Kiểm soát chặt, không để xảy ra sự cố môi trường

Năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đề nghị, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường gắn “hiệu quả” với tinh thần “đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo và trách nhiệm”. Hiệu quả chính là có sản phẩm được ghi nhận của chính quyền các cấp, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trong công tác kiểm soát và bảo vệ môi trường.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cần phát huy tối đa lợi thế những “cánh tay nối dài” của Cục là các đơn vị Chi cục tại các miền; khai thác tối đa và hiệu quả việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong quản lý cũng như điều hành. Đặc biệt, Cục tiếp tục vận hành tốt các Trung tâm tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia góp phần cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến chất lượng môi trường, cảnh báo kịp thời khi môi trường có diễn biến xấu trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, Cục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau để người dân thay đổi ý thức bảo vệ môi trường...

Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức cho biết với quan điểm chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, năm 2023 Cục đã trình lãnh đạo Bộ ban hành quyết định thành lập 18 tổ giám sát đối với các cơ sở, dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tổ giám sát đã tích cực hướng dẫn hoặc yêu cầu các cơ sở thực hiện theo đúng quy định. Theo đó, công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp được giám sát có chiều hướng tốt hơn. Các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã được kiểm soát chặt và không để xảy ra sự cố môi trường trong năm.

Cục duy trì, vận hành thường xuyên đường dây nóng về ô nhiễm môi trường nhằm kịp thời tiếp nhận và xử lý những phản ánh về ô nhiễm môi trường trên cả nước. Năm 2023, Cục đã tiếp nhận gần 700 thông tin phản ánh của công dân về ô nhiễm môi trường; có 274 thông tin, vụ việc đã được đường dây nóng cấp trung ương gửi về đường dây nóng các địa phương để xác minh, xử lý theo thẩm quyền; gần 400 thông tin đã được đường dây nóng cấp trung ương hướng dẫn công dân thực hiện theo quy định pháp luật. Trong đó, 203/274 thông tin, vụ việc đã được các địa phương xác minh, xử lý theo thẩm quyền.

Để kiểm soát các nguồn thải lớn, trong quá trình giám sát, Cục đôn đốc các cơ sở lắp đặt các trạm quan trắc online tự động, liên tục truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường, kết nối với hệ thống dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia. Từ đó theo dõi, kiểm soát, kịp thời thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường khi phát hiện các số liệu bất thường hoặc bị ngắt quãng.

Theo ông Hoàng Văn Thức, năm 2023 vẫn tồn tại những cơ sở vi phạm việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Vì vậy, hoạt động kiểm tra được Cục triển khai quyết liệt với tổng số 247 cơ sở. Qua đó đã phát hiện một số cơ sở vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường liên quan đến xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép; vi phạm công tác báo cáo bảo vệ môi trường; vi phạm về giấy phép môi trường; vi phạm về chương trình quan trắc môi trường định kỳ… Cục đã kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành 48 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 23 tỷ đồng. Thanh tra Bộ đang tiếp tục xử lý đối với 5 trường hợp đã lập Biên bản vi phạm hành chính.

Năm 2023, Cục đã tiếp nhận 20 vụ việc, sự cố môi trường phát sinh trên cả nước. Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục đã tổ chức kiểm tra, khảo sát, xác minh thông tin hoặc ban hành văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương đề nghị xác minh vụ việc, báo cáo kết quả về Cục để phối hợp giải quyết theo quy định...

Hoàng Vân (TTXVN)
Tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia
Tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia

Ngày 26/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1251/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN