Khuyến khích đầu tư vào ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam. Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực và đạt được kết quả bước đầu trong việc giảm thiểu tác động của BĐKH, trong đó kết quả lớn nhất là đã làm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề này”. Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp của Ủy ban quốc gia về BĐKH với các nhà tài trợ và các đối tác phát triển tại Việt Nam, tổ chức ngày 8/10, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, Việt Nam đã và đang hết sức nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế tìm ra các giải pháp ứng phó và giảm nhẹ tác động của BĐKH. Nhiều cơ chế, chính sách đã được xây dựng và ban hành để phục vụ cho công tác ứng phó với BĐKH với quy mô trung và dài hạn. Tiếp tục thực hiện mục tiêu của chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH, Việt Nam cần sự đầu tư, hỗ trợ lớn hơn nữa của cộng đồng quốc tế.

Dự án nâng cấp đê, kè thuộc tuyến đê biển huyện Hải Hậu.
Ảnh: Đình Huệ - TTXVN



Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH được đề xuất từ năm 2009 và bắt đầu được thực hiện vào năm 2010. Đến nay, đã xây dựng được trên 200 chương trình hành động chính sách và nhận được 1.030 triệu USD vốn tài trợ. Từ 2009 đến nay đầu tư cho ứng phó với BĐKH tăng lên gấp đôi từ khoảng 20.000 tỷ đồng lên 40.000 tỷ đồng. Năm 2015 sẽ có 24 dự án cấp bách về ứng phó với BĐKH cần triển khai với kinh phí 3.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép sử dụng 3.000 tỷ đồng vốn vay ODA thông qua chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH để đầu tư cho các dự án ứng phó với BĐKH trong năm 2015.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, những điều mà chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH đã đạt được là rất to lớn, không chỉ thể hiện ở 200 hành động chính sách đã thực hiện mà trong 6 năm qua, chương trình đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống, ứng phó với BĐKH một cách rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều nội dung chưa thực hiện được. Phó Thủ tướng chỉ rõ, hiện nay ở nước ta còn tồn tại, đó là chính sách ra nhiều nhưng không hiệu quả, còn nhiều hạn chế, một số chính sách có tính khả thi kém do không có nguồn lực hoặc do thực hiện chưa tập trung, chưa tính đến mức ưu tiên với từng dự án. Bên cạnh đó, một số dự án thực hiện chưa hiệu quả, cần phải có sự điều chỉnh và sự phối hợp giữa các đơn vị thực hiện chưa thấy rõ.

Trước thực tế đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm làm việc với các nhà tài trợ để thống nhất, đẩy sớm kế hoạch thực hiện các dự án liên quan đến BĐKH, xây dựng chương trình cho sau năm 2015. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thống nhất với các bộ liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…về các phương án thực hiện về tài chính, ngân sách… Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung vào việc xây dựng chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực ứng phó với BĐKH, xây dựng các mô hình ứng phó dựa vào cộng đồng, xây dựng chính sách tăng cường khả năng chống chịu trước BĐKH của thành phố, cụm dân cư, khu vực dễ bị tổn thương.

Phòng, chống biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long

Cùng ngày, tại phiên họp thứ 32 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo việc thực hiện giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long”.

Qua giám sát cho thấy, biến đổi khí hậu tác động đến đồng bằng sông Cửu Long rất phức tạp, có sự khác nhau giữa các địa phương, ngay trong một tỉnh, thậm chí trên cùng một huyện, xã, một khu vực ven biển. Có nơi mối đe dọa chủ yếu là sạt lở như ở Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, cũng có nơi chịu ảnh hưởng lớn từ nước biển dâng và triều cường như TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ...

Theo thống kê của đoàn giám sát, 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long đã ban hành 89 văn bản các loại đối với việc thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và phê duyệt danh mục dự án đầu tư trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu. Tất cả các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực, ngành, khu vực, đặc biệt là các lĩnh vực và khu vực nhạy cảm, dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu như: Lĩnh vực đất đai, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tài nguyên nước…

Tuy nhiên, đoàn giám sát đánh giá hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng không ít văn bản chưa thực sự dựa trên điều kiện cụ thể, tính đặc thù và mức độ tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra tại địa phương.

Đoàn giám sát kiến nghị ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long. Cân nhắc đề xuất của Chính phủ là ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Báo cáo của đoàn giám sát cần đánh giá tác động biến đổi khí hậu của đồng bằng sông Cửu Long trong tổng thể vùng rộng lớn, trong đó có TP Hồ Chí Minh; nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu cần được lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở hoàn thiện chính sách pháp luật để làm tốt việc ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần xác định cụ thể các mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài trong ứng phó với biến đổi khí hậu; làm rõ nguồn lực đầu tư trong nước và nguồn đầu tư từ nước ngoài, cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa để tăng nguồn lực.
 
 

Ông Trương Minh Hoàng, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Chống xói lở rất tốn kém

Tỉnh đã lập dự án, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ hỗ trợ xây dựng đê kè nhưng hiện tại gói hỗ trợ từ nguồn BĐKH không đáng kể. Hiện nay, ở những khu vực xung yếu, tỉnh đã tiến hành xây kè trụ đá rồi trồng cây mắm để chắn sóng, chống xói lở đê kè ven biển. Trụ kè có nơi cách chân đê biển khoảng vài chục mét, có chỗ tới hàng trăm mét. Mô hình này đã đem lại hiệu quả. Tuy nhiên việc xây dựng trụ kè rất tốn kém, do không có kinh phí nên không thể tiếp tục làm. Tôi rất chia sẻ với Chính phủ vì hiện có nhiều khó khăn, nhưng trước sau gì cũng phải làm; không để mất bò mới lo làm chuồng. Xuân Phong (ghi)

 

Ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ: Huy động nguồn lực từ nhiều phía

 

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2030, Cần Thơ sẽ tập trung thực hiện kế hoạch hành động ứng phó BĐKH như nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH cho cơ quan chuyên môn; đề ra các danh mục dự án thích ứng BĐKH phù hợp, bền vững với từng địa phương; xây dựng ý thức và trách nhiệm của mỗi thành viên trong xã hội về chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH… Theo đánh giá của tôi, mặc dù đã ban hành nhiều biện pháp nhưng nhìn chung, nguồn lực dành cho vấn đề này còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Vì thế, vấn đề ngân sách và nguồn lực cần được đặt lên hàng đầu để giải quyết bài toán BĐKH. Nhà nước cần có chính sách rõ ràng huy động nguồn lực của Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần kêu gọi nguồn lực từ nước ngoài thông qua các dự án quốc tế.

 

Thu Phương (ghi)



Thu trang - TTN
Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chính sách biến đổi khí hậu
Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chính sách biến đổi khí hậu

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, đã chủ trì cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu với các nhà tài trợ Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) và các đối tác phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN