Không còn sợ "đói" vốn vì thoát nghèo

Quyết định 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 5/9/2015 đã nhanh chóng được các hộ mới thoát nghèo đón nhận như một động lực mới giúp họ thoát nghèo bền vững.


Buổi giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội ở xã Hải Châu, Hải Hậu, Nam Định.


Dưới những cơn mưa như trút nước đổ xuống trong tháng ngâu âm lịch, chúng tôi theo chân cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Nam Định về xã miền biển Hải Châu, huyện Hải Hậu, để giao dịch theo lịch cố định hằng tháng với bà con. Có lẽ, trong số những người đến trụ sở UBND xã giao dịch với NHCSXH tháng 9 này thì những người vay vốn theo chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo là vui mừng nhất, bởi Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ vừa mới có hiệu lực từ ngày 5/9/2015.

Cầm 30 triệu đồng còn “nóng hổi” vừa được giải ngân, chị Trần Thị Dung, ở xóm 4, Phú Lễ, xã Hải Châu, phấn khởi cho biết: “Tôi sẽ dùng nguồn vốn này để tiếp tục đầu tư nuôi cá diêu hồng”. Gia đình chị Dung vốn thuộc diện hộ nghèo, chống bị bệnh não mất sức lao động. Năm 2011, chị được NHCSXH cho vay 15 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi lợn.

Đến tháng 6/2014, chị đã trả được hết nợ cho ngân hàng và đồng thời cũng vươn lên ra khỏi danh sách hộ nghèo. Nhưng cũng từ đây gia đình chị lại không thuộc đối tượng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dù còn nhiều khó khăn. Chị Dung thổ lộ phải thế chấp sổ đỏ toàn bộ nhà đất mới vay được 30 triệu đồng từ ngân hàng thương mại với lãi suất cao hơn, rồi hàng năm phải hoàn trả đủ gốc và lãi mới được vay tiếp. Nhưng đầu tư nuôi cá đòi hỏi chi phí cao hơn nuôi lợn, ít nhất phải 60 triệu đồng/năm nên đôi khi chị vẫn phải đi vay tín dụng “đen” với lãi suất “cắt cổ”. “Người ta thương hại hoàn cảnh gia đình mình nên mới lấy lãi 100.000 đồng/1 triệu đồng/tháng (120%/năm, gấp 10 lần lãi suất ngân hàng thương mại – PV) chứ người khác còn cao hơn”, chị Dung tâm sự. Với chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ, cơn khát vốn đã phần nào được giải quyết. Chị Dung khẳng định: “NHCSXH cho vay với lãi suất vừa phải, lại trả dần chứ không phải trả hết hàng năm rất phù hợp với gia đình tôi”.

Chị Phạm Thị Hương yên tâm với nguồn vốn mới để đầu tư nuôi cá.


Cùng chung niềm vui được vay vốn, chị Phạm Thị Hương, ở xóm 8, Phú Lễ, xã Hải Châu, chia sẻ: “Năm 2012, hai vợ chồng tôi được vay 15 triệu đồng theo diện hộ nghèo. Đến tháng 5/2015, chúng tôi đã trả hết đầy đủ cho ngân hàng nhưng cũng rất lo vì chưa biết vay vốn ở đâu để tiếp tục thả cá diêu hồng và mua thêm giống trồng cây đinh lăng. Khi được Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền về chương trình cho hộ mới thoát nghèo vay chúng tôi rất mừng và hôm nay lại được NHCSXH về tận xã giải ngân nhanh chóng”.

Ông Trần Trung Trực, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Châu cho biết, 3 năm qua, toàn xã có hơn 100 hộ mới thoát nghèo nhưng họ vẫn còn khó khăn, chưa tích lũy được nhiều. Do đó, Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp hộ mới thoát nghèo có nguồn vốn để tiếp tục đầu tư vào sản xuất. Đón nhận quyết định này, Hội Nông dân xã đã tích cực triển khai, hướng dẫn bà con “không mất một đồng phí nào”. Hội Nông dân còn kết hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật khuyến nông để các hộ vay sử dụng vốn hiệu quả.

Theo thông tin từ NHCSXH tỉnh Nam Định, chỉ trong 4 ngày kể từ khi Quyết định 28 có hiệu lực, toàn tỉnh đã có 22 hộ mới thoát nghèo được giải ngân 866 triệu đồng. Bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc NHCSXH tỉnh khẳng định, trong tháng 9 này sẽ giải ngân hết 30 tỷ đồng theo chỉ tiêu được phân bổ từ Trung ương. 

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai “thần tốc” chương trình mang nhiều ý nghĩa này, bà Phạm Thị Tuyết cho biết, công tác chuẩn bị được thực hiện từ sớm và tổ chức tuyên truyền rộng rãi. Hàng năm, tỉnh cũng thống kê các hộ mới thoát nghèo nên danh sách có sẵn, khi Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện chuyển danh sách sang, NHCSXH đối chiếu kiểm tra rồi tiến hành các thủ tục hồ sơ sẵn sàng. Vì vậy, khi Quyết định 28 có hiệu lực ngày 5/9/2015 việc giải ngân tiến hành nhanh chóng và không có vướng mắc gì. Chính quyền địa phương và nhân dân đón nhận rất hồ hởi.

Chia tay các cán bộ NHCSXH Nam Định, chúng tôi được biết, phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh đã giúp thêm nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nhất là ở huyện nông thôn mới Hải Hậu. Bởi vậy, chi nhánh sẽ đề xuất nguồn vốn cho hộ mới thoát nghèo trong tỉnh nâng lên 100 tỷ đồng trong thời gian tới.

Theo Quyết định 28 có hiệu lực từ ngày 5/9/2015, những hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh với mức tối đa không quá 50 triệu đồng từ NHCSXH, lãi suất cho vay là 8,25%/năm. UBND cấp xã lập danh sách các hộ mới thoát nghèo, tổng hợp báo cáo UBND cấp huyện phê duyệt và làm cơ sở xác nhận để NHCSXH cho vay.


Bài và ảnh: Tứ Hải
Hỗ trợ nông dân Khmer thoát nghèo
Hỗ trợ nông dân Khmer thoát nghèo

Từ khi thực hiện về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng các chính sách hỗ trợ khác, nhiều gia đình đồng bào dân tộc Khmer ở Hậu Giang đã ổn định cuộc sống, chuyên tâm làm ăn và phấn đấu thoát khỏi diện nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN