Kiểm soát nước thải sinh hoạt khu vực sông Nhuệ, sông Đáy

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, hiện nay Chính phủ, cũng như các địa phương đã giành trên 20.000 tỷ đồng để thực hiện nhiều giải pháp giám sát đầu tư các trạm quan trắc môi trường trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình; xử lý nạo vét, cũng như trồng lại rừng đầu nguồn... trong đó bài toán quan trọng nhất chính là kiểm soát nước thải sinh hoạt.

Chú thích ảnh
Một đoạn sông Nhuệ tù đọng đi qua địa phận xã Hữu Hòa và xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN.

Ông Trần Tất Thế,  đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho rằng: Ô nhiễm môi trường sông Đáy, sông Nhuệ đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sức khỏe và sản xuất của hàng triệu người dân, trong đó có tỉnh Hà Nam. Và đây cũng là tình trạng chung. Hầu hết các lưu vực sông trong cả nước đang đứng trước tình trạng ô nhiễm, chưa có biện pháp khắc phục triệt để.  

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: “Riêng lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, chúng tôi đã có báo cáo đánh giá và các nhận diện về nguồn thải. Trong đó, riêng Hà Nội có nguồn thải khoảng 65%, chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ từ nước thải sinh hoạt. Lượng nguồn thải còn lại là từ các tỉnh, thành phố đổ ra sông Nhuệ, sông Đáy. Chính phủ cũng như các địa phương đã đầu tư nguồn lực để thực hiện nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, đó là: Giám sát đầu tư các trạm quan trắc môi trường trên địa bàn Hà Nội, Hà Nam; trên địa bàn Hòa Bình tiếp tục đầu tư để xử lý nạo vét các lòng sông, cũng như trồng lại rừng đầu nguồn…”.

Song song với các giải pháp trên, bài toán quan trọng nhất hiện nay là phải kiểm soát nước thải sinh hoạt. Hiện các khu công nghiệp, làng nghề trên địa bàn Hà Nội bước đầu đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, dự kiến sang năm 2021 một số công trình xử lý nước thải sẽ được hoàn thành.  

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ở tỉnh Hà Nam và Nam Định đã đầu tư 3 trạm xử lý nước thải và các trạm xử lý chất thải rắn trước khi xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì vấn đề xử lý hiện nay còn rất thấp, vẫn còn từ 60 đến 90% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý.

Đây là một vấn đề cần xử lý dứt điểm trong năm 2021 và những năm tiếp theo khi Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực. Các địa phương sẽ “mạnh tay” xử lý những cơ sở sản xuất, các nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn gây ô nhiễm và xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường.  

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, giải pháp trước mắt là cần phải điều tiết các trạm bơm, xử lý nước thải gây ô nhiễm sông Tô Lịch và sẽ vận hành các trạm cống ở Thanh Liệt, Trạm bơm Yên Sở… trước khi đưa nước thải ra Sông Hồng. Ngược lại là hút nước Sông Hồng để pha với nước ô nhiễm đang được xử lý ở các trạm, khi nào xử lý xong, đạt tiêu chuẩn cho phép mới được xả thải.

“Đối với tỉnh Hà Nam, đây là giải pháp trước mắt, về lâu dài cần phải thực hiện nghiêm túc theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong đó, vấn đề chất lượng nước thải sẽ được kiểm soát chặt chẽ, ở những khu vực khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất có nước thải đã vượt quá tải, kiên quyết không cho xả thải. Còn đối với nước thải sinh hoạt, cần có cơ chế đầu tư công - tư để đầu tư hạ tầng và xử lý một cách triệt để nước thải sinh hoạt”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

V.Tôn/Báo Tin tức
Kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm về ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy
Kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm về ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy

Ngày 22/10, tại Hòa Bình, Đoàn công tác của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có buổi kiểm tra việc thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn 2008 - 2020, định hướng trong giai đoạn tiếp theo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN