Đoàn kiểm tra tập trung làm rõ một số nội dung như: Việc bố trí nguồn lực của cơ quan chuyên môn về an toàn thực phẩm; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật tại địa phương; công tác tuyên truyền tập huấn, nâng cao nhận thức an toàn thực phẩm và hỗ trợ kinh phí cho các ngành trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...
Đại diện đoàn công tác đánh giá cao và ghi nhận những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Ninh Bình, đồng thời yêu cầu, Ban Chỉ đạo tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết.
Ninh Bình là địa phương có nhiều địa điểm du lịch, hàng năm thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái, đặc biệt trong dịp lễ, Tết, vì vậy, Đoàn kiểm tra yêu cầu các cấp, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ, đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên; trong quá trình thanh tra, kiểm tra cần tuyên truyền cho người dân tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Theo Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Ninh Bình, năm 2023, hoạt động kiểm tra về an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ tỉnh đến huyện, xã, có sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng.
Ninh Bình hiện có khoảng trên 3.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trong năm 2023, ngành triển khai nhiều hoạt động như, tổ chức tuyên truyền thông qua hoạt động tập huấn, kiểm tra giám sát việc chấp hành quy định của nhà nước về an toàn thực phẩm. Tỉnh thành lập 340 đoàn thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm, qua đó, xử phạt 325 cơ sở vi phạm với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã và đang triển khai các mô hình điểm về an toàn thực phẩm, chuỗi thực phẩm như: Mô hình trồng dứa theo tiêu chuẩn VietGAP phục vụ chế biến; mô hình nuôi gà lai Đông Tảo theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ...
Tỉnh hiện có 30 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tương ứng 30 cửa hàng kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Có 123 cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, lũy cấp đến cuối năm 2023 đã xác nhận cam kết an toàn thực phẩm cho gần 650 cơ sở.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm xuyên suốt trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2024, sở, ngành và UBND các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục truyền thông với hình thức và nội dung thích hợp; huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết, mùa lễ hội.
Đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành của các sở, ngành và UBND tuyến huyện, xã tổ chức kiểm tra đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chú trọng kiểm soát sản phẩm thực phẩm tiêu dùng nhiều vào dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra đột xuất.
Cùng ngày, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm số 2 đã đi kiểm tra tại Công ty Cổ phần Xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao (thành phố Tam Điệp) và Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Đại Long (huyện Nho Quan).
Tại hai cơ sở, Đoàn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như, chưa sắp xếp hồ sơ khoa học; chưa lưu phiếu kết quả kiểm nghiệm... Đồng thời đề nghị, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm Ninh Bình chỉ đạo các sở, ngành liên quan tiếp tục giám sát việc chấp hành quy định về sản suất, kinh doanh thực phẩm của các cơ sở mà Đoàn đã kiểm tra.