch vụ cũng như khiến cơ sở dữ liệu kém phong phú, đa dạng”, ông Lê Hồng Quang cho biết.
Để hiểu rõ hơn về việc sử dụng dữ liệu, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TTTT) cho biết: “Chúng ta đang thúc đẩy, xây dựng, sử dụng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từng bước theo các quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP và khung kiến trúc Chính phủ điện tử. Đặc biệt, yêu cầu đặt ra đối với hệ thống dữ liệu mở trong các cơ quan nhà nước phải được coi là nhiệm vụ, việc làm thường xuyên và phải có trách nhiệm cung cấp dữ liệu mở. Việt Nam hướng đến năm 2023 có hơn 10 bộ, ngành, địa phương xây dựng Cổng dữ liệu mở…”
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định: “Chuyển đổi số không thể một người làm được, Chuyển đổi số không thể một tổ chức làm được, chuyển đổi số không thể một nước, một chính phủ làm được. Mà chuyển đổi số, tất cả mọi người, mọi thành phần đều phải tham gia thì chúng ta mới có tài nguyên số. Tài nguyên số là nguồn tài nguyên vô tận từ tư duy, sáng tạo và trí tuệ mà thế giới đã và đang tạo lập và khai thác. Đó là một nguồn tài nguyên mới, tài nguyên xanh, giúp chúng ta phục hồi tài nguyên tự nhiên, thúc đẩy kinh tế phát triển đột phá”.