Báo cáo của tỉnh Gia Lai nêu rõ, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai được dự báo sẽ xảy ra ngày càng nhiều và bất thường hơn, không theo quy luật, gây khó khăn cho công tác dự báo và ứng phó. Cụ thể, năm 2019, do ảnh hưởng của thiếu hụt lượng mưa, dòng chảy năm 2018 đã gây ra tình trạng hạn hán, khô kiệt vụ Đông Xuân trên địa bàn các huyện Kbang, Đăk Pơ, Mang Yang, Chư Păh, Ia Pa, Kông Chro và thành phố Pleiku. Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại hơn 1.300 ha, với số tiền hơn 16 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông lốc, sét làm 3 người tử vong, hơn 100 ngôi nhà, 3 lò sấy thuốc lá và 6 nhà làm việc bị tốc mái, ước thiệt hại hơn 500 triệu đồng.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2019 số lượng cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền (Bắc Bộ và duyên hải Trung Bộ) từ 4 - 5 cơn. Khu vực Tây Nguyên trong tháng 9/2019 có lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 – 30%, đỉnh lũ trên các sông trong khu vực ở mức báo động 2 đến báo động 3.
Gia Lai hiện có 151 hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện các loại, trong đó 38 hồ chứa thủy điện và 113 hồ chứa thủy lợi. Hầu hết các đập thủy điện vận hành bình thường, chưa phát hiện các biểu hiện nứt, thấm, sạt trượt mái thượng – hạ lưu và các hiện tượng bất thường khác liên quan đến an toàn của đập, các giá trị quan trắc đập cơ bản nằm trong giới hạn thiết kế cho phép.
Về các công trình thủy lợi, tại thời điểm kiểm tra, các đập thủy lợi vận hành bình thường. Tuy nhiên, ở các hồ chứa thủy lợi nhỏ do UBND cấp huyện, xã, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà phê thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam quản lý đều được xây dựng từ lâu (trước năm 1990), hầu hết hồ sơ công trình phục vụ quản lý vận hành bị thất lạc không còn; lòng hồ bị bồi lắng nhiều nên giảm dung tích, các hạng mục đầu mối bị xuống cấp, hư hỏng như mái thượng lưu, hạ lưu, mặt đập bị xói lở; thân đập bị lún võng, một số đập xuất hiện thấm trên mái và vai đập; ngưỡng tràn và kên xả sau tràn bị xói lở… Những hư hỏng này các chủ đập không cân đối được kinh phí để sửa chữa.
Trước những vấn đề cấp thiết đặt ra, tỉnh Gia Lai đã sẵn sàng, chủ động ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Theo đó, tỉnh ưu tiên phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện và vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” trong phòng, chống thiên tai.
Để phục vụ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tỉnh Gia Lai dự kiến huy động tổng lực hơn 27.000 người; trong đó lực lượng quân đội hơn 3.700 người, Công an gần 1.800 người, y tế hơn 1.000 người, thanh niên tình nguyện hơn 6.600 người, dân quân tự vệ địa phương hơn 3.300 người… Bên cạnh đó, phương tiện dự kiến sẵn sàng phục vụ sơ tán dân với gần 1.000 ô tô các loại, gần 160 chiếc ca nô, xuồng cứu hộ, gần 3.800 phao cứu sinh, cùng hàng trăm máy xúc, xe ủi, xe ben các loại…
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao công tác xây dựng phương án và sẵn sàng ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Gia Lai.
Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu hiện nay rất khó lường, dị thường; thời tiết khốc liệt hơn và khó dự báo hơn... Từ thực tế trên, tỉnh Gia Lai cần thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và sớm thành lập Văn phòng Thường trực để công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả hơn.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng lo ngại các hồ thủy điện vừa và nhỏ của các doanh nghiệp tư nhân thi công, bởi năng lực tài chính, con người, kinh nghiệm vận hành chưa thể đáp ứng một cách tốt nhất yêu cầu đặt ra. Vì vậy, tỉnh cần chú trọng kiểm tra để bảo đảm chủ đập vận hành, tuân thủ nghiêm theo quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa an toàn. Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến công tác thông tin, truyền thông về các loại hình thiên tai để người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Về kiến nghị của tỉnh trong việc di dời các hộ dân vùng sạt lở Sông Ba, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng hoàn toàn ủng hộ và sẽ báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương hỗ trợ tỉnh di dời 120 hộ dân vùng sạt lở, tái định cư an toàn, đảm bảo ổn định cuộc sống.