Không thiếu hàng nông sản trong dịp Tết

Thời tiết thất thường khiến nhiều người dân lo ngại các mặt hàng nông sản sẽ “khan” hàng và tăng giá trong dịp Tết. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã có cuộc trả lời báo chí về vấn đề này.

Xin ông cho biết việc cân đối cung cầu các mặt hàng nông sản trong dịp Tết do Bộ quản lý như thế nào?

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thu thập thông tin về các mặt hàng nông sản chính, đặc biệt là các loại lương thực, thực phẩm. Chúng tôi thấy có một số vấn đề trong việc đảm bảo cung cầu các mặt hàng, ví dụ như đối với thịt, muối, đường... Bộ cũng đang trao đổi với các đơn vị liên quan để có chính sách phù hợp. Về phía Bộ, chúng tôi sẽ chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhân dân tích cực sản xuất, tăng nguồn cung, nhất là đối với các mặt hàng thịt vào dịp Tết.

Hiện cũng không có mặt hàng nào quá căng thẳng về nguồn cung. Từ nay tới Tết vẫn còn thời gian khá dài, chúng tôi sẽ theo sát diễn biến trên thị trường để có những giải pháp phù hợp.

Vừa qua, có một số lượng lớn hàng nông sản, đặc biệt là rau được nhập vào Việt Nam. Liệu dịp Tết năm nay chúng ta có phải nhập khẩu các mặt hàng nông sản không, thưa ông?

Việc nhập khẩu nông sản đã diễn ra trong nhiều năm, chủ yếu là các loại mà ta không sản xuất được như: Lúa mỳ, hoặc nông sản mà Việt Nam sản xuất với giá thành cao như: Ngô, bông... Cũng có một số loại chúng ta nhập khẩu về để chế biến xuất khẩu như: Gỗ, thủy sản, cao su, gần đây cũng có một số hàng nông sản chúng ta nhập vào có tính chất thời vụ là một số loại rau.

Cách đây hơn hai tuần, số lượng rau nhập về khá lớn do giáp vụ, mưa lũ đã ảnh hưởng tới sản xuất khiến nguồn cung trong nước hạn chế, giá cao. Nhưng trong thời gian gần đây, số lượng rau nhập khẩu đã giảm mạnh do nguồn cung trong nước tăng lên, sản xuất rau trong nước đảm bảo phục vụ người tiêu dùng.

Còn về thịt, có tình trạng lợn của Việt Nam được bán tiểu ngạch sang nước láng giềng, do phía họ mua với giá cao hơn thị trường trong nước nhưng đây cũng hoạt động có tính chất thời vụ. Về việc này chúng ta thực hiện theo Luật Thương mại và theo cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Về phía Bộ, chúng tôi đang chỉ đạo các địa phương kiểm soát chặt việc vận chuyển buôn bán gia súc, gia cầm để không làm lây lan dịch bệnh.

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):

Bộ đã chỉ đạo các địa phương tích cực phát triển mạnh các loại rau ưa lạnh như: Bắp cải, xu hào, đậu đỗ và khoai tây... vì vòng đời ngắn. Tới Tết Dương lịch, chúng ta sẽ có lượng rau đủ đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Năm nay, chúng ta chuyển dịch, sang trà lúa xuân muộn nên có đất để sản xuất rau mầu tới tháng 1/2011. Do đó, chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm rau trong dịp Tết.


Việc thu gom hàng nông sản của một số nước láng giềng có đẩy giá nông sản trong nước lên không, thưa ông?

Việc các nước láng giềng tăng cường nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam đang làm tăng giá một số mặt hàng tại thị trường trong nước. Người tiêu dùng bị ảnh hưởng nhất định nhưng chúng ta cũng phải tính tới lợi ích của người nông dân.

Chúng tôi vẫn đang theo dõi tình hình, trước mắt giá thịt lợn trong nước có nhích lên, có lợi cho người chăn nuôi. Nếu giá tăng lên quá cao, ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng mà lãi đó người chăn nuôi không được hưởng thì sẽ có biện pháp cần thiết.

Hơn nữa, hàng nông sản chủ yếu xuất khẩu có tính chất tiểu ngạch, khối lượng không lớn so với lượng sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, giá tăng sẽ khuyến khích trong nước sản xuất, đó cũng là điều thuận lợi. Chúng tôi cũng đang theo dõi sát sao để đảm bảo cung cầu trong nước, nhất là vào dịp Tết.

Thu Hường - Hữu Vinh thực hiện

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN